Nghề làm ngói âm dương của người Tày, Nùng xứ Lạng

(PLVN) - Xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn nổi tiếng với nghề làm mái ngói âm dương. Trải qua biết bao thăng trầm, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới và tấm lợp pro xi măng, mái tôn đang thịnh hành. Thế nhưng đến nay, tại vùng đất Bắc Sơn hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương.
Đất được sàng lọc sạch bằng cách dùng dây cắt lát để loại hết sỏi đá (Ảnh: VNE).
Đất được sàng lọc sạch bằng cách dùng dây cắt lát để loại hết sỏi đá (Ảnh: VNE).

“Nghề máu thịt” của cha ông

Hai bên của những con đường bê tông chạy khắp xã Quỳnh Sơn san sát những lán trại đơn sơ nhưng lại được lợp bằng một loại âm dương hết sức đặc biệt mà chỉ có đồng bào Tày, Nùng mới thường sử dụng. Bên trong những lán trại đó là những hàng ngói âm dương thô đang được xếp ngay ngắn, thẳng tắp đang chờ vào lò nung. Cách đó là những lò ngói đơn sơ, truyền thống đang từ từ nhả khói. Xã Quỳnh Sơn là nơi duy nhất ở Lạng Sơn còn giữ gìn nghề làm ngói âm dương thủ công từ cha ông. 

Ông Hoàng Công Ngọc (83 tuổi, xã Quỳnh Sơn) được người trong xã yêu mến gọi với cái tên “nghệ nhân lão làng”, ông cho biết, nghề làm ngói du nhập vào Bắc Sơn từ cuối thế kỷ 19. Người có công trong việc này là ông Lý Khoát, người xã Quỳnh Sơn. Ngày đó, ông Khoát đón hai người thợ ở tỉnh Cao Bằng về quê tìm đất xây lò làm ngói. Thật may mắn là vùng đất thuộc khu giáp ranh hai xã Long Đống và Quỳnh Sơn có loại đất sét rất phù hợp với yêu cầu, kỹ thuật làm ngói. 

Các nghệ nhân xưa đã mày mò học hỏi kiểu dáng mái ngói âm dương ở các huyện trong tỉnh Lạng Sơn rồi sang cả Khu tự trị dân tộc Choang Trung Quốc nghiên cứu, sau đó sáng chế ra những viên ngói âm dương đặc trưng miền sơn cước xứ Lạng.

Ông Ngọc nhớ lại: “Từ khi sinh ra tôi đã dùng đất sét làm đồ chơi. Người lớn thường để những đứa trẻ như chúng tôi nghịch đất vì thời đó nghèo làm gì có nhiều đồ chơi hiện đại như giờ. Trò chơi đầu đời của chúng tôi cũng là cách làm viên ngói âm dương. Ngày đó nghèo khổ, lứa chúng tôi vừa theo bố mẹ ra đây chơi vừa học làm nghề. Đến năm 15 – 16 tuổi, tôi đã có thể làm chính các công đoạn”.

Ông Hoàng Công Ngọc - một lão nghệ nhân làm ngói âm dương Quỳnh Sơn. (Ảnh: Dân Việt).
Ông Hoàng Công Ngọc - một lão nghệ nhân làm ngói âm dương Quỳnh Sơn. (Ảnh: Dân Việt).  

Từ đời các ông, các bà, bố mẹ làm rồi đến đời con cháu, cứ như vậy mà nghề được truyền từ đời này sang đời khác cho tới bây giờ. Có lẽ bởi vậy mà hơn 80 năm cuộc đời ông Ngọc, cái mùi hương đất ngai ngái, mùi khói khen khét của lò nung đã trở nên thân thuộc và đeo bám ông cũng như nhiều người ở Quỳnh Sơn cả cuộc đời.

“Nghề làm ngói của cha ông như là định mệnh đối với chúng tôi. Nghề này không chỉ để mưu sinh mà đã trở thành thứ tình cảm máu thịt khó có thể dứt ra. Ở đây mỗi đợt làm ngói, thường tập trung hai, ba gia đình cùng làm mới có một mẻ ngói cho vào lò, mọi người vừa làm vừa nói chuyện, trêu đùa làm quên đi mệt mỏi.”, ông Ngọc cho hay. 

Ông Dương Văn Hồng (thôn Nà Riềng 2, xã Quỳnh Sơn), cho biết: “Người dân bao đời nay ở Quỳnh Sơn chúng tôi đều rất tự hào với nghề làm ngói truyền thống. Đây là nghề “ngấm vào máu thịt” do tổ tiên chúng tôi để lại. Trải qua cả trăm năm, ngói Quỳnh Sơn chúng tôi vẫn được nhiều người yêu mến bởi chất lượng đến từ những bí quyết mà cha ông truyền lại”.

