Hi hữu chuyện cả làng góp tiền để chữa bệnh cho “cụ gạo” hơn 200 tuổi

(PLVN) - Cây gạo cổ thụ vốn cao 35m, tán rộng hơn 25m “lâm bệnh” đã hai năm. Khi cây cổ thụ lụi dần, người làng tự “thăm khám” rồi bằng kinh nghiệm dân gian bàn nhau phun thuốc nhưng cây không hồi phục. Sau đó, một cuộc vận động lạ đời chưa từng có đã diễn ra, khi người dân Diễn Kim quyết định góp tiền, mời chuyên gia về bắt bệnh, cứu chữa với mong muốn giữ lại nét văn hóa của làng quê.
Hi hữu chuyện cả làng góp tiền để chữa bệnh cho “cụ gạo” hơn 200 tuổi

Cụ gạo gắn liền với biến cố, thăng trầm của làng

Từ bao đời nay, cây gạo nằm sát con đường làng của xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) trở thành biểu tượng của làng quê này. Bởi cây rất cao lớn, như ngọn hải đăng trăm năm bền bỉ dẫn đường cho những người con quê hương biết tìm về làng. Nhưng những ngày gần đây, về xã Diễn Kim, câu chuyện về việc tìm cách cứu cụ gạo trăm tuổi được nhiều người dân kháo nhau. “Cụ cây” được bà con trong làng và những người xa quê đang tìm cách cứu là cây gạo chừng 200 tuổi.

Đôi mắt hướng về cụ cây sần sùi, một cụ bà tâm sự: khi tôi lớn lên đã thấy cây gạo sừng sững giữa làng, vượt qua cả những mái nhà cao tầng. Đứng từ xa đã thấy hoa gạo nở đỏ rực một góc làng. Ngày đó, muốn giới thiệu người ta về làng, chỉ cần nói đi về hướng cây gạo sẽ tìm được làng. Gốc cây này cũng từng là nơi che nắng vào những trưa hè oi ả, nơi dân làng ngồi tựa lưng uống nghỉ ngơi mỗi khi đi làm đồng về.

Đối với nhiều thế hệ trong làng, cây gạo này luôn gắn liền với ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ. Sau này, khi đã trưởng thành, dù công tác ở đâu, mỗi khi về quê, họ đều ra thăm và ngắm cây gạo cổ. Còn với bà Nguyễn Thị Mạo, cây gạo trăm tuổi là một nhân chứng cho hàng chục thế hệ đã sinh ra và nằm xuống ở mảnh đất quê bà. Gần sáu thập niên ở Diễn Kim, bà đã chứng kiến nhiều đoạn sinh ly tử biệt, đưa bao nhiêu người thân về trời. Nhưng mỗi lần ngước lên nhìn thấy cây gạo đời đời tươi tốt bà lại thấy được an ủi mà vững dạ sống tiếp.

Từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn coi cây gạo như nét văn hóa tâm linh của làng
 Từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn coi cây gạo như nét văn hóa tâm linh của làng

Ngay sát cây gạo, người dân đã làm một chiếc miếu nhỏ để thắp nén hương, khấn “cụ gạo” cầu an và may mắn trước buổi chợ. Một người dân buôn bán gần gốc cây gạo cho biết: không ai bảo ai nhưng những người con của quê hương trước khi đi làm ăn xa, hay ra khơi bám biển mưu sinh đều có thói quen tìm đến thắp hương cầu an. Vài năm gần đây, người dân đến thắp hương vào ngày rằm, đầu tháng ngày một nhiều hơn. 

Hai năm gần đây, việc “cụ gạo” lâm bệnh càng khiến bà con nặng lòng khi chứng kiến công việc làm ăn của dân làng không còn thuận lợi như trước. Những cụ già càng bất an khi thấy người trẻ bị tai nạn, chết yểu. Bà Mạo phân tích: “Đó chẳng phải là một điềm báo sao? Cũng vì thế mà chúng tôi càng muốn bảo vệ và chữa bệnh cho cây bằng mọi giá”.

Người dân nơi đây còn cho hay, việc một số người cạo vỏ cây để làm thuốc chữa bệnh cũng đã bị cấm triệt để vì lo lắng cho sức khỏe của “cụ gạo”. Thậm chí, để bảo vệ tuyệt đối cho cụ gạo, người dân nơi đây còn thay nhau trông chừng trước tình trạng một số người phương xa kéo về cạo trộm vỏ cây làm thuốc.

