Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

(PLVN) - Chính phủ Mỹ đã tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết đối với việc chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào Hiệp ước về Bầu trời mở (Open Skies Treaty).
Mỹ dùng máy bay OC-135B để giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở
Mỹ dùng máy bay OC-135B để giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở

Hiệp ước này có 34 thành viên tham gia và được coi là một trong những trụ cột chính của quá trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như xây dựng lòng tin giữa các đối thủ và đối tác trên thế giới. Trung Quốc không tham gia hiệp ước này. Hiệp ước này cho phép các bên tham gia tiến hành những chuyến bay trinh sát và quan sát quân sự trên lãnh thổ của nhau.

Thời nay, gần như quốc gia nào trong số các thành viên ấy đều không còn cần phải có hiệp ước này nữa để trinh sát và quan sát quân sự lẫn nhau vì có thể dựa vào mạng lưới hệ thống vệ tinh quân sự riêng cũng như chung (cho NATO, liên kết nhiều bên...).

Đấy cũng chính là một trong những lý do chính khiến ông Trump dễ dàng quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về Bầu trời mở. Khi còn vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như trong nhiệm kỳ trị vì nước Mỹ đang dần hết đến nay, ông Trump vốn lại rất kiên định quan điểm ưu tiên hành động đơn phương trước chủ nghĩa đa phương, không coi trọng các tổ chức, thể chế và thoả thuận đa phương quốc tế, giảm cam kết của Mỹ đối với thế giới bên ngoài.

Ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu trái đất, thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran... Riêng trên lĩnh vực kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân, người này đã đơn phương chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga.

Những quyết sách này của phía Mỹ làm cho tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới dựa trên những nền tảng và nguyên tắc của các thoả thuận đa phương đã được ký kết và thực hiện sẽ dần chấm dứt. Liệu sau đấy có tiến trình mới hay không và tiến trình ấy sẽ như thế nào là những câu hỏi hiện chưa thể trả lời được.

Ông Trump chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào một thoả thuận đa phương quốc tế do chính người tiền nhiệm đã khởi xướng. Hiệp ước về Bầu trời mở có nguồn gốc từ năm 1955 khi ý tưởng được Tổng thống Dwight David Eisenhower đưa ra. Nó không được Liên Xô chấp thuận. Năm 1989, Tổng thống Mỹ Georges H.Bush lại nêu đề nghị này một lần nữa.

Năm 1992, sau quá trình đàm phán không dễ dàng, 34 nước ký kết hiệp ước và nó có hiệu lực chính thức từ năm 2002. Biện luận cho những quyết sách như thế, ông Trump thường đưa ra hai lý do là các hiệp ước hay thỏa thuận ấy gây bất lợi cho Mỹ và các bên tham gia khác không tuân thủ nghiêm chỉnh và thực thi đầy đủ. Trong trường hợp hiệp ước INF hay Hiệp ước về Bầu trời mở, ông Trump cáo buộc Nga không tuân thủ và thực thi hiệp ước như Mỹ. Ông Trump chủ ý gây áp lực đối với Nga và đối với cả những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ.

Nhưng ở đây, ông Trump còn nhằm tới mục tiêu ép buộc Trung Quốc phải tham gia vào tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn đứng ngoài tiến trình này và đối thủ chính của Mỹ là Nga. Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên có hành động trên thực tế biến chuyện tay đôi giữa Mỹ và Nga suốt bao lâu nay trở thành chuyện ba bên giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không chịu chấp nhận và Nga cũng sẽ không vì Mỹ mà thúc ép Trung Quốc phải tham gia.

Vì thế, về lâu dài thì chưa biết sẽ ra sao chứ chừng nào ông Trump còn cầm quyền ở Mỹ thì chừng đấy sẽ không thể có chuyện đàm phán về thỏa thuận mới trên lĩnh vực kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân thay thế hay phát triển những thoả thuận đã bị phía Mỹ đơn phương rút khỏi.

Đọc thêm