Kịch bản nào tối ưu cho kinh tế Quảng Bình phục hồi thời hậu Covid-19?

(PLVN) - Cũng như cả nước nói chung, đại dịch Covid-19 là “gáo nước lạnh” đối với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình. Dù đạt kết quả khả quan trong công tác phòngchống dịch, nhưng để phục hồi tăng trưởng kinh tế, các cấp, ngành, địa phương tại Quảng Bình cần thực hiện đồng bộ, cụ thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Chương trình nghệ thuật “Quảng Bình- Bí ẩn bất tận 2019".
Chương trình nghệ thuật “Quảng Bình- Bí ẩn bất tận 2019".

Dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Dịch bệnh đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và luân chuyển hàng hóa, làm đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, thu nhập và đời sống nhân dân.

Hầu hết các doanh nghiệp ở Quảng Bình chỉ hoạt động với khoảng 60% năng lực, hiệu quả kinh doanh không cao, thu nhập của người lao động giảm sút. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4/2020, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến hơn 2.300 lao động do nghỉ việc không lương.

Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành phải hoạt động cầm chừng, lao động du lịch phải tạm nghỉ. 4 tháng đầu năm 2020, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 502.500 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 68% so với kế hoạch năm 2020; trong đó, tỷ lệ khách quốc tế giảm 39% so với cùng kỳ và 45% so với kế hoạch năm 2020.

Một kịch bản tối ưu sẽ giúp Quảng Bình phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh thời hậu Covid-19.
Một kịch bản tối ưu sẽ giúp Quảng Bình phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh thời hậu Covid-19. 

Cũng từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến 140 doanh nghiệp buộc phải đăng ký tạm dừng hoạt động, 7 doanh nghiệp khác phải giải thể. Con số này có thể còn cao hơn nhiều trong thời gian tới do khả năng cầm cự của các doanh nghiệp đã hết, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách địa phương.

Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến - Cục trưởng Cục ThuếQuảng Bình, hơn 1.700 tỷ đồng thu ngân sách có được trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ chiếm 32% dự toán địa phương giao cả năm. Trong đó, thu nội địa là 1.680 tỷ đồng nhưng nếu trừ 315 tỷ đồng tiền sử dụng đất năm 2019 chuyển sang ghi thu cho năm 2020 thì con số trên chỉ là 1.365 tỷ đồng, chiếm 26,25% dự toán địa phương giao và giảm đến 85% so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu thống kê mà chúng tôi có được từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh này cho thấy, có khoảng 240.000 đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ngoài các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người có công thì có đến hơn 50.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và khoảng 20.000 người lao động bị ngừng việc. Hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh tăng từ 2% vào cuối năm 2019 lên 5,8% trong quý I - 2020.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng sâu, rộng đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh.

Kịch bản nào để khôi phục?

Hơn lúc nào hết, việc xác định và triển khai các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế cần phải được các cấp, ngành, địa phương tại Quảng Bình thực hiện một cách đồng bộ, cụ thể nhất.

Bởi vậy từ cuối tháng 4/2020, ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo tổ chức một hội nghị với sự có mặt của hầu hết lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xây dựng kịch bản hồi phục nền kinh tế ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Bình khó phục hồi sớm do phụ thuộc nguồn cung, cầu sản phẩm và nguyên vật liệu.
Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Bình khó phục hồi sớm do phụ thuộc nguồn cung, cầu sản phẩm và nguyên vật liệu. 

Dĩ nhiên, du lịch, dịch vụ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nên cần phải có kịch bản khắc phục cụ thể hơn. Vì thế, tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là ngành du lịch cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển; xây dựng và triển khai chương trình kích cầu nội địa; đồng thời, đề xuất chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, ngành du lịchđã có những động thái bước đầu là khuyến khích du lịch nội địa. Giám đốc Sở Du lịch Hồ An Phong cho biết, một khi được hỗ trợ phục hồi, du lịch, dịch vụ sẽ tạo đà phát triển chung cho nền kinh tế; đồng thời, giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho số lượng lớn lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh.

Hiện du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình đã và đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất nhưng sau khi hết dịch, du lịch, dịch vụ lại chính là những “cánh cửa” cần mở đầu tiên. Trong khi đó, dự báo lượng khách nội địa sẽ tăng khá nhanh vì sau thời gian dài nghỉ dịch, ai cũng có khao khát được đi thăm người thân, đưa cả gia đình đi chơi cho đỡ “cuồng chân”. Bởi vậy, kịch bản tốt nhất để phục hồi phát triển du lịch là khuyến khích du lịch nội địa.

“Thực tế cho thấy, chỉ cần Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn, cà phê, khách sạn, lữ hành... đã nhanh chóng hồi phục. Điều này cho thấy khả năng “thích ứng” của du lịch, dịch vụ là nhanh hơn so với lĩnh vực công nghiệp hoặc nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng vật tư cũng như sản phẩm trong khu vực và toàn cầu”, ông Phong cho biết thêm.

Không chỉ ngành du lịch, các lĩnh vực quan trong khác cũng phải có kịch bản và giải pháp cụ thể để phát triển sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Hiện, các sở, ngành, địa phương ở Quảng Bình đang đặc biệt lưu ý các giải pháp trọng tâm, như: tăng cường cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm bảo đảm đúng tiến độ; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án du lịch, dịch vụ, giáo dục, xuất nhập khẩu, vận tải và các dự án sản xuất kinh doanh khác vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời phải đẩy mạnh quản lý chi ngân sách; thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiền tệ, tín dụng cho người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước; chủ động sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản địa phương, bảo đảm an ninh lương thực; chú trọng giải ngân vốn đầu tư công…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động, tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, cần tập trung thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch; tăng cường quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch; chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…

“Các sở, ngành, địa phương cần tập trung bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong thời gian tới” – ông Trần Công Thuật nhấn mạnh.

Đọc thêm