Cuộc vận động lạ đời

Từ khi cây gạo cổ thụ “lâm bệnh”, người dân nơi đây ai nấy đều lo lắng. Người làng đã tự “thăm khám” rồi bằng kinh nghiệm cây cối bàn nhau phun thuốc. Thấy cây không  hồi phục họ tiếp tục mời chuyên gia về bắt bệnh, cứu chữa, nhưng chưa có chuyên gia nào đưa ra phương án khả thi.

Thời điểm đó, khi mọi nỗ lực “chạy chữa” cho cây gạo đều không kết quả, có người bàn lùi bằng quy luật tự nhiên sinh - lão - bệnh - tử. Và cây gạo cũng chỉ là cái cây vô tri vô giác. Thế nhưng, đa số dân làng phản đối. Người muốn cứu cây quả quyết xem cây gạo như một “linh hồn” của xã, và những đứa con không thể đứng nhìn một “trưởng lão” già yếu mà không bằng mọi cách cứu chữa. Nhìn người dân trong làng từ già đến trẻ đều kiên quyết cứu cây, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim Phạm Xuân Bang đã thay mặt những đứa con Diễn Kim phát động bà con đóng góp kinh phí để cứu cây gạo.

Không lâu sau, đoàn chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học được mời về kết luận quá trình làm đường đã làm “động” gốc, cộng thêm sâu bệnh khiến cây yếu dần. Họ đề ra kế hoạch cứu cây trong ba năm. Phương án cứu cây được vị “bác sĩ” này đưa ra là khơi thông và làm vòng vây bảo vệ cây bán kính 70cm; đồng thời phun thuốc trị các loại sâu bệnh.

Tuy nhiên, việc cây gạo nằm sát bên đường, một mặt áp sát nhà dân nên việc khơi thông quanh gốc cây gặp khó khăn. Nếu tiến hành buộc phải  lấy thêm cho cây phần không gian đường đi, hoặc một phần nhà dân ngay sát đó. Nhưng, đường đi vốn đã nhỏ, đất ở đây có giá cao nên việc phải lấy một phần đất của một hộ dân khiến bà con trong làng ái ngại. Thế rồi, sự lo lắng đó đã được giải quyết khi gia đình này tự nguyện hiến đất để dành không gian cho cụ cây.

Cây gạo được người dân chặt tỉa để chuẩn bị cho quá trình “chữa trị”
 Cây gạo được người dân chặt tỉa để chuẩn bị cho quá trình “chữa trị”

Lo xong phần phương án và quỹ đất, xã Diễn Kim lại đối diện với vấn đề kinh phí. Lúc này, ông Bang tiếp tục đứng ra kêu gọi người Diễn Kim đóng góp cứu cổ thụ. Điều bất ngờ là cuộc kêu gọi hiếm có này nhanh chóng nhận được hưởng ứng của người dân. Mỗi hộ dân, người ba chục người năm chục, cộng thêm phần đóng góp của những người con Diễn Kim tha hương nên trong vòng một tuần, quỹ cứu cây gạo của xã Diễn Kim đã nhận được 110 triệu đồng. Có kinh phí, người dân nơi đây càng tin hơn vào việc chữa bệnh cho cây.

Tình yêu của người Diễn Kim với cây gạo vài trăm tuổi cùng cuộc vận động lạ đời của vị lãnh đạo địa phương đã truyền đi cảm xúc tích cực với những đứa con trên mọi miền nước Việt. Cây vẫn chỉ là cây. Nhưng, chỉ cần đi vào Diễn Kim những ngày này, người ta sẽ hiểu rõ hơn và thấy chính mình trong ngọn nguồn của tình yêu đó.

Ngước nhìn cây gạo cổ thụ trơ trụi chỉ còn mỗi thân cây, cụ bà Nguyễn Thị Huê trầm ngâm: “Tui 93 tuổi nên gần đất xa trời rồi. Chỉ mong trước khi nahwms mắt được một lần nữa thấy cây gạo nở hoa vào tháng 3 đỏ cả một góc làng như trước. Mong cây sớm khỏe mạnh trở lại, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an”.

Cách đây 7 năm, một cây gạo cổ thụ ở xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu) cũng rơi vào tình trạng khô héo, lụi tàn do sâu bệnh. Trước tình trạng đó, người dân một dòng họ trong xã này đã góp tiền, thuê “bác sĩ” về cứu cây. Sau hơn một tháng “điều trị”, cây gạo đã được hồi sinh và phát triển tươi tốt trở lại. Những câu chuyện cứu cây rất “dễ thương” và cảm động này không được mấy người biết tới, nhưng chúng vẫn từng ngày được nhân lên trong cộng đồng như một tín hiệu đẹp đẽ cho một cuộc sống giàu văn hóa và nhân văn hơn trong xã hội.

Đọc thêm