Bí quyết làm nên thương hiệu ngói Quỳnh Sơn

Để làm được loại ngói âm dương có chất lượng thì khâu quan trọng nhất là phải chọn được loại đất tốt. Đó là loại đất sét người Quỳnh Sơn phải mua tận huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn). 

Đất sau khi mua về sẽ được thái nhỏ để loại bỏ đá sỏi. Lọc sỏi là một khâu quan trọng quyết định độ mịn của viên ngói âm dương. Tiếp đó, người thợ phải tưới nước ủ 20 ngày để đất dẻo. Đất phải được ủ như thế thì khi nung ngói sẽ không bị sống. Người thợ giẫm sao cho đất được trộn đều và dẻo quánh. Sau khi đất đã được làm dẻo sẽ được những người thợ ở đây đóng vào khuôn.

Mỗi khuôn gỗ làm được hai viên ngói, người thợ cho đất vào khuôn và dẫm bằng chân để nén ngói thật chặt đều rồi dùng khung dây kéo cắt bỏ đất thừa trên mặt khuôn (Ảnh: Hanoitv.vn).
Mỗi khuôn gỗ làm được hai viên ngói, người thợ cho đất vào khuôn và dẫm bằng chân để nén ngói thật chặt đều rồi dùng khung dây kéo cắt bỏ đất thừa trên mặt khuôn (Ảnh: Hanoitv.vn).  

Đóng khuôn là công đoạn đòi hỏi người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất mới dễ dàng tách rời nhau. Ông Ngọc kể, trước đây người ta làm khuôn cố định chỉ có thể làm được một viên ngói nhưng trong quá trình lao động sản xuất người Quỳnh Sơn đã sáng tạo làm khuôn hình chữ nhật để mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được hai viên ngói đều nhau. 

Người thợ dùng kéo xén đất thành từng thỏi nhào đi, nhào lại rồi dùng chân giẫm kỹ đến dẻo để tạo đất thành một viên hình hộp chữ nhật. Người thợ chỉ việc lấy kéo cắt đất thành những lát mỏng có bề dày chừng 1cm rồi đem lá đất đó lật nhẹ xuống một chiếc khuôn gỗ, miết quanh thành khuôn. Đóng khuôn là công đoạn đòi hỏi người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất mới dễ dàng tách rời nhau.

Riêng thời gian phơi cũng phải mất từ 30-50 ngày, ngói mới đủ khô để đem nung trong lò. Trung bình, mỗi lò, tùy theo thể tích lớn nhỏ có thể chứa dăm, bảy chục nghìn viên. Một điều đặc biệt tạo nên chất lượng “có một không hai” của ngói âm dương Quỳnh Sơn là lò nung được đốt bằng củi và quá trình nung diễn ra liên tục 10 ngày 10 đêm. 

Công đoạn nung đòi hỏi yêu cầu cao nhất về kỹ thuật. Đối với lò đun tròn thì ngói được xếp vào nhau như là úp bát nhưng phải úp sao cho thẳng, nếu úp cong thì ngói sẽ bị nứt nẻ, đổ vỡ. Ban đầu nung phải đốt từ từ khi nào thấy các ống hơi hết khói nước màu trắng, chuyển sang màu vàng thì tăng củi lên dần dần. Nhưng khi thấy lò đỏ sáng, các vách lò chuyển màu bạc thì người thợ lại phải đốt từ từ, nếu đốt to lửa quá thì ngói bên trong lại nhão ra, đổ và méo mó. 

Ông Ngọc cho biết đất sét ở Quỳnh Sơn có màu tro hoặc màu vàng nâu. Muốn màu sắc của ngói như thế nào đều tùy thuộc vào thời gian nung lò và bí quyết riêng của từng người thợ. Song một lò làm ngói âm dương cũng có thể nung chừng một vạn viên, đủ cho lợp một ngôi nhà ba gian.

Việc sản xuất ngói âm dương tại Quỳnh Sơn hoàn toàn được làm thủ công để đảm bảo chất lượng tốt nhất. (ảnh: VNE).
 Việc sản xuất ngói âm dương tại Quỳnh Sơn hoàn toàn được làm thủ công để đảm bảo chất lượng tốt nhất. (ảnh: VNE).

Theo ông Ngọc, để làm ra một viên ngói âm dương, phải tuân theo các công đoạn 100% thủ công nên làm ngói âm dương ở Quỳnh Sơn vất vả, tốn thời gian, trong khi đó, có thời điểm người dân đổ xô sử dụng tấm lợp xi măng, ngói ta, tôn. Nhất là sau sự kiện khởi nghĩa Bắc Sơn 1940, giặc Pháp đốt phá, lùng bắt những cán bộ khởi nghĩa, trong đó có cả người thợ làm ngói nên công việc bị đình trệ một thời gian dài.

