Người Việt muôn phương- (Bài 3): Cầu nối vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị

(PLVN) - Việc di cư của người Việt tới Lào đã diễn ra từ lâu trong lịch sử, từ thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc cho tới ngày nay. Cộng đồng người Việt ở Lào có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xã hội Lào nhờ vào sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của những người Việt xa xứ. Họ chính là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Lào.
Bà con Việt kiều ở Lào dâng hương trước bàn thờ Bác tại làng Xiêng Vang (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).
Bà con Việt kiều ở Lào dâng hương trước bàn thờ Bác tại làng Xiêng Vang (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

* Bài 1: Người Việt muôn phương: Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

* Bài 2: Người Việt muôn phương: Hoàng tử Đại Việt trở thành ông tổ dòng họ Lý trên bán đảo Triều Tiên

Cuộc di cư qua dãy Trường Sơn

Theo TS.Đinh Văn Viễn, việc di cư của người Việt tới Lào đã diễn ra từ lâu trong lịch sử. Sử sách có ghi chép về việc người Việt di cư đến Lào dưới thời phong kiến nhưng mang tính tự phát, diễn ra lẻ tẻ, số lượng ít. Vì thế, phải đến cuối thế kỷ XIX, từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị ở Lào thì việc di cư của người Việt sang Lào diễn ra mạnh với số lượng đông đảo.

Dưới thời cai trị của Toàn quyền Paul Doumer (1902-1907), chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã được triển khai ở Đông Dương. Do Lào là một xứ có dân cư thưa thớt, lại sống chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi nên Pháp rất cần lượng lớn lao động phục vụ cho việc khai thác thuộc địa, quản lý ở Lào. Đồng thời, thực hiện chính sách “chia để trị” của mình, thực dân Pháp đã tuyển lính, viên chức người Việt để xây dựng lực lượng quân đội, cảnh sát, làm thư ký, thông ngôn, giáo viên... tại Lào. Vì vậy, người Việt làm việc ở Lào tăng lên nhanh chóng.

Năm 1908, quân số lính khố xanh ở xứ Lào là 690, trong đó người Việt là 300, người Lào là 390. Những người Việt tham gia vào đội ngũ lính khố xanh, khố đỏ phục vụ ở Lào có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Bắc Bộ, đặc biệt là những vùng quê nghèo, đất chật người đông như Nam Định, Thái Bình, Hưng Hóa. 

Trong hồ sơ lưu trữ của chính quyền thực dân còn lưu lại danh sách những người lính tình nguyện sang Lào ở các làng quê này. Khi đến Lào, lính khố xanh người Việt tập trung ở Thượng Mê Kông, Saravane, Viêng Chăn... còn các thư ký, giáo viên y tá tập trung ở một số thành phố lớn như Viêng Chăn, Thà Khẹt, Savanakhẹt.

 

Năm 1912 chính phủ Liên bang Đông Dương ghi nhận có 3.400 người Việt trên lãnh thổ Lào. Sang thập niên 1920 khi hoàn tất 3 con đường vượt Trường Sơn nối Lào và Việt Nam thì việc di cư sang Lào dễ dàng hơn. Đến năm 1925 thì số lượng người Việt là 14.000 và tăng lên thành 22.600 vào năm 1932.

Năm 1943, số lượng người Việt ở Lào đã tăng đến 44.500 người. Như vậy thời kỳ thuộc Pháp người Việt chiếm số lượng không nhỏ trong dân số Lào, đây là đặc điểm xã hội Lào từ thời Pháp thuộc. Hoàng thân Phetsarath Rattanavongsa (1890-1959) từng chủ trương vận động để đưa người Lào lên thay thế người Việt trong hệ thống chính quyền nhưng phía người Pháp không tán thành.

Thực dân Pháp cũng cho rằng, dân Việt hay Lào đều là thuộc dân của Pháp nên không cần phân biệt. Việc di dân từ miền duyên hải sang Lào chỉ là việc tự nhiên nên chính quyền cần xúc tiến mở mang đường sá xuyên núi Trường Sơn để khai khẩn đất hoang. Về mặt cai trị, người Pháp cũng cho là cần người Việt để vô hiệu hóa ảnh hưởng của Xiêm La trên đất Lào.

Tuy nhiên khi phong trào kháng Pháp của người Việt ngày càng mạnh từ thập niên 1930 trở đi thì người Pháp lại thay đổi lập trường, tìm cách hạn chế ảnh hưởng của người Việt nhân danh bảo vệ dân Lào bản quốc. Người Lào trở thành thành phần thân Pháp và người Việt bị cho là nhóm bài Pháp. 

Bà con người Việt ở Xiêng Vang làm bánh gai để bán.
Bà con người Việt ở Xiêng Vang làm bánh gai để bán.  

Cộng đồng người Việt tại Lào cũng là đường dây trọng yếu đưa người hoạt động chống Pháp từ Việt Nam thoát sang Thái Lan. Các ngả đường từ Thakhek sang Nakhon Phanom; Savannakhet sang Mukhadan; Viêng Chăn sang Nong Khai đều có người Việt móc nối để đưa người.

Sau thời kỳ thực dân Pháp rút khỏi Lào, số lượng người Việt sinh sống tại Lào khó thống kê chính xác. Đến thời bình, theo thỏa thuận giữa hai chính phủ, Việt Nam đã điều động một số cán bộ người Việt sang Lào giúp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, sau khi hoàn thành, một bộ phận nhỏ công nhân đã chủ động xin định cư tại Lào. 

Ngôi làng Việt trên “Đất nước triệu voi”

Ngôi làng người Việt cổ nằm giữa đoạn đường từ Thakhet tới Savannakhet có tên Bản Xiêng Vang, huyện Noong Bok, tỉnh Khăm Muộn của nước Lào. Ngôi làng Việt được thành lập năm 1892, ngay bên bờ sông Mê Kông phía nam Thakhek. Làng này do Đặng Văn Phèng từ tỉnh Quảng Bình trốn sang Lào sinh sống vì bị truy nã sau khi tham gia phong trào chống Pháp của Phan Bội Châu. 

Khi ông Đặng Văn Phèng tới đây thì Xieng Wang còn hoang dã, rậm rạp chứ không được như bây giờ. Lúc ấy, nhiều người Việt sang Lào, gặp ông Phèng tại đây nên họ cũng ở lại làm rẫy. Từ những năm 1940-1945, Xiêng Vang là một bản, hiện nay dân cư khoảng 500 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu nên đã chia thành 3 bản, gồm các bản: Xiêng Vang dưới (Xiengvang Tay), Xiêng Vang giữa (Xiengvang Cang) và Xiêng Vang trên (Xiengvang Nuea). 

Phần lớn người Việt tại làng Xiêng Vang đều làm ăn lương thiện và chung sống hòa đồng với nhau từ bao đời nay. Người Việt làm ruộng, nấu rượu, làm bánh hủ tiếu khô trong lúc rảnh việc đồng áng. Ở bản này hiện tại có vài chục gia đình người Việt, phần đông là người già và trẻ em, còn phần lớn thì đi các tỉnh thành khác để làm ăn buôn bán. Những người này đều thành công và giàu có cả. Người Lào và Việt ở làng Xiêng Vang đều đoàn kết yêu thương nhau. Ban lãnh đạo hiện nay có cả người Việt và người Lào. 

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vang (ảnh VOV).
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vang (ảnh VOV).  

Đặc biệt, ở làng Xiêng Vang hiện này có nhà lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu này được xây dựng từ năm 2012 và hiện có rất nhiều người tới tham quan. Nhà lưu niệm nằm đối diện với con sông Me Kông hiền hòa trước mặt. 

Khu lưu niệm được khởi công xây dựng năm 2012 và hoàn thành năm 2014, với kiến trúc kết hợp giữa Lào và Việt Nam; gồm 15 hạng mục, trong đó phía Lào đảm nhận 12 hạng mục, Việt Nam đảm nhận 3 hạng mục. Khuôn viên gồm nhà tưởng niệm và trưng bày, có ao cá Bác Hồ. Vườn cây, giống cá đều được mang từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội sang trồng, nuôi xen kẽ với một số giống cây, con tiêu biểu của Lào.

Một cụ già làng sinh ra và lớn lên tại Xiêng Vang cho biết: “Khoảng những năm 1928-1929, khi Bác Hồ hoạt động tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thì Bác thường vượt sông sang Xiêng Vang để nghiên cứu tình hình, tuyên truyền và xây dựng phong trào cách mạng Đông Dương cho cả 2 bờ Lào - Thái”. 

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ (19/5) thì nhân dân Xiêng Vang lại được đón các đoàn khách đến từ Trung ương và các đoàn thể, địa phương của Lào, các cơ quan đại diện của Việt Nam và bà con Việt kiều tại Lào đến dâng hoa, dâng hương lên bàn thờ Bác. Hàng chục năm qua, Đảng, Chính phủ Lào luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con người Việt lập làng theo phong cách Việt với phong tục tập quán Việt Nam Trên đất Lào. 

(Còn tiếp)

Đọc thêm