Những kho báu kỳ lạ ở Tây Nguyên: Những tuyệt chiêu khiến giặc “hồn kinh phách lạc”

(PLVN) - Cho đến giờ, nhiều người đồng bào K’Ho vẫn tin rằng, đâu đó trong khu rừng thiêng nằm giữa thung lũng Đạ Sa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) vẫn tồn tại một kho báu tiền xu.

 

Thần bí những đồng xu kháng Pháp
Thần bí những đồng xu kháng Pháp

Nước thánh thần bí và đồng xu kháng Pháp

Một số tài liệu cho thấy, ngay từ thế kỷ XVIII, XIX, các nhà truyền giáo phương Tây đã rất chú ý và tìm hiểu đến vùng đất Tây Nguyên hoang sơ và huyền bí. Và cũng ngay từ rất sớm, giặc Pháp đã xác định Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong âm mưu xâm lược Việt Nam cũng như Đông Dương.

Ngay khi mới đặt chân đến Di Linh, Pháp đi sâu vào vùng dân tộc để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo nhằm phục vụ ý đồ xâm chiếm lâu dài của chúng. Đồng bào dân tộc bị tước đoạt đất đai, nương rẫy, cộng vào đó là chính sách xâu thuế hà khắc, nhất là thuế thân, làm cho đồng bào ta càng ngày càng điêu đứng. Đồng bào với đủ loại thuế đè đầu đã lâm vào đường cùng phải vào rừng ăn củ rừng, ăn lá bép, măng le để sống qua ngày.

Bà K’Đèm (SN 1964, cháu gái của bà Ka Nhòi) kể tiếp câu chuyện về “người đàn bà trắng” cho chúng tôi nghe. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, tất cả các vùng quanh đây vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, vắng người, chủ yếu là màu xanh thẫm của rừng và một vài buôn làng lác đác dưới chân núi.

Bà K’Đèm, cháu gái của “nữ chúa rừng xanh”
 Bà K’Đèm, cháu gái của “nữ chúa rừng xanh”

Để tập hợp được cả ngàn người dân tộc thiểu số cùng chung một lòng dám đứng lên đánh Pháp không phải là việc làm đơn giản và dễ dàng. “Nhưng với bà Ka Nhòi mọi chuyện lại trở nên dễ dàng hơn, tôi còn nhớ khi đi sang Đắk Lắk về, bà Ka Nhòi có mang về một chai nước Da Yon. Tương truyền nước đó có quyền phép làm cho đàn bà đẻ nhiều, nhiều nông dân được mùa, người đau khỏi bệnh, nó không khi nào cạn. Nước ấy còn để tự vệ trong cuộc nạn đại chiến biến động mà thủ lĩnh bên Đắk Lắk tiên đoán”, hậu duệ của “nữ chúa rừng xanh” kể. 

Mộ Cọ thường nói với tất cả nghĩa quân cùng với bà con đồng bào mình bằng những lời lẽ đơn sơ, chất phác của núi rừng Tây Nguyên. Với những người lớn hơn mình là cái con người Pháp nó khác cái da, cái mũi, nó ở xa lắm bên kia cái nước, cái biển của nó mà nó đến đất nước rừng núi của mình, nó lấy cái lúa, cái dao, con heo, con gà, nó bắt mình phải đi làm đường, phải nạp thuế, nó còn ức hiếp, đánh mình nên mình phải đuổi nó về cái nước, cái biển của nó.

Muốn đuổi được nó phải có cái dao, cái mác, cái xà gạt, cái súng, cái đạn vì người Pháp nó có cái súng, có ống. Mình phải góp đồng xu để làm ra những cái đó. Mình có thương cái con suối, cái đất nương núi rừng của mình thì mình góp. Góp xu không ai bắt buộc, góp cái đồng xu trước là để cúng Thần núi, Thần rừng, Thần đất để phù hộ người Kinh, người Thượng cùng một cái bụng thương nhau. Sau đó lấy cái đồng xu đó để làm ra cái giáo, cái mác, cái súng, cái đạn để đuổi thằng Tây nó về cái nước nó”.     

Cao nguyên Đắk Lắk
Cao nguyên Đắk Lắk 

Các thành viên tham gia phong trào đều phải góp đồng xu, mỗi người góp 4 đồng xu, các loại tiền khác không được chấp thuận. Do số lượng người góp xu đông, ở nhiều nơi nên Mộ Cọ đã cử người để nhận đồng xu. Khi tế lễ xong, Mộ Cọ giữ lại 3 đồng, còn đồng thứ 4 trả lại cho người góp kèm theo một nghi lễ nhỏ.

Đồng xu được đưa vào tai bên phải và được thổi lên, sau đó được cột vào một sợi dây và đeo vào cổ tay bên phải người góp xu. Đây là đồng xu đã được làm phép, nó linh thiêng nên họ tin rằng đeo nó sẽ tránh được bệnh tật, đồng thời cũng chứng thực được người này tham gia phong trào. Đối với phụ nữ có thai chỉ cần 3 xu, trẻ em chỉ cần 2 xu, tất cả việc góp xu đều theo một nghi lễ  nhất định.

Chính vì cái bụng của người K’Ho luôn căm thù sự tàn bạo của giặc Pháp và tuyệt đối tin theo “nữ chúa rừng xanh” cho nên số lượng người đi theo bà nhiều không đếm xuể. Có tài liệu ghi chép lúc đó số người theo bà kháng Pháp có thể lên đến con số hơn một vạn người.

Tuyệt chiêu khiến giặc bỏ chạy

Trong đội quân của bà có rất nhiều người phụ nữ trẻ tuổi, chân yếu tay mềm, họ không hề biết chữ, cũng chưa từng được nghe về binh đao, chiến trận. Trong khi bọn đàn ông lo lắng cho cánh đàn bà đi rừng nhỡ đột bọn lính Pháp thì mọi chuyện bại lộ hết thì “nữ chúa rừng xanh” đã có cách làm cho đội quân nữ trở nên hùng mạnh và không sợ hãi trước họng súng của kẻ thù. Thậm chí, có những tuyệt chiêu đã khiến cho quân địch “hồn kinh phách lạc” chạy “bán sống bán chết”.

Trước mỗi lần ra trận, bà lại cho đội quân của mình khấn một bài văn rồi dùng nước thánh thoa lên người, vũ khí, sau đó họ xung trận với niềm tin rằng nước thánh sẽ giúp họ bất khả xâm phạm trước súng đạn. Sau hội thề, từng nhóm quân của nữ chúa đã có những chiến công đầu tiên trong việc đánh Pháp.

Nữ chúa đã khéo léo trong việc vận dụng những cô gái K’Ho xinh đẹp ra suối giặt đồ, tắm làm mồi nhử. Khi những tên lính Pháp mon men tới gần buông lời chọc ghẹo, tán tỉnh không cảnh giác, những người đàn ông K’Ho núp trong những lùm cây gần đó ào ra, bao vây và dùng giáo mác, gậy gộc giết những tên Pháp háo sắc.

Bên cạnh đó, “nữ chúa rừng xanh” còn dùng những ống lồ ô tự nhiên mọc trong rừng để chế tác ra súng bắn nước thuốc. Bà bày cho những phụ nữ K’Ho khéo léo tìm cách dã ớt rồi pha với một số loại lá khác thành loại thuốc cay xè. Mỗi khi có việc ra ngoài thì phải đem theo vũ khí này, đột một toán giặc Pháp hành quân thì những phụ nữ này làm mồi nhử rồi bất ngờ dùng súng bắn thuốc ớt vào mặt khiến giặc kinh hoàng bỏ lại vũ khí mà chạy thoát thân. 

Khoảng giữa năm 1937, thực dân Pháp bắt đầu nhận thấy dấu hiệu của phong trào khi có tin báo đang khan hiếm đồng xu. Sự khan hiếm đó xảy ra ở một số tỉnh lân cận Lâm Đồng. Lo sợ có điều gì đó không hay đang xảy ra nên chính quyền thực dân đã chú ý và tăng thêm sự cẩn mật. Cuối cùng chúng phát hiện ra Mộ Cọ nên ngày đêm cho người theo dõi sát sao từng hoạt động nhỏ của bà.

Vào giữa tháng 4 năm 1938, Mộ Cọ chủ trì tổ chức lễ cúng qui mô lớn có tính chất tuyên thề cùng những người tham gia phong trào tại thung lũng Đạ Sạ, lễ cúng sẽ kéo dài 7 ngày, 7 đêm. Tuy nhiên lễ cúng này đã bị phát hiện do sự chỉ điểm của một tên mật thám. Ngay sau khi nhận được mật báo, thực dân Pháp đã tổ chức một cuộc hành quân cấp tốc và bất ngờ bao vây thung lũng Đạ Sa, chúng đã bắt bà và cha ruột bà cùng một số người tham gia nghĩa quân.

Nhiều người cho rằng, phong trào đấu tranh của người đàn bà trắng còn mang màu sắc tôn giáo huyền bí nhưng đây chính là biểu hiện của tinh thần chống giặc ngoại xâm, không cam chịu sự bóc lột hà khắc của đồng bà dân tộc thiểu số. Với sự đàn áp mãnh liệt của bọn thực dân Pháp khiến phong trào đấu tranh nhanh chóng bị thất bại. Dù thế, nhưng niềm tin chiến thắng kẻ thù độc ác của nhân dân Tây Nguyên còn sống mãi, lan truyền khắp cả vùng rộng lớn.   

(còn nữa)

Đọc thêm