Dưới mái đình làng Việt - (Kỳ 1): Đình Thổ Tang – Nơi duy nhất nước Việt thờ ba chữ “Hòa Vi Quý”

(PLVN) - Được xây dựng cách đây hàng trăm năm, đình Thổ Tang (xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất Việt Nam. Với lối kiến trúc thời Hậu Lê, đình Thổ Tang giờ đây vẫn giữ nguyên vẹn hàng chục bức phù điêu vô giá. Đặc biệt, để có được sự hòa thuận đình làng đã phải thờ ba chữ “Hòa Vi Quý”.
Hoành phi đình Thổ Tang với ba chữ đại tự “Hòa Vi Quý”.
Hoành phi đình Thổ Tang với ba chữ đại tự “Hòa Vi Quý”.
LTS: Cây đa, giếng nước, sân đình là hình ảnh đã hằn sâu trong tâm thức mỗi người dân đất Việt từ xưa tới nay. Mái đình không chỉ là nơi thờ đức thành hoàng, phúc thần thể hiện mong cầu cuộc sống yên ấm hạnh phúc của dân làng mà đây cũng là nơi hội họp việc làng về hành chính, xã hội, tôn giáo.... Đình làng là nơi đáp ứng nhu cầu tin thần, gắn bó cộng đồng dân tộc bởi vậy mà nơi đây từ kiến trúc tới các bức tượng thờ... đều thể hiện sức sáng tạo, tài năng của những nghệ nhân dân gian.  

Đình Thổ Tang, di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 1964, là một trong số các ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ (thế kỷ XVII) cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Mông Phụ… 

400 năm lưu giữ nghệ thuật, điêu khắc cổ

Đình Thổ Tang được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương, một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta ở thế kỷ XII. 

Ngôi đình Thổ Tang được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, đại đình là toà nhà lớn chia làm 5 gian, 2 dĩ. Phần nhô ra phía sau là hậu cung. Mái đình lợp ngói vảy hến. Bốn góc mái có đao cong hình rồng. Đình có tới 56 cột gỗ, được phân bố 8 hàng chạy ngang, 6 hàng dọc. Phần cột của hậu cung gồm 4 hàng chạy ngang, 2 hàng dọc. 

Kết cấu bộ vì chính của đình theo kiểu thức “chồng rường- giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kè- bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII-XVIII) đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo. 

Đình Thổ Tang là Di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 1964.
Đình Thổ Tang là Di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 1964.  

Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo và hết sức tinh tế trên các thành phần kiến trúc: thân kè, thân bẩy, thân rường. Đây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương với trăm miền.

Cùng với đó là bức chạm: Ngày hội xuống đồng, ở ngay hè đình, cạnh cửa ra vào. Bức phù điêu miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ trong một ngôi làng mà trung tâm là người đang cày ruộng với trâu. Từ những nét chạm trỏ có thể cho thấy một không khí ngày hội xuống đồng đầu năm tưng bừng. 

Bên cạnh gian đình trong phía phải là bức chạm bắn hổ, thể hiện sức mạnh, sự mưu trí của con người chinh phục và làm chủ tự nhiên, ngay cả với những loài thú dữ. Bức chạm Đá cầu tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, thể hiện hình ảnh hai người đá cầu khá đẹp cùng những động tác vô cùng sống động.

Bức phù điêu “Uống rượu” tại đình Thổ Tang.
Bức phù điêu “Uống rượu” tại đình Thổ Tang.  

Theo các cao niên, ngoài những bức phù điêu vô giá đó. Đình còn giữ được nguyên vẹn bộ trang phục của tướng Lân Hổ ở trong hậu cung. Cùng với đó là 7 sắc phong của các triều đại ban cho Lân Hổ Đô Thống Đại Vương.

Theo tiết lộ của người địa phương, đình Thổ Tang từng được tôn tạo lại. Trong khi tháo các khớp gỗ ra, người dân phát hiện ở trong các kèo cột có một số lỗ nhỏ bằng chiếc chén kèm theo những di vật lạ. Đem chuyện hỏi các nhà sử học cũng như các nhà phong thủy, người dân đều nhận được câu trả lời đó là thuật yểm bùa của người xưa.

Chính vì sự linh thiêng như vậy mà từ khi được xây dựng tới thời điểm hiện tại đình Thổ Tang chưa từng bị kẻ xấu xâm hại. Trải qua 400 năm trải qua mọi biến cố thăng trầm mà ngôi đình vẫn nguyên vẹn từ cột lim đến viên ngói vảy hến.

Triết lý nhân sinh “Hòa Vi Quý”

Theo GS Trần Lâm Biền, đình cổ Thổ Tang là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Các cổ vật và sắc phong cũng còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên đáng chú ý nhất vẫn là bức đại tự chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc của tiền nhân. Bức hoành phi với 3 chữ đại tự “Hòa Vi Quý” tức “Hòa là quý”. Bức hoành phi này cũng trở thành biểu tượng linh thiêng và được thờ ở đình cổ như một sự tri ân.