Theo người thợ già, ngói máng Quỳnh Sơn sản xuất bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chưa ổn định, đội ngũ lao động lành nghề ít. Người dân Bắc Sơn lại không có kinh nghiệm quảng bá sản phẩm, khó cạnh tranh với các loại ngói hiện đại. 

Xưa kia, tại các lò ngói ở Quỳnh Sơn già, trẻ, gái, trai... đều miệt mài với nghề, bởi ngói âm dương lúc đó được xem là một mặt hàng xây dựng “hút hàng” mang lại thu nhập cao. Cứ vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, thợ làm ngói ngày đêm bò ra làm cũng không hết việc, vì thời gian này, đồng bào các dân tộc thường dựng nhà mới. 

Dù giờ đây ở Quỳnh Sơn chỉ có khoảng 30 hộ còn làm nghề nhưng đáng mừng thay vài năm trở lại đây, loại ngói truyền thống này lại được nhiều người ưa chuộng trở lại nên hàng chục hộ gia đình tiếp tục sản xuất. Do ngói âm dương có đặc điểm cách nhiệt tốt, cho nên các ngôi nhà được lợp bằng loại ngói này, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông rất ấm áp. Vì vậy, không chỉ đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà rất nhiều khách hàng dưới thành phố, thị xã, khi cất nhà thường tìm đến Quỳnh Sơn đặt hàng. Hiện nay, giá ngói âm dương của Quỳnh Sơn bán ra thị trường có giá 1.600 đồng/ 1 viên. 

Anh Hoàng Minh Phiên một khách hàng từ Tuyên Quang: “Gần tháng trước tôi đã phải lên đây để đặt hàng bác Ngọc. Nhà bác Ngọc đông khách nên hôm nay mới tới lượt mẻ của tôi ra lò. Sở dĩ tôi phải lên tận đây mua vì sản phẩm ngói truyền thống Quỳnh Sơn có độ bóng cho đến nét gờ, chất liệu… không chê vào đâu được”. 

Cũng theo anh Hoàng Minh Phiên, dù giá ngói Quỳnh Sơn có đắt hơn loại ngói làm bằng máy móc hiện đại nhưng so với chất lượng của ngói thì khách hàng rất bằng lòng. Anh Phiên mua loại ngói này để dùng cho xây dựng nhà hàng, quán café vì những công dụng của ngói âm dương. Hơn nữa, sự đặc biệt của ngói âm dương khiến khách hàng thích thú. 

Không chỉ sản xuất ngói để phục vụ cho nhu cầu xây dựng, một vài năm trở lại đây, lãnh đạo huyện đã có nhiều đề án, cũng như đưa Quỳnh Sơn trở thành điểm khai thác du lịch trải nghiệm. 

Chia sẻ với báo Tiền Phong, ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn, cho biết, xã Quỳnh Sơn, cách trung tâm huyện Bắc Sơn 2km có tuyến đường 243 đi qua, giao thông đi lại thuận tiện, là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với cánh đồng bằng phẳng, dòng suối uốn lượn tạo nên phong cảnh hữu tình.

Đặc biệt, làng nghề ngói máng âm dương đã thu hút sự chú ý của du khách. “Năm 2019, số lượng khách đến Bắc Sơn là trên 3.000 lượt gồm cả trong nước và khách quốc tế. Họ thường đến khu du lịch cộng đồng và làng nghề làm ngói máng Quỳnh Sơn - Long Đống. Khách được trải nghiệm quy trình làm ngói, tận tay nhào nặn những khối đất sét nâu óng, dẻo mát”, ông Vinh nói.

Những sự thật về ngói âm dương

Lich sử không ghi rõ ngói âm dương xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc và từ xa xưa con người đã sáng tạo và sử dụng ngói âm dương như một vật liệu làm nhà không thể thiếu và hơn nữa, những ngôi nhà mang mái ngói âm dương có ý nghĩa vô cùng lớn. 

Cũng có những sự tích dân gian truyền tai nhau mà không rõ thực hư về nguồn gốc của ngói âm dương. Điển hình như câu chuyện về việc mái ngói âm dương xuất hiện vào tầm thời Đông Hán (Trung Quốc). Lúc Tào Tháo đã dẹp được Lã Bố và Đổng Trác, có một vị thầy phong thủy họ Khúc nổi tiếng là người học rộng tài cao, đồng thời phụ trách công việc di chuyển xây dựng cung điện nhà ở. Một hôm ông được Tào Tháo gọi vào dự định xây mọt căn hoàng lầu, nhưng Tào Tháo muốn mẫu lầu đẹp và mới lạ hơn. Nếu không nghĩ ra được sẽ xử nặng hoặc chém đầu cả gia đình. 

Ngói âm dương khi lợp sẽ có một viên sấp, một viên ngửa nằm úp lên nhau.
 Ngói âm dương khi lợp sẽ có một viên sấp, một viên ngửa nằm úp lên nhau.

Lúc đó, vị thầy phong thủy rất lo lắng và sợ hãi đến mất ăn mất ngủ. Ngày thứ 2 được giao nhiệm vụ không may vị thầy này bị ngã nằm miên man. Trong lúc đó, vị thầy nhìn thấy một cụ già tóc trắng hiện lên nói, âm dương là khí hòa trời đất và đưa cho vị thầy ấy một hòn đất hình trụ. Lúc tỉnh dậy vị thầy họ Khúc ấy miệt mài làm một ngày đêm đã ra được hình những viên ngói giống nhau nhưng đối ngược nhau về góc cạnh. Sau đó, ông đặt tên là ngói âm ngói dương, mái nhà lợp ngói này gọi là mái ngói âm dương.

Mái ngói âm dương là sự kết hợp hoàn hảo của đất nung được tráng men, sự tinh tế trong những trạm khắc. Ngói âm và ngói dương kết hợp với tạo ra những đường nét nhấp nhô uốn lượn uyển chuyển mềm mại khiến cho ngôi nhà trở nên bề thế, sang trọng. Những người đi qua một ngôi nhà được lợp mái âm dương không ai không đứng lại ghé nhìn chiêm ngưỡng.

Bộ ngói âm dương có thể chia thành: ngói âm dương, ngói tiểu, bộ ngói viền (viền lớn và viền nhỏ). Ngói âm dương thường có 2 loại tráng men và không tráng men (không tráng men). Ngói ở Quỳnh Sơn là loại không tráng men, không có hoa văn. 

Tìm hiểu chi tiết về mái ngói âm dương được lợp trong các công trình đơn giản hơn nhiều loại ngoái khác. Mái nhà khi lợp ngói âm dương chỉ cần đóng bởi các thanh gỗ ngang cách nhau 50 cm, thanh gỗ dọc được đóng định với khoảng cách so le nhau 10 cm hoặc 15 cm để có thể lần lượt xếp các hàng ngói lợp nhà sấp ngửa lồng vào nhau. Nếu rãnh rộng 15 cm đặt ngói ngửa thì rãnh rộng 10 cm úp ngói sấp.

Mái ngói âm dương càng hài hòa và đặc sắc khi chúng kết hợp với những ngôi nhà mang hơi hướng cổ điển như nhà gỗ truyền thống 3, 5 gian ở những nông thôn, hay đặc biệt là những ngôi đên chùa, các mẫu thiết kế nhà thờ họ. Những ngôi nhà truyền thống, sử dụng ngói âm dương luôn có những dấu ấn biệt về sự trang nhã. Đặc biệt hình khối và cấu trúc mái. 

Mái ngói âm dương đại diện cho những biểu tượng của trời đất. Đặc biệt sự kết hợp ấy theo quan niệm xưa mưa thuận gió hòa, cuộc sống êm ấm ổn định. Trong kiến trúc nguyên lý âm dương được vô cùng chú trọng, vì việc xây dựng những ngôi nhà nếu có sự kết hợp hài hòa giữa âm dương sẽ giúp cho ngôi nhà và gia chủ luôn luôn san sẻ và gặp nhiều thuận lợi trong gia đình và làm ăn. Trong quan niệm phong thủy, ngói âm dương là sự chan hòa của trời đất, là sự dung hòa may mắn thuận lợi.

Xưa kia, chỉ có những gia đình khá giả mới có điều kiện để lợp ngói âm dương bởi sự đắt đỏ tỉ mỉ của nó. Một phần nữa là ngói âm dương khá đẹp, bền, từ xa xưa hồi còn chưa du nhập mái thái và mái bê tông thì mái ngói bình thường và mái tranh rơm rạ mỗi khi mưa nắng đều gặp phải những khó khăn nhất định. Trong khi đó mái ngói âm dương lại ngược lại nó coi như một dòng ngói cao cấp bởi độ đẹp độ sang trọng độ tiện nghi của nó.

Người dân tộc Tày thường có câu “Mừng chắc, câu chắc, pài ngọa chắc” – “mày biết, tao biết, mái ngói biết”. Nghĩa là mái ngói âm dương như một nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người những ấm lạnh mà còn cả những vui buồn, ký ức tốt đẹp theo tháng năm của đồng bào Tày, Nùng vùng núi Tây Bắc. 

Đọc thêm