Quanh chuyện luận tội phế truất cựu Tổng thống Mỹ

(PLVN) - Ở nước Mỹ hiện tại, Hạ viện đã chuyển cáo trạng về luận tội phế truất cựu Tổng thống Donald Trump lên Thượng viện và Thượng viện tới đây sẽ phải xử lý chuyện này. Theo luật pháp hiện hành ở nước Mỹ, Hạ viện khởi động tiến trình luận tội phế truất Tổng thống đương nhiệm và Thượng viện quyết định cuối cùng. 
Cựu Tổng thống  Donald Trump bị Hạ viện luận tội phế truất.
Cựu Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện luận tội phế truất.

Chỉ khi nào có ít nhất hai phần ba (67) trong tổng số 100 thành viên của Thượng viện ủng hộ việc phế truất thì tổng thống đương nhiệm mới bị phế truất. Cho đến nay đã có một vài tổng thống đương nhiệm bị quốc hội tiến hành luận tội phế truất nhưng chưa có ai bị phế truất bởi trong Thượng viện không có đủ đa số cần thiết thuận cho quyết định phế truất. Năm 2019 đã xảy ra tình huống này đối với ông Trump. 

Hiện tại, phe Đảng Dân chủ và phía Đảng Cộng hòa đều chiếm nửa số ghế trong Thượng viện. Phe Đảng Dân chủ được coi là chiếm đa số nhờ lá phiếu quyết định của phó tổng thống Kamala Harris trên cương vị chủ tịch thượng viện. Nhưng để có thể phế truất ông Trump thì phe Đảng Dân chủ cần ít nhất 17 Thượng nghị sỹ thuộc phe Đảng Cộng hòa cùng đồng hành. Điều này không có khả năng xảy ra và cựu Tổng thống Trump chắc chắn không bị phế truất.

Nhưng ông Trump vẫn là cựu Tổng thống đầu tiên bị quốc hội luận tội phế truất. Luật pháp hiện hành ở Mỹ không quy định cụ thể về luận tội phế truất cựu Tổng thống hay những người không còn nắm giữ chức quyền nữa. Theo cách hiểu của luật thì một người không còn nắm giữ chức quyền thì đâu còn có cái gì nữa để bị phế truất. Vì cách tiếp cận này mà trong luật không có quy định cụ thể xử lý chuyện truất quyền người không còn nắm giữ quyền.

Hạ viện Mỹ luận tội phế truất cựu Tổng thống Donald Trump lần thứ 2.
Hạ viện Mỹ luận tội phế truất cựu Tổng thống Donald Trump lần thứ 2. 

Nhưng ở nước Mỹ ngay từ năm 1876 đã hình thành cái lệ về truất quyền người không còn nắm giữ chức vụ và cái lệ này đề cao tinh thần cũng như mục đích của luật về truất quyền là trừng phạt và răn đe người nắm giữ quyền lực lạm dụng nó. Trong mọi mô hình nhà nước pháp quyền thực thụ, việc kiểm soát quyền lực vốn không những không thể thiếu mà còn rất quan trọng và truất quyền thuộc vào đấy. 

Năm 1876, Bộ trưởng chiến tranh Mỹ William Belknap bị cáo buộc tham nhũng và đệ đơn từ chức trước nguy có bị quốc hội tiến hành phế truất. Hạ viện đã vận hành quá trình phế truất, Thượng viện đồng ý tiến hành xem xét phế truất. Trước khi Thượng viện biểu quyết phế truất, ông Belknap được Tổng thống chấp nhận từ chức. Trong Thượng viện không có đủ đa số cần thiết ủng hộ việc phế truất - giống hệt như ở ông Trump hiện tại. Bản chất cái lệ ở đây là ai phạm tội thì phải bị trừng phạt. Việc truất quyền tuy không còn khả thi bởi người ấy không còn nắm giữ quyền lực nhưng danh dự và uy tín bị tổn hại. 

Cái lệ này hiện đang được vận dụng đối với ông Trump. Ông Trump sẽ không bị Thượng viện quyết định phế truất nhưng những điều tiếng thì biết đến khi nào mới có thể gột rửa sạch được. Thượng viện không phế truất ông Trump thì Quốc hội Mỹ không thể thông qua bộ luật cấm ông Trump hoạt động chính trị và đảm nhận cương vị nào đấy trong bộ máy công quyền nhà nước trong tương lai và ông Trump không bị mất những đặc quyền đặc lợi dành cho cựu Tổng thống Mỹ.

Nhưng Thượng viện Mỹ không quyết định phế truất ông Trump không có nghĩa là ông Trump hoàn toàn vô tội trước pháp luật và dư luận, bởi phế truất Tổng thống luôn luôn là và trước hết là chuyện chính trị ở nước Mỹ. Cái lệ làm tăng thêm hiệu lực và uy quyền của quy định luật pháp về phế truất tổng thống.

Vụ việc có tác động răn đe rất lớn tới những ai hiện đương chức đương quyền ở Mỹ. Nó cũng còn làm hủy hoại ở mức độ rất đáng kể cơ may thành công của ông Trump khi mưu tính trở lại tranh giành quyền lực trên chính trường nước Mỹ. 

Đọc thêm