Bức hoành phi này có nguồn gốc bắt đầu từ việc chọn thế đất để xây dựng đình làng. Được biết, đình Thổ Tang xây trên thế đất lạ, đất khuyết bốn góc. Tương truyền đây là nơi mà tướng Phùng Lân Hổ thời nhà Trần chiến đấu rất dũng mãnh và trọng thương trước khi phi ngựa lên vùng Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) và chết tại đó. 

Theo những vị cao niên trong làng, tướng Phùng Lân Hổ bị giặc Nguyên Mông bắn trúng tên vào vai khi đang chiến đấu ở vùng Bạch Hạc - ngã ba sông Việt Trì đã phi ngựa chạy qua Thổ Tang và rơi một giọt máu tươi xuống đó. Nhân dân liền lấy cây trúc cắm vào đánh dấu. Sau này, khi vua nhà Trần tuyên dương tướng Lân Hổ và ban tặng 8 chữ "Nam thiên tráng khí Bắc khấu hàn tâm" thì nhân dân tâu với triều đình cho xây đình để tưởng nhớ.

Bức phù điêu “Hội mùa” được tram khắc tại đình Thổ Tang.
Bức phù điêu “Hội mùa” được tram khắc tại đình Thổ Tang.  

Theo lịch sử thì Thổ Tang chỉ là một cái tên mới thời Pháp thuộc. Tên gốc nghìn đời của làng là Địa Tang. Khi người Pháp lập ra khu buôn bán mới nghĩ Địa Tang giống với "địa táng", tức vùng chôn cất người chết. Sau nhiều cuộc họp bàn, quan Pháp đã đổi tên địa danh vùng đất này thành Thổ Tang thương trấn. Cái gốc buôn bán kinh doanh của vùng Thổ Tang từ đấy mà ra.

Ông Thiện cho rằng, không những đình làng xây dựng trên "giọt máu Phùng Lân Hổ" mà làng Thổ Tang xưa cũng thuộc mạch đất thiêng của ngã ba trời đất Bạch Hạc. Tuy nhiên, vì thế đất không được hợp lý nên người các làng hay đối kháng với nhau. Dù khi đình Thổ Tang hoàn thành vào năm 1617 với bức hoành phi “Thần nhân tư duyệt”, tức quan và dân cùng bàn nhưng mọi việc vẫn không khấm khá hơn.

Theo GS Trần Lâm Biền, hồi ngôi đình mới làm xong, dù đã có 4 chữ là “Thần nhân tư duyệt” nhưng vẫn chưa thể khánh thành vì dân làng còn nhiều mâu thuẫn. Lúc đó có viên Tổng đốc Sơn Tây kinh lý qua Thổ Tang. Biết vị tổng đốc là người hay chữ, dân làng thỉnh cầu ông cho chữ hoành phi. Sau khi nghe kỳ mục bẩm báo tình hình, trong đó có chuyện dân Tam Lâm với dân Tứ Xóm lâu nay thường xuyên đánh lộn, kể cả dùng cật nứa đâm nhau trọng thương. 

Vị Tổng đốc nhíu mày suy nghĩ rồi viết luôn 3 chữ “Hòa vi quý”. Thấy nghĩa chữ hay quá, dân làng phấn khởi khắc ngay vào bức hoành phi treo lên và mở luôn hội khánh thành đình. Kể cũng lạ, tự nhiên sau đó trong làng trở lại bình yên, không còn chuyện đánh lộn như trước. Tình hình đó được duy trì cho mãi tới ngày nay.

Theo đánh giá của các nhà sử học, Thổ Tang là nơi duy nhất của nước ta thờ ba chữ “Hòa vi quý”. Ba chữ đại tự này đến ngày nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Chữ được sơn son thếp vàng trên nền màu gỗ nâu sậm. Hai bên hoành phi là hai dòng chữ nhỏ ghi thời điểm khắc chữ.

Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật di tích Đình Thổ Tang thành nơi giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước kia theo tình hình chung của cả nước, đình của các làng mạc Việt Nam chỉ là quán để nghỉ. Năm 1231 Trần Nhân Tông xuống chiếu cho đắp tượng Phật ở đình quán. Năm 1491 nhà vua cho xây dựng Quảng Văn đình là nơi để dân chúng đánh trống kêu oan và nơi ban bố, giảng giải các chính sách của nhà nước phong kiến tại Thăng Long.

Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ Thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng có lẽ bắt đầu vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc. Có lẽ sự phát triển của Nho giáo vào cuối thế 15 đã cấy dần Thành hoàng vào đình làng. Nhưng hiện nay dấu vết sớm nhất của đình làng thì Thành hoàng chỉ gặp từ thế kỷ 16. Trước đây đình thường chỉ có 3 gian và 2 chái. Gian giữa không có sạp, trong gian thờ Thành hoàng. Cuối thế kỷ 17 từ gian giữa và kéo dài về sau gọi là chuôi vồ, tạo cho đình làng mang kiểu chữ Đinh. Cuối thế kỷ 17, nhất là thế kỷ 18, đình làng được bổ sung tòa tiền tế. 

  

Đọc thêm