Hai bức tượng tiêu biểu cho giai đoạn muộn nhất của nền nghệ thuật điêu khắc Champa

(PLVN) -Hai bức tượng Ganesha và tượng Gajasimha là những cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hai bức tượng đều mang những nét đặc trưng về phong cách Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII – XIII, trong tiến trình phát triển của nền nghệ thuật điêu khắc Champa. 
Tượng Gajasimha đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tượng Gajasimha đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ngày 31/12/2020, tượng Genesha và Gajasimha đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 9. 

Những hiện vật độc bản, quý báu

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hai bức tượng này đều là các hiện vật độc bản, mang hình thức độc đáo. Đặc biệt, cả hai đều có giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại. 

Bảo vật quốc gia tượng Ganesha có chất liệu sa thạch với kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm, được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) khi khảo cổ tại đền. Tượng được phát hiện tại tháp E5 thuộc nhóm E (theo cách phân nhóm của các nhà khảo cổ học người Pháp) tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại bảo tàng từ năm 1918.

Qua những gì còn lại của nền văn hóa cổ Champa trên lãnh thổ Việt Nam thì các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa còn được lưu giữ đến ngày nay. 

Tượng thần Ganesha được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 (Ảnh: Tuổi trẻ).
Tượng thần Ganesha được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 (Ảnh: Tuổi trẻ).  

Bức tượng Ganeshalà một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm. Bức tượng được xác nhận có niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ Champa.  

Có kích thước lớn hơn, bảo vật tượng Gajasimha có chất liệu sa thạch, cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm. Bảo vật này được tìm thấy trong cuộc khai quật tại tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933 - 1934 cũng do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1935.

So sánh với các nhóm tượng cùng chủ đề đã được phát hiện, tác phẩm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn, thể hiện hầu như đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha. 

Theo Ấn Độ giáo, Ganesha là một vị thần đáng kính, nhân dạng của thần kỳ dị, với đầu voi mình người. Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati.

Theo truyền thuyết, nữ thần Parvati luôn bị thần Shiva nhìn với con mắt thèm muốn nên nữ thần đã tìm cách tự bảo vệ mình. Do đó bà đã tạo ra thần Ganesha khi Shiva đang trên đường đi săn. Khi Shiva đi săn trở về không nhận ra cơ thể nữ thần Parvati vì chúng được Ganesha che mất. Shiva rất tức tối và đã chặt đứt đầu Ganesha. Paravati cầu xin Shiva để Ganesha được sống và cho Ganesha một cái đầu mới. Để Parvati không đau khổ, Shiva đã ra lệnh chặt đầu con vật đầu tiên thần nhìn thấy gắn làm đầu cho Ganesha. Và con vật ấy là một con voi.

Bảo vật tượng Gajasimha lúc được kéo về đặt tại Cổ Viện Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bảo vật tượng Gajasimha lúc được kéo về đặt tại Cổ Viện Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 

Parvati người đã tạo nên hình hài của thần voi Ganesha (con trai của Shiva và Parvati) từ những phần nhơ nhuốc của cơ thể bà; sau này thần Ganesha đã được ban cho sự sống nhờ nước thánh của thần Ganga. Do đó, Ganesha được xem như có hai bà mẹ Parvati và Ganga, và cũng vì thế nên được gọi là Dvaimatura và Gangeya. 

Lễ hội Ganesh Chaturthi là một trong những lễ hội rất quan trọng của người Hindu (theo Ấn Độ giáo). Ở Mumbai (Thủ đô Ấn Độ), người theo đạo Hindu kỷ niệm ngày sinh của thần Ganesha đầu voi. Hầu hết các giáo phái của đạo Hindu đều tôn thờ Ganesha. 

Cũng trong thần thoại Ấn Độ, đầu voi thường biểu trưng cho sự thông thái và quyền năng của thần linh và mình sư tử thể hiện vương quyền của nhà vua. Bởi vậy, các tượng Gajasimha kích thước lớn được đặt trước các điện thờ, đóng vai trò như các linh vật gác cửa. Tác phẩm thể hiện đầu voi ngẩng cao, cổ đeo vòng lục lạc, mình có lông ngực được cách điệu bằng các đường kẻ sọc thường thấy trên các tượng linh vật thời kì Tháp Mẫm.

Trước khi bị vua Lê Thánh Tông chinh phục năm 1311, tôn giáo chính của người Chăm là Ấn Độ giáo, và nền văn hóa Chăm cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Ấn Độ. Do đó, có thể hiểu tại sao nền điêu khắc Champa lại sử dụng những hình tượng như thần Ganesha và Gajasimha. 

Bảo vật “xuất ngoại” 

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, những cổ vật mang hình tượng nghệ thuật có niên đại hơn 1.000 năm trước đã nhiều lần được các bảo tàng nước ngoài mượn để trưng bày. Đây là những dịp hiếm có để quảng bá về những di sản văn hóa quý giá của Việt Nam. 

Theo chia sẻ của ông Phan Công Hải, từng là cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, những đơn vị bảo tàng nước ngoài khi sang Việt Nam đã mượn bảo vật ngàn năm của ta về trưng bày họ tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị. Họ phải mất rất nhiều công sức để chuẩn bị, hoàn tất các thủ tục trong vòng vài ba năm. 

Ông Phan Công Hải kiểm tra cổ vật được đóng gói đi Mỹ trưng bày (Ảnh: NVCC).
Ông Phan Công Hải kiểm tra cổ vật được đóng gói đi Mỹ trưng bày (Ảnh: NVCC). 

Ông Phan Công Hải cho biết: “Những chuyến cổ vật được ra nước ngoài để tham dự các buổi triển lãm như vậy là dịp để chúng ta quảng bá về di sản, văn hóa đất nước ra thế giới. Thậm chí những chuyến đi quý giá này còn tạo ra những tiền đề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoặc có sự hỗ trợ bảo tồn di tích ở nước ta”.

Vào năm 2014, ông Hải có vinh dự được “tháp tùng” cổ vật Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tới Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Hoa Kỳ) để mở cuộc trưng bày lớn mang chủ đề “Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo - Ấn Độ giáo của những quốc gia đã mất ở Đông Nam Á”. 

Metropolitan được biết tới là một trong những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, do vậy mọi cổ vật được trưng bày tại đây phải qua nhiều công đoạn lựa chọn khắt khe và hết sức công phu. Dù lúc đó Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chỉ có 5 bảo vật được đồng ý cho mượn nhưng việc chuẩn bị cũng diễn ra hết sức chu đáo. 

Tháng 3/2013, TP Đà Nẵng đồng ý cho mượn năm bảo vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để góp mặt trong cuộc triển lãm gồm phù điêu Nam thần (ký hiệu 20.2), phù điêu bán thân Nữ thần (ký hiệu 802/Đ43), tượng thần Ganesa (ký hiệu 5.1), đản sinh Brahma (ký hiệu 17.8) và thần Shiva (ký hiệu 3.5).

Sau khi đàm phán, ký kết thỏa thuận cho mượn, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, ông Hải được cử tham gia “theo sát”quá trình đưa rước hiện vật để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho hiện vật. 

Đặc biệt, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từng đón tiếp nhiều lãnh đạo quốc gia đến thăm và chiêm ngưỡng cổ vật trong các chuyến công du Việt Nam. Nhà vua Thái Lan, tổng thống Singapore, Ấn Độ... đều để lại những lời “có cánh” với kho báu văn hóa của Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại.

Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày tại bảo tàng lên tới khoảng 500 món và được phân chia theo các gian phòng tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định. 

Đọc thêm