Những chuyện ghi từ Trung Phi của nữ sĩ quan Gìn giữ hòa bình Việt Nam

(PLVN) - Trung tá Nguyễn Thị Liên nổi tiếng khắp phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Trung Phi, bởi trong thời gian công tác chị đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và đóng góp vào việc thoát cảnh đói nghèo cho người dân châu Phi. Xin ghi lại những câu chuyện được gom góp mỗi ngày của chị đểthấy và hiểu rõ hơn bức tranh về cuộc sống của người dân Cộng hòa Trung Phi. 
Trung tá Nguyễn Thị Liên chụp ảnh với một gia đình đông con tại thủ đô Bangui.
Trung tá Nguyễn Thị Liên chụp ảnh với một gia đình đông con tại thủ đô Bangui.

Từ Trung Phi nhìn lại rồi mới thấy, thế giới rộng lớn đâu phải chốn nào cũng bình yên. Ta sống ở Việt Nam ấm êm là vậy, nhưng cũng quỹ đạo ấy vẫn tồn tại những đất nước đói khổ, loạn lạc. Từng giây phút họ vẫn phải gồng mình đấu tranh để sinh tồn...

Cái đói, cái nghèo “bám chặt” Trung Phi

Tôi là chiến sĩ mũ nồi xanh lên đường sang Bangui làm nhiệm vụ. Đó là một thành phố nằm ở miền Trung châu Phi, phía Đông giáp Sudan, Tây giáp Cameroon, Nam giáp Congo và Bắc giáp Chad. “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng”, qua một dòng sông biên giới sẽ thấy người dân Congo (đất nước mà 50 năm mới ăn Tết một lần) đang lam lũ đào bới trên mảnh đất của mình.

Đất nước Trung Phi giành độc lập năm 1960, là một quốc gia giàu tài nguyên khi thu nhập quốc nội đạt tới 40% từ kim cương nhưng do dân trí thấp, nội chiến leo thang giữa các phe đối lập dẫn đến nền kinh tế ở Trung Phi vẫn trì trệ, đói nghèo triền miên, bệnh tật hoành hành.

Hai bà cháu trong một gia đình Trung Phi đang giã lá sắn để nấu món súp cá lá sắn.
Hai bà cháu trong một gia đình Trung Phi đang giã lá sắn để nấu món súp cá lá sắn.  

Dân thất nghiệp không có thu nhập dẫn đến suy nghĩ tiêu cực cướp bóc lẫn nhau. Không thích cầm bút, không biết cầm cày cầm cuốc mà chỉ giỏi cầm súng. Dọc lối phố những khẩu súng cứ vắt vẻo lủng lẳng trên vai những tay cò trông mặt đầy toan tính. 

Đối với người dân châu Phi, sắn là món ăn hàng ngày giống như người Việt ăn cơm tẻ, người Lào ăn cơm nếp. Củ sắn là cơm và lá sắn là canh. Cả dân tộc ăn sắn thì cần gì phải thay đổi. Muốn đổi sắn thành cơm có lẽ cần phải có cuộc cách mạng. 

Thời điểm này, ở Việt Nam đang đối mặt với việc dập dịch Covid-19, chống lũ lụt ở miền Trung và phát triển kinh tế thì ở Trung Phi chúng tôi cùng dân dập đại dịch và xoá đói giảm nghèo. Vận dụng phương châm thực hiện “Mục tiêu kép” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Trung tá Liên cùng đồng đội hướng dẫn người dân Trung Phi sản xuất nông nghiệp.
Trung tá Liên cùng đồng đội hướng dẫn người dân Trung Phi sản xuất nông nghiệp.  

Nhìn những mảnh đời đói nghèo ở Trung Phi tôi nhớ lại tuổi ấu thơ ngày đó theo bố mẹ đi nhặt từng chẽ lúa rơi(ngày còn hợp tác xã), mình trẻ con chả chịu nhặt mà chỉ vê nắm đất nát trong tay và bảo: “Mẹ ơi! Ước gì bây giờ có nắm cháy như thế này mà ăn mẹ nhỉ!”.

Câu nói trẻ thơ như cứa vào gan vào ruột những người làm bố làm mẹ. Rồi có những bữa ngồi ăn cơm mẹ quát: “Sao con Liên không ăn cơm đi”. Phản xạ tức thì của đứa con bướng bỉnh chống đối “nhưng con làm gì có gì mà gắp”. Những câu nói ấy vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. 

Giờ đây sang mảnh đất đói nghèo này tôi lại có cơ hội để kiểm chứng. Thương lắm những phận đời này. Họ giống hệt mình cách đây 40 năm về trước. Nhìn đứa trẻ 6 tháng tuổi nằm trong vòng tay mẹ vẫn tu ừng ực những ngụm sữa ngon lành mà lòng tôi đau nhói. Bà mẹ trẻ này không biết sáng được ăn mấy nắm sắn mà vẫn có thể làm mãn nguyện lòng con. 

Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng đồng đội đã giúp những mảnh đất bỏ hoang trở thành những ruộng hoa màu tốt tươi.
Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng đồng đội đã giúp những mảnh đất bỏ hoang trở thành những ruộng hoa màu tốt tươi.  

Ngay ở nơi được gọi là thành phố như Bangui thì cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu mọi ngõ ngách. Gọi là thành phố nhưng dân vẫn còn nghèo lắm. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dựa vào mức thu nhập của các ông chồng. Họ đi làm thuê cho các chủ mỏ vàng, mỏ than. Đồng thời, nhiệm vụ của các bà vợ ở nhà giặt giũ, cháo cám và đẻ con.

Cũng chưa có tài liệu nào thống kê số lượng tối đa một phụ nữ bình thường đẻ từng đứa con một thì sẽ được bao nhiêu. Nhưng tôi chứng kiến 4 hộ gia đình trong thành phố này đẻ tổng cộng 55 đứa trẻ. Hàng ngày, tôi đi làm qua nếu có bánh mỳ dài dừng lại mà chia đến cả chục cái mỗi đứa cũng chỉ một mẩu. Nhưng được cái chúng rất ngoan không đổ xô tranh cướp. Bà mẹ quyền lực hô một tiếng ngồi xếp hàng răm rắp. 

Lũ trẻ con Trung phi có kiểu tóc rất đặc biệt. Bé trai thì tóc xoăn tít vón theo từng cụm nhỏ. Bé gái cũng xoăn nhưng được các mẹ kỳ công tết theo kiểu tóc Corona.

Ước mơ về một thế giới hòa bình

Cái đói, cái nghèo của đất nước Trung Phi có lẽ bắt nguồn chủ yếu bởi chiến tranh. Tôi thật may mắn khi sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt Nam không còn tiếng súng, không còn những họng lưỡi lê tàn xác những mảnh đời vô tội. Nhưng cả một tuổi thơ chứng kiến tàn dư của chiến tranh, khiến cho cả dân tộc phải gồng mình chiến đấu với “giặc đói và giặc dốt”. Tôi thật là “Thấm và Thấu”. Tưởng rằng đó chỉ là miền ký ức đã lùi sâu vào dĩ vãng để giờ đây điều ước của tôi còn ngây ngô như một đứa trẻ “Ước mơ một thế giới hoà bình”. 

Khi Việt Nam đã thoát khỏi xiềng xích của kẻ thù, hai miền đã thu về một mối, dân được ăn ngon mặc đẹp, được mưu cầu hạnh phúc thì nơi đây trên mảnh đất Trung Phi này vẫn còn chiến tranh. Tiếng súng vẫn chưa ngừng ở các phân khu khác nhau trên toàn lãnh thổ. Nạn phân biệt chủng tộc, tranh giành quyền lực, khoảng cách giàu nghèo, dịch bệnh hoành hành trên đất nước chưa lên tới 5 triệu dân. Tiếng gào thét của các em thơ vẫn chìm trong vô vọng.

Một ngôi làng bị đốt cháy bởi những cuộc nội chiến.

Một ngôi làng bị đốt cháy bởi những cuộc nội chiến. 

Nếu nhiều người dân nơi đây chỉ mong có “một cái bụng no” thì mơ ước của chúng tôi - những người lính gìn giữ hoà bình là đất nước này không còn chiến tranh. Mong rằng ở mảnh đất Trung Phi này sớm có nhiều màu xanh, màu xanh hoà bình, màu xanh của sự no ấm được lan toả. Tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc được kết nối để những lá cờ được tự do tung bay dưới nền trời xanh ngắt, để nụ cười luôn nở trong mắt trẻ thơ. 

Hiện tại, ở cái xứ sở Bangui này cứ vài ngày, vài tuần người dân lại khắc khoải mong chờ có được một cuộc sống bình yên không tiếng súng.Chỉ cần một hận thù nhỏ cũng bùng phát những cuộc ẩu đả làm chết và thương vong vô số. Hậu quả là những đàn con nheo nhóc của chính người cầm súng đã đói khát giờ còn khổ hơn vì không còn bố mẹ. Thậm chí những đứa trẻ vô tội cũng chết oan nghiệt ngay trong tiếng súng của chính bố mẹ nó. 

Tôi tự hỏi: Bao giờ mới hết bạo loạn nội bộ? Có lẽ chừng nào những ông trùm thôi tham quyền lực thì dân mới yên. Nhà tan, cửa nát và máu đổ...biết bao giờ mới phục hồi được đất nước?

Thôi thì... đó là bệnh nan y của lục địa đen này. Có chữa được đâu phải ngày một ngày hai. Hướng cho dân biết yêu lao động. Chỉ có thành quả từ lao động họ mới trân quý những thứ mình có. Mình lại bắt tay vào vụ ngô sắp tới. Giai đoạn 1 cho vụ ngô Việt trên vùng đất khô hạn này sắp được hoàn thành. Những hạt ngô đá được ươm trong bầu đất nảy mầm khoẻ khoắn chờ ngày hạ thổ. Hy vọng rằng chúng phát triển tốt để bớt đi phần nào đói nghèo của dân đen. Hy vọng ngày mai sẽ khác!

Đọc thêm