Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 9): Chuột sâm Ngọc Linh - món đặc sản bổ dưỡng và quý hiếm

(PLVN) - Trong cuốn “Món lạ miền Nam”, tác giả Vũ Bằng mô tả về món sâm thử, hay còn gọi là chuột sâm (chuột nuôi bằng sâm) nổi tiếng. Hiện nay ở vùng trồng sâm Ngọc Linh  
Rất nhiều cây sâm đến mùa thu hoạch hạt giống đã bị chuột tàn phá, ăn những hạt sâm Ngọc Linh bổ quý gây thiệt hại tiền tỉ.
Rất nhiều cây sâm đến mùa thu hoạch hạt giống đã bị chuột tàn phá, ăn những hạt sâm Ngọc Linh bổ quý gây thiệt hại tiền tỉ.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm, nó hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người. Hiện tại, sâm Ngọc Linh có giá từ 70 - 150 triệu đồng/kg, nhiều củ sâm lớn có giá lên đến vài trăm triệu đồng/kg.

Đặc sản chuột sâm

Trong cuốn “Món lạ miền Nam”, tác giả Vũ Bằng mô tả về món sâm thử, hay còn gọi là chuột sâm (chuột nuôi bằng sâm) rằng, chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối. Đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để cho sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được. 

Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là “thập toàn đại bổ”. Người ta mới lấy bao tử của những con chuột thế hệ mới này ra ăn. Và ăn như thế tức là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhậy, khôn ngoan của giống chuột cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Ðông phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất.

Không biết cái món chuột sâm được nhà văn Vũ Bằng mô tả ngon bổ đến đâu, nhưng đó là 1 trong 7 món mà Từ Hy thái hậu đời nhà Thanh (Trung Quốc) dùng để đãi khách quý. Bây giờ, món chuột sâm cao sang ấy lại là thức ăn quen thuộc của bà con dưới chân đỉnh Ngọc Linh.

Bên cạnh việc chống trộm thì việc chống lại đàn chuột để bảo vệ vườn sâm quý cũng vất vả không kém.
Bên cạnh việc chống trộm thì việc chống lại đàn chuột để bảo vệ vườn sâm quý cũng vất vả không kém.  

Với người trồng sâm Ngọc Linh, để bảo vệ vườn sâm quý, ngoài việc giăng lưới thép B40, máy cảnh báo chống trộm thì việc đối phó và chống lại đàn chuột phá hoại vườn sâm cũng gian nan, vất vả không kém. 

Đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mù sương, ẩm ướt có loài chuột núi sinh sống. Chúng ăn tất cả những gì liên quan đến sâm nên được coi là món ăn quý tộc của người dân bản địa. Chuột núi ăn sâm thường có màu lông vàng ánh đỏ, mắt thường khó phát hiện bởi chúng giống lá cây nên phải quan sát kỹ mới bắt được.

Ông Hồ Văn Du (ngụ thôn 2, xã Trà Linh) là một trong những người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh. Hiện tại, vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. Ước tính cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 300 tỷ đồng.

“Nạn trộm sâm không đáng lo bằng lũ chuột núi ăn sâm. Có những vườn sâm chuột xơi gần hết. Một cây sâm trồng nhiều năm mới được nhưng chuột cắn phá gây thiệt hại cả chục triệu đồng/củ. Đặc biệt, hoa và hạt sâm dùng để nhân giống nếu bị chuột ăn thì không còn hạt để ươm cây giống”, ông Du cho biết.

Người có tiền chưa hẳn được thưởng thức món chuột sâm hong khô trên gác bếp.
 Người có tiền chưa hẳn được thưởng thức món chuột sâm hong khô trên gác bếp. 

Loài chuột núi thường xuất hiện nhiều khi hạt cây sâm Ngọc Linh chín đỏ. Để bắt loài chuột núi tinh khôn này, người dân làm những chiếc bẫy đơn giản ở hốc đá, gốc cây mà chuột hay lưu trú. Chuột đi qua vướng vào bẫy, hòn đá rơi xuống đè lên người chúng. 

Hoặc khi phát hiện chuột tàn phá sâm, người dân theo dõi dấu chân hoặc tiếng động trên lá, sau đó thả mồi cố định ở một chỗ. Sau 2 - 3 ngày, họ đặt bẫy hoặc dùng ná cao su bắn. Người dân khá hiểu về tập tính loài chuột núi nên thường đi bắt vào ban đêm.

“Loài chuột ăn sâm thường sống ẩn nấp nên rất khó phát hiện. Buổi tối là thời điểm chuột đi kiếm ăn, cho nên người dân muốn bắt chỉ có vào rừng trong đêm. Còn ban ngày chỉ đi đặt bẫy và thu chiến lợi phẩm. Chuột có thể bắt quanh năm. Tuy nhiên, không phải lúc nào đi săn cũng mang được chuột về, có những đêm thanh niên trai làng đi đến sáng mà không bắt được con nào”, anh A Nhoai (ngụ xã Măng Ri) cho biết.

Chế biến cầu kỳ

Chuột bắt về, người dân không đem bán mà giữ để ăn. Họ loại bỏ lông, làm sạch ruột và đem treo ở gác bếp cho khô quắt để không bị thối. Mỗi khi có khách quý đến nhà, người dân lại lấy thịt chuột gác bếp xuống, đập cho rơi hết bồ hóng (bụi than), sau đó rửa sạch, rồi đem lên bếp nướng.

Sau đó đem xuống ăn ngay lúc nóng, kèm theo chung rượu là mê ly. Ngoài ra, chuột gác bếp cũng đem chiên giòn. Thịt chuột khi chiên xong thơm lừng mùi hương của sả, của tiêu, ăn vừa beo béo, lại giòn giòn. 

Sở dĩ món ăn ngon như vậy là do đây là chuột núi, lại ăn những hạt sâm quý bổ. Chuột ăn hạt sâm với vị thịt ngọt, thơm lừng vị tiêu rừng khiến ai ai cũng không thể cưỡng nổi. Những thứ quý giá nhất, hơi hướng núi rừng đọng lại trong từng thớ thịt đã tạo nên một món ăn tuyệt vời, mà không phải có tiền là có thể thưởng thức.

“Chuột sống ở cây rừng, môi trường rất sạch, lại ăn toàn sâm quý nên thịt rất thơm và bổ dưỡng. Đây là món khoái khẩu từ lâu đời của người dân ở núi Ngọc Linh. Khách nào quý lắm, chủ nhà mới tiếp bằng món chuột hong khô trên gác bếp. Đây là món hiếm nên người có tiền chưa chắc đã mua được”, anh Nhoai cho biết.

Hiện nay, cách diệt chuột của người dân nơi đây hoàn toàn bằng thủ công, không có hiện tượng dùng thuốc để bẫy. Theo người dân, dùng thuốc sẽ gây hại đến núi rừng. Người dân chấp nhận thức trắng đêm, chia nhau canh giữ, lùng sục loài chuột tinh khôn này để bảo vệ vườn sâm.

(Còn nữa) 

Đọc thêm