Sử dụng Mobile Money để hết lo Sars-Covi2 lây lan qua tiền giấy

(PLVN) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người về nguy cơ lây nhiễm virus corona từ tiền mặt, khuyên nên chuyển sang các dạng thức thanh toán phi tiền mặt nếu có thể. Một giải pháp được nhắc tới đó là Mobile Money, một dạng ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng.
Mobile Money bản chất là ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng
Mobile Money bản chất là ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng

Mobile Money là gì? 

Mobile Money (tiền điện tử trên thuê bao di động) ra đời năm 2001, Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà khai thác di động (GSMA), hiện có 92 quốc gia đã và đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 844 triệu tài khoản được đăng ký, giao dịch trung bình hơn 1,3 tỷ USD/ngày. 

Tiền di động đang ngày càng tăng trưởng nhanh và trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Mobile Money do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Người dùng dịch vụ tiền di động, có khả năng chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động.

Với cú pháp đơn giản, không đòi hỏi người dùng phải có hiểu biết về Internet và các ứng dụng trên smart phone, Mobile Money sẽ giúp người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể tham gia vào nền kinh tế số. Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số nhận tiền mặt, một hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện, cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa. Mobile Money giúp người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn. Nông dân cũng nhờ đó mà bán được giá cao.

Mobile Money sẽ là một cú hích cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam
Mobile Money sẽ là một cú hích cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam 

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây sẽ là giải pháp để người nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của nước ta tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội. Dịch vụ này cho phép những người không có tài khoản ngân hàng gửi, rút, chuyển tiền bằng điện thoại của mình và thanh toán các hóa đơn, mua hàng hóa tại cửa hàng.

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng về tài chính của Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, đánh giá cao triển vọng của Mobile Money tại Việt Nam khi mô hình này có thể đưa các sản phẩm và dịch vụ tài chính về nông thôn nhờ khả năng phủ sóng của các nhà mạng, chứ không bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng thanh toán thường hiện diện tại các tỉnh thành lớn của các ngân hàng. Mobile Money cũng làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ.

Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Tiền di động (Mobile Money), nhằm thúc đẩy  thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Kênh giao dịch thanh toán thuận tiện

 Theo thống kê, hơn 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Vì vậy, Mobile Money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện. Để thúc đẩy kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị cho thí điểm Mobile Money trong quý I/2020, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, rất cần các giao dịch không tiếp xúc.

Theo các chuyên gia, nếu Chính phủ cho phép sử dụng Mobile Money để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người tham gia sẽ rất lớn. Từ những hàng hóa như cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm, cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng,... