Những thần thú trong tâm thức Việt - Kỳ 6: Long mã - chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới tầng mây

(PLVN) - Du khách đến Huế, khi dạo bước trong Hoàng thành, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, hay rong ruổi trên đường làng, ngõ xóm nơi thôn dã, đều có thể dễ dàng bắt gặp và chiêm ngưỡng hình tượng long mã, bởi nó đã trở thành một mô thức không thể thiếu trong kiến trúc, trang trí của xứ Thần Kinh.
Linh thú Long Mã - biểu tượng sự kết hợp kỳ diệu giữa rồng, kỳ lân và ngựa
Linh thú Long Mã - biểu tượng sự kết hợp kỳ diệu giữa rồng, kỳ lân và ngựa

Biểu tượng của Festival Huế

 Cuối năm 2019, Ban Tổ chức Festival Huế 2020 đã công bố bộ hình ảnh nhận diện của kỳ Festival lần thứ XI. Bộ hình ảnh đồ họa được thiết kế cách điệu từ bốn linh vật trong nghệ thuật cung đình Huế gồm: long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phụng (phượng). Đặc biệt hình ảnh long mã (ngựa hóa rồng) vốn đã gắn liền với logo Festival Huế 2000 sẽ là hình ảnh chủ đạo trên poster chính thức trên nền màu tím đặc trưng gắn liền với Huế.

Trên website chính thức của ban tổ chức (huefestival.com) có đăng thông tin giải thích ý nghĩa biểu tượng Festival Huế như sau: “Logo Festival Huế được thiết kế là sự tiếp nối của logo Festival Huế qua các lần tổ chức và đã trở thành một biểu tượng chung duy nhất cho các kỳ Festival Huế sau này. Mẫu logo gồm 2 phần: Phần chữ Festival Huế và năm tổ chức là tác phẩm được tuyển chọn của họa sĩ Pháp De L’Estraint vào năm 1999, khi chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2000.

Tượng Long Mã phong thủy
Tượng Long Mã phong thủy  

Ý tưởng cơ bản của biểu tượng là sử dụng màu cờ nền đỏ sao vàng của quốc kỳ Việt Nam làm nền, đi liền với màu cờ là hình Ngọ Môn ở Ðại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000 được bố trí theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp và tiếng Việt. Dưới nền logo chính của De L’Estraint, ban tổ chức Festival Huế đưa thêm hình ảnh của linh vật Long Mã. Long Mã - ngựa hóa rồng - là linh vật đặc trưng thường được trang trí trên một số kiến trúc Huế. Biểu tượng Long Mã được cách điệu từ hình tượng Long Mã tại bình phong trường Quốc Học, di tích lưu niệm thời Bác Hồ theo học tại trường Quốc Học Huế”.

Long Mã chính thức là linh vật biểu tượng của Festival Huế từ năm 2004
Long Mã chính thức là linh vật biểu tượng của Festival Huế từ năm 2004 

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết: Festival Huế 2000 là Festival đầu tiên của Huế. Biểu tượng chính thức của Festival thực ra chỉ là hình Ngọ Môn ở Đại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000. Hình này xuất hiện trên các tài liệu chính thức để giới thiệu và quảng bá cho Festival. Chỉ có trên một số panneaux và poster do phía Thừa Thiên Huế thực hiện ở Huế thì bên dưới logo mới thể hiện thêm hình ảnh con rồng cách điệu, do năm 2000 là năm Canh Thìn, cầm tinh con rồng.

Tới năm 2002 rơi vào năm Nhâm Ngọ, nên trên logo của Festival năm ấy hình ảnh con rồng đã được thay bằng long mã. Người ta còn định mỗi kỳ Festival sẽ sử dụng hình ảnh con vật cầm tinh năm ấy kết hợp với logo do De L’Estraint thiết kế. Tuy nhiên từ năm 2004, long mã chính thức trở thành linh vật biểu tượng cho Festival Huế mà theo Trần Đức Anh Sơn “có thể, do năm 2004 là năm Giáp Thân, năm cầm tinh con khỉ. Mà đưa hình ảnh con khỉ lên logo chính thức thì e… quá ẹ. Thôi thì “vĩnh viễn” sử dụng hình ảnh long mã là hợp lý nhất, vì long mã chính là linh vật của xứ Huế”.

Biểu tượng của không gian và thời gian

Theo Trung tâm Festival Huế, hình ảnh long mã trên poster chính thức của Festival Huế 2020 là biểu tượng của sức sống vận động không ngừng, đại diện cho một Huế đương đại và một Festival Huế hội tụ các tinh hoa về di sản, tâm linh, ẩm thực và nghệ thuật. Theo đó, long mã là hóa thân của kỳ lân (một trong tứ linh), là một linh vật thủ đắc tất cả những phẩm chất tốt đẹp, với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa, được mô tả là có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa.

Kỳ lân là linh vật báo điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, thái bình, của đức tính nhân từ. Ngựa là biểu tượng của sự dũng mãnh, trung thành và tận tụy. Hình ảnh con ngựa đã được chọn đúc trên Huyền đỉnh và Anh Đỉnh, của Bộ Cửu đỉnh đặt trong sân Thế miếu, Đại nội Huế, nay đã là bảo vật quốc gia. Theo Dịch kinh tân khảo, long mã cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có tánh nhân để bức cổ đồ”.

Long Mã tiếp tục được chọn là biểu tượng của Festival Huế 2020
Long Mã tiếp tục được chọn là biểu tượng của Festival Huế 2020

Truyền thuyết kể rằng, long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời Phục Hi, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức Hà đồ, hay Mã đồ, là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái – cơ sở của kinh dịch sau này. Ngoài ra, long mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng kinh).

Từ ngựa chuyển hóa thành long mã là một bước chuyển trong quá trình nhận thức thẩm mỹ, gắn với quan niệm về triết lý. Rồng bay cao, ẩn hiện qua những tầng mây, biểu trưng cho sự mạnh mẽ, quyền lực và khí chất cao thượng, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian (nghĩa là tung), được xem là nguyên lý dương. Ngựa tuy không phải là linh vật nhưng là loài vật hữu ích cho loài người, có khả năng di chuyển nhanh nhẹn, bền bỉ trên mặt đất theo đường ngang, biểu tượng của sự tài lộc, thành công, sự trung thành, nghĩa khí, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian (nghĩa là hoành), nguyên lý âm.

Long mã tượng trưng cho sự uy nghi hùng dũng (tung hoành), sự tiến hóa vạn vật, biểu hiện của một vũ trụ vận động không ngừng. Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc, thái bình và thịnh vượng. 

“Trước gió phất phơ long hóa mã…”

Cách đây vài năm, trong triển lãm “Ngựa và Long mã”, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã giới thiệu gần 70 bức ảnh chụp lại các biểu tượng ngựa và long mã trong các công trình kiến trúc tại Huế. Trong đó phần lớn được chụp lại tại các công trình thuộc di sản Huế bao gồm tại Cửu Đỉnh, cung Trường Sanh, lầu Tứ Phương Vô Sự, lăng Đồng Khánh, Khải Định, lăng Tự Đức...

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều hình ảnh các bình phong từ các đình, đền… trong đời sống của nhân dân. Sang trọng nhưng cũng rất gần gũi, chỉ có trong tưởng tượng nhưng lại cũng quen thuộc, thân quen, những sắc thái của long mã qua mỗi bức ảnh tại triển lãm phản ánh tầm tư duy, khả năng sáng tạo của ông cha ta đối với một con vật linh thiêng và trình độ tay nghề luôn biến thiên qua mỗi thời kỳ.

Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình Long mã. Song cũng có những con long mã được đắp bằng vôi vữa, hay được vẽ bằng phẩm màu (như long mã trên bình phong trước phủ Thượng thư Tôn Thất Đàn ở làng Lại Thế). Long mã cũng xuất hiện trong hoàng cung triều Nguyễn như ở Dục Khánh Môn, Hưng Khánh Môn của Hưng Miếu, Trường An Môn của Trường Sanh Cung…

Và đặc biệt là bức bình phong long mã nổi tiếng nhất, lâu đời nhất là bức trước trường Quốc Học Huế được xây dựng vào năm 1896, đời vua Thành Thái, là nguyên mẫu của hình ảnh long mã trên logo của Festival Huế. Long mã trước trường Quốc Học được đắp nổi trên nền sơn vàng, khung đỏ với hình ảnh đầu và đuôi rồng, mình ngựa có màu xanh của sành sứ.

Trong tư thế đang tung vó cưỡi mây nhưng vẫn ngoái đầu trở lại, long mã mang thần thái của sự nhẹ nhàng, linh thiêng nhưng vẫn rất gần gũi với những câu thơ: “Trước gió phất phơ Long hóa Mã. Trên mây lấp loáng Mã thành Long. Đồ thơ chở nặng nền luân lý Cảnh vật phô bày cuộc biến thông". Đây không phải là một con ngựa nòi, một chiến mã mà là con long mã chở Đồ thư tức Hà Đồ, Lạc Thư tạo nên nền văn tự, văn học, văn hóa, văn minh, triết học Á Đông. Chồng sách trên lưng tượng trưng cho Đồ Thư, Long Mã chở nền luân lý cương thường.

Và hình ảnh đó, khi đặt làm án thư trước cổng trường Quốc Học, nơi sinh thời đã có những con người kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… theo học vừa mang cốt cách của một đất nước văn hóa, vừa mang tầm vóc thời đại với tinh thần tự cường, không bao giờ chịu đồng hóa.

Đọc thêm