Chuyện về văn bia cổ nhất Việt Nam được người dân tìm thấy khi đào đất đóng gạch

(PLVN) - Sau cả ngàn năm bị chôn vùi dưới đất, bia Xá lợi tháp minh đã được một người dân tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vô tình tìm thấy. Xuất hiện từ thời Tùy Văn Đế, Xá lợi tháp minh được công nhận là văn bia cổ nhất tại Việt Nam. Bởi đó, Xá lợi tháp minh giúp cho quá trình nghiên cứu về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý trở nên sáng tỏ hơn. 
Bia Xá lợi tháp minh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Bia Xá lợi tháp minh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh

Bia cổ từ thế kỷ thứ 7 vùi sâu trong lòng đất

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quang, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở gần khu vực chùa làng, đã va phải một vật rất cứng. Đó chính là tấm bia Xá lợi tháp minh.

Ông Đức tìm thấy tấm bia cùng một hòm đá bao gồm phần nắp và phần thân, trên có ghi các ký tự giống chữ Nôm. Nghĩ đây là đồ cổ, vật thiêng nên ông đem cất kỹ trong nhà. Gần chục năm sau, khoảng năm 2012, ông có đưa tấm bia cổ cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem. Bản thân ông Đức, theo câu chuyện kể, giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không hay biết.

Sau này khi bà Thơm, một cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đi tìm kiếm tư liệu thì được một người làm việc tại xã Trí Quả mách về việc đã từng nghe về một tấm bia như bà đang tìm kiếm. Sau khi biết được tấm bia đang ở nhà ông Đức, bà Thơm đã lui tới nhà ông nhiều lần chỉ với mong muốn được nhìn thấy và chụp ảnh tấm bia đó.

May mắn thay khi đã đủ tin tưởng các chuyên gia, ông Đức đã tặng lại tấm bia cho Bảo tàng Bắc Ninh mà không hề đưa ra bất cứ đòi hỏi gì. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng trên khắc chữ An của làng đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). 

Theo bài viết gửi cho Hội nghị Thông báo Khảo cổ học của TS. Lê Viết Nga (Bảo tàng Bắc Ninh), tấm bia có phần nắp và phần thân cùng có kích thước 45x46cm, phần nắp đậy dày 4cm. Mặt dưới phần nắp tạo gờ nổi xung quanh (có lẽ để tránh phần nắp tiếp xúc trực tiếp với mặt chữ và để trát hợp chất), mặt trên tạo “góc bạt chéo hình trụ”. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân.

Hòm có kích thước 45x46cm, phần nắp dày 8 cm, phần thân cao 20cm. Phần phía trên nắp cũng tạo góc bạt chéo hình trụ. Bên trong hòm có “tạp chất màu thâm đen”. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đức, bia đá và hòm đá được đặt trên một phiến đá. Được biết, khi ông Đức tìm thấy, tấm bia được úp khít bởi một nắp đá, được kết dính bằng một chất đặc biệt mà tới giờ các nhà khoa học vẫn chưa rõ. Bởi vậy, ông cùng vài công nhân đã phải rất vất vả mới tách đôi được.

Theo các nhà nghiên cứu, do tấm bia được đựng trong hộp kín có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu và còn nguyên vẹn. Điều này đã giúp các nhà nghiên cứu nhanh chóng tìm hiểu được nội dung của tấm minh văn và xác định niên đại của nó.

Nội dung "Minh tháp xá lợi" ghi những gì?

Ngày 29/8/2012, sau khi nhận được tin từ Bắc Ninh, một đoàn các nhà nghiên cứu gồm: GS. Phan Huy Lê, PGS. TS Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Văn Sơn đến Bảo tàng Bắc Ninh và trực tiếp quan sát văn bia dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh TS. Lê Viết Nga và một số cán bộ của bảo tàng. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia đã công bố Bản minh văn được khắc trên tấm bia tổng cộng có 133 chữ, được chia làm 13 dòng bao gồm: 1 dòng tiêu đề, 10 dòng chính văn, 2 dòng chú thích, mỗi dòng về cơ bản có 13 chữ.

Bản phiên âm của tấm minh văn có nội dung theo các dòng như sau: “1. Xá lợi tháp minh văn; 2. Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt; 3. Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu; 4. Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn; 5. Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi; 6. kính tạo linh tháp nguyện; 7. Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng; 8. hậu, Hoàng thái tử, chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại quần; 9. quan, viên cập dân thứ, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân đẳng; 10. sinh sinh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng; 11. thăng diệu quả; 12. Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị uý; 13. Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi tháp”.

Tạm dịch: “Bài minh tháp xá lợi; Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu. Vì sinh linh u hiển của tất cả các cõi pháp giới, Hoàng đế [tức Tùy Văn Đế] kính cẩn kiến tạo linh tháp, phụng an xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu. Nguyện cho: Đức Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, các vương tử vương tôn, cùng quan viên nội ngoại, đến cả kẻ thứ dân, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân, đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc. Sắc chỉ sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị úy là Khương Huy đưa xá lợi đến đây xây tháp”.

Theo TS. Phạm Lê Huy, giảng viên tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), bài minh văn đã hé lộ niên đại của tấm bia Xá lợi được tìm thấy ở Bắc Ninh là từ năm 601 dưới thời vua Tùy Văn Đế (Trung Quốc). Bài minh trên bia ghi rõ vào năm 601, vua Tùy Văn đế đã cho làm tháp xá lợi để Đức thái tổ, hoàng hậu, hoàng đế... cùng những người khác đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc.

Bài minh cũng nêu rõ tên người đưa xá lợi đến xây tháp tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu (khi đó còn có tên nước là Vạn Xuân vua đời thứ ba cai trị là Lý Phật Tử- PV).

Theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi. Đồng thời vua Tùy tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại hơn 100 châu thuộc bản đồ các nước thuộc danh sách đô hộ của nhà Tùy thời bấy giờ. Đây là một phần trong chính sách phục hưng Phật giáo của người sáng lập vương triều nhà Tùy.

Mang trong mình ý nghĩa quan trọng như vậy, hoạt động phân phát xá lợi và hệ thống bảo tháp xá lợi được xây dựng dưới niên hiệu Nhân Thọ (thường được giới nghiên cứu biết đến dưới thuật ngữ Nhân Thọ xá lợi tháp) đã sớm nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của rất nhiều học giả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

(Kỳ tới: Dấu ấn trầm tích lịch sử của nhà nước Vạn Xuân trên "Xá lợi tháp minh") 

Đọc thêm