Huyền thoại Trà Mã cổ đạo - (Kỳ 10): Chợ ngọc bích 600 năm

(PLVN) - Thành phố Đằng Xung ở Vân Nam là điểm dừng chân hấp dẫn tiếp theo trên cung đường khám phá Trà mã cổ đạo ngày nay. Từ Phổ Nhĩ đi theo đường cao tốc G213 khoảng hơn 10 giờ đồng hồ sẽ đến thành phố này. 
Thành phố Đằng Xung.
Thành phố Đằng Xung.

Trà Mã cổ đạo (茶馬古道)là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên vốn dùng để vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng. Đây là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á, ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử chờ được khám phá.

Những chứng tích hào hùng

Sau khi chính phủ Trung Quốc xây dựng đường cao tốc Vân Nam - Tây Tạng cùng một tuyến đường cao tốc khác, vật liệu và các loại hàng hoá được vận chuyển bằng đường ô tô đến Tây Tạng. Điều này đã chấm dứt việc vận chuyển hàng hóa bằng người và ngựa đã lỗi thời dọc theo con đường Trà mã cổ đạo.

Ngay cái tên Trà mã cổ đạo, có nghĩa là con đường trà và ngựa, đã cho thấy tầm quan trọng của con đường trong việc buôn bán trà và ngựa. Tuy nhiên, xưa kia, các sản phẩm khác cũng được vận chuyển qua đây. Những đoàn xe ngựa chở trà, đường và muối từ Tứ Xuyên và Vân Nam đến Tây Tạng và mang về những món hàng núi địa phương đầy màu sắc. 

Con đường cũng đóng vai trò như một hành lang quan trọng cho việc di cư cũng như một kênh giao tiếp văn hóa giữa các dân tộc ở miền tây Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn là cầu nối cho sự trao đổi kinh tế và văn hóa quốc tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù lụa không nằm trong hàng hóa thương mại được vận chuyển qua đây nhưng đôi khi con đường này vẫn được gọi là “Con đường tơ lụa phía Nam của Trung Quốc” do tầm quan trọng của nó trong cả khía cạnh kinh tế và văn hóa trong lịch sử Trung Quốc.

Thị trấn cổ Shaxi.
Thị trấn cổ Shaxi. 

Âm hưởng của những ngày huy hoàng của con đường trong quá khứ đến nay vẫn có thể được cảm nhận trong những ngôi làng và thung lũng dọc đường đi. Tất cả các thị trấn và làng mạc trên và xung quanh con đường đều liên kết chặt chẽ hoặc được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trà mã cổ đạo. 

Những câu chuyện kể về các đoàn lữ hành và những người khuân vác khiến con đường cổ xưa này càng trở nên bí ẩn hơn. Với sự bùng nổ của du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là trong những năm 1990, nhiều thị trấn và làng mạc trong số này đã trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch quan trọng.

Đào cả đường để tìm... ngọc

Một trong những điểm du lịch hấp dẫn trên hành trình khám phá Trà mã cổ đạo là Đằng Xung. Đằng Xung nằm giáp với biên giới Myanmar, là nơi nổi tiếng về ngành khai thác và chế biến ngọc bích có lịch sử 600 năm nay. Theo China News, có tới 2.000 công ty kinh doanh đá quý hoạt động ở đây.

Đây là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 600.000 người, bao gồm một lượng lớn người Lisu và các nhóm dân tộc khác. Suối nước nóng là điểm thu hút chính của nơi này. Ngoài ra, khu vực này có một cụm núi lửa được xem là cụm núi lửa lớn nhất ở Trung Quốc. 

Chùa Sùng Thánh.
Chùa Sùng Thánh.  

Chính địa chất khác thường của Đằng Xung khiến thành phố này trở thành một trung tâm thương mại đồ thủ công và đồ trang sức bằng ngọc bích lớn ở Châu Á. Một lượng lớn thợđiêu khắctập trung tại chợ ngọc bích khổng lồ ở Đằng Xung. Và đương nhiên, thương lái từ khắp các nơi thường đến đây để tìm mua “hổ phách máu”, “hổ phách trà” và “hổ phách vàng”.

Con đường chạy qua thành phố này được cho là có chứa nhiều đá quý dưới lòng đất và có tin đồn là đã có nhiều người tìm thấy vận may. Vì vậy, khi con đường được bảo trì, rất nhiều người dân đã kéo tới để đào bới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ bảo trì con đường.

Thậm chí, giới chức địa phương đã phải điều động các nhân viên xuống “dẹp loạn” tại khu vực này. Những cảnh tượng này đã nhiều lần diễn ra sau khi có tin đồn rằng một người đàn ông đã “đổi vận” khi tìm thấy mảnh đá quý trị giá 59.000 USD.

Quốc tự của Đại Lý

Sùng Thánh Tự hay Chùa Sùng Thánh cũng là một điểm đến hấp dẫn thường được giới thiệu với những du khách muốn khám phá con đường Trà mã cổ đạo. Đây là ngôi chùa nổi tiếng và lớn nhất Trung Quốc, nằm ở đất của tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. 

Chùa Sùng Thánh được xây dựng trong 36 năm (823-859) đời nhà Đường gồm tháp trung tâm mang tên Thiên Tuần cao 69,13m chia thành 16 tầng. Qua triều đại nhà Tống, chùa được xây tiếp hai tháp phụ hai bên, cao 42,19m trong suốt thời gian 64 năm (1108-1172). 

Trải qua các triều đại mở rộng, dưới thời kì nước Đại Lý, chùa đạt đến đỉnh cao. Kiến trúc đồ sộ quy mô, 90 gian phòng, 11.400 tôn Phật tượng, Tam các, Thất lầu, Cửu điện, Bạch hạ, nên được mệnh danh là “Phật đô” (kinh đô Phật giáo). Ba tòa tháp trở thành một biểu tượng của vương quốc này. Chùa được gọi là Hoàng gia quốc tự và đã từng có đến 9 vị quốc vương xuất gia làm tăng tại đây.

Dưới ngòi bút "Thiên Long Bát Bộ" (Lục Mạch Thần Kiếm) - một tác phẩm võ hiệp trứ danh của nhà văn Kim Dung, chùa Thiên Long là nơi xuất gia tu hành của dòng dõi hoàng đế Đoàn Thị (Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần ...), chính là chùa Sùng Thánh ngày nay.

Sùng Thánh Cổ Tự từng có Ngũ đại Trọng khí: Tam tháp, Nam Chiếu kiến Cực đại chung, tượng đồng Vũ Quan Âm, Nguyên đại cao tăng Viên Hộ Đại sư thư tả “Chứng Đạo Ca bi” và Phật Đô biển”, Triều đại nhà Minh “Tam thánh Kim tượng”, do phong sương tuế nguyệt, mỏi mòn với thời cuộc thăng trầm, Ngũ đại Trọng khí nay chỉ còn Tam tháp. Vào triều đại nhà Thanh, ngôi Sùng Thánh Cổ Tự từng bị phá hủy.

Sùng Thánh Cổ Tự hiện nay được xây dựng lại vào năm 2005, tổng kinh phí 182 triệu nhân dân tệ, với tổng diện tích hơn 1.000 mẫu đất, nằm trên trục chính dài 2km, bằng 1/6 diện tích chùa thời cổ đại.

Trên cung đường Trà mã cổ đạo xuất phát từ Vân Nam, du khách có thể ghé thị trấn cổ Shuhe - một trong những thị trấn được bảo tồn tốt trên con đường huyền thoại.

Đi bộ trong thị trấn cổ kính này, du khách sẽ được chào đón bởi những di sản và phong tục mộc mạc của người Naxi; được ngắm những cửa hàng cũ kỹ dọc theo con phố, những con đường lát đá thạch anh, con suối chảy, cây cầu nhỏ và vườn rau xanh trước mặt cổng… khiến người ta có cảm giác như đang ở trong Con đường Trà mã của thời cổ xưa. 

Thị trấn cổ Shaxi nằm giữa danh thắng Đại Lý và phố cổ Lệ Giang cũng là một điểm thu hút đông người tới thăm. Đây là khu chợ cổ duy nhất còn sót lại trên con đường Trà mã cổ. Ở đây, du khách vẫn có thể đi bộ dọc theo con đường thạch anh, ngắm nhìn quanh các cửa hàng và trạm dừng chân của các đoàn thương lái khi xưa. 

Đọc thêm