Hà Nội lắp đặt điểm quét mã QR để quảng bá du lịch

(PLVN) - Từ giữa tháng 10 đến hết năm 2020, UBND quận Ba Đình, Hà Nội sẽ lắp đặt các điểm quét mã QR - mã vạch hai chiều phản hồi nhanh về các điểm du lịch để cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch tại điểm di tích đó.
Hà Nội lắp đặt điểm quét mã QR để quảng bá du lịch

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch 

Hiện nay, 3 điểm di tích đã được lắp đặt gồm: Hoàng Thành Thăng Long, đền Voi Phục, đền Quán Thánh. Trong nửa cuối tháng 10/2020, quận tiếp tục lắp đặt ở 7 điểm gồm: Chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, đình Ngọc Hà, đình Giảng Võ, chùa Bát Tháp, chùa Hòe Nhai, đền Thủy Trung Tiên; đồng thời triển khai lắp đặt ở nhiều di tích khác, đảm bảo hết năm 2020 có 30 di tích được lắp đặt các điểm quét mã QR. 

Đây là một phần kế hoạch được thực hiện tại công trình ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch quận Ba Đình được khánh thành nhằm chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Theo đó, công trình thuộc Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch quận Ba Đình” do Đoàn Thanh niên và Phòng Văn hóa và Thông tin quận thực hiện nhằm số hóa thông tin của 30 di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn quận. 

Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 20/8 - 30/9/2020: chuẩn bị, thu thập thông tin, biên soạn hình ảnh, số hóa nội dung, cấp mã QR cho 10 di tích. Giai đoạn 2 từ ngày 1/10-20/10/2020: tổ chức lắp đặt thử nghiệm các điểm quét mã QR tại một số di tích. Giai đoạn 3 từ ngày 20/10 - 31/12/2020: tiếp tục hoàn thiện thông tin và lắp đặt các điểm mã quét QR tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh còn lại trên địa bàn quận. 

Phát biểu tại lễ khánh thành công trình nói trên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, trong thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các sở, ban, ngành thành phố và Quận ủy, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham mưu triển khai tổ chức mô hình Sổ tay du lịch điện tử nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch quận Ba Đình.

Sổ tay du lịch điện tử được thiết lập trên nền tảng công nghệ - tạo mã QR cho các di tích, điểm đến để dễ dàng truy cập, liên kết đến các website cung ứng dịch vụ dành cho khách du lịch như tìm đặt phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống, giải trí, di chuyển… Đồng thời được liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh mới về các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội diễn ra trên địa bàn. 

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.  

Việc khánh thành và triển khai đưa vào ứng dụng Sổ tay du lịch điện tử là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Không những thế, đây cũng là giải pháp hiệu quả trong tuyên truyền quảng bá, giới thiệu khái quát các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn quận tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, bạn bè du khách trong nước và quốc tế, từ đó phát huy các tiềm năng để phát triển du lịch trong thời gian tới. 

Như vậy, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể quét mã QR khi tham quan di tích. Trước mắt, mã QR này sẽ kết nối với đường link Cổng thông tin điện tử Ba Đình, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Theo đơn vị triển khai, trong quá trình số hóa các thông tin của 30 di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn, các phòng, ban chức năng của quận sẽ làm phong phú hơn các tin bài, hình ảnh, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, xây dựng clip giới thiệu về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Quận tiến tới thiết kế trang thông tin giới thiệu về các điểm du lịch, có thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Trung… thay vì chỉ cung cấp một mục thông tin về di tích trên trang thông tin điện tử của quận như hiện nay. Sau khi lắp đặt xong, các điểm quét mã QR được bàn giao cho các Ban Quản lý di tích quản lý. 

Từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội

Tuy việc lắp đặt các điểm quét mã QR hiện nay trùng vào thời điểm du lịch Hà Nội chưa phục hồi mạnh do tác động của dịch COVID-19 nhưng đã có một lượng nhất định du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin khi đến di tích. Đồng thời, có thể coi đó là một trong những biện pháp nhằm kích cầu du lịch khi du lịch quận Ba Đình nói riêng, ngành Du lịch của Hà Nội nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Cùng với các ngành kinh tế nỗ lực kiểm soát dịch, ngành Du lịch Hà Nội cũng đang nỗ lực khôi phục, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Dù còn nhiều khó khăn do sự tác động của đại dịch và do các yếu tố khách quan khác, song không thể phủ nhận sự vào cuộc một cách đồng bộ, sáng tạo của cả cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xây dựng lại hình ảnh du lịch Hà Nội.

Về phía cơ quan quản lý, Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích tinh thần của các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm nguồn khách, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Sở Du lịch Hà Nội kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để phục hồi du lịch. Thành phố cũng chú tâm đầu tư một số không gian văn hóa như Phố bích họa Phùng Hưng, đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn, cải tạo mặt đứng phố Lãn Ông, Tạ Hiện, Nhà Thờ hay xây dựng chương trình nghệ thuật.

Cơ quan quản lý du lịch tổ chức nhiều cuộc họp với các công ty lữ hành, lưu trú, điểm đến để cùng tìm hướng đi hiệu quả để thúc đẩy du lịch, thu hút khách đến với Thủ đô. Nhiều chương trình kích cầu, giảm giá tour được các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến đồng loạt áp dụng tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Di tích lịch sử Hỏa Lò, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Khu du lịch Ao Vua…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, việc giảm giá kích cầu du lịch chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần tìm ra các biện pháp mang tính bền vững để thu hút khách. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm mới mang tính đặc trưng của Hà Nội là một trong những vấn đề được quan tâm. 

Nắm bắt được tinh thần đó, mới đây, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm trải nghiệm đêm Hỏa Lò mang tên “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” hay Trung tâm Bảo tồn Thăng Long làm mới sản phẩm tham quan với tên gọi “Chạm vào quá khứ”, Vườn thú Thủ Lệ cũng đang nghiên cứu xây dựng tour tham quan đêm tương tự như Safari ở Singapore…

Hay bên cạnh chương trình kích cầu thu hút khách từ miền Nam và các tỉnh thành khác về Hà Nội, có công ty du lịch đã xây dựng các tour tham quan 36 phố phường Hà Nội mang tên “Hà Nội lung linh sắc màu”, giúp du khách khám phá những đặc trưng văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội. được nhiều du khách đánh giá cao.

Với sự đồng lòng vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chắc chắn rằng trong thời gian tới du lịch Hà Nội sẽ sớm phục hồi trở lại!

Đọc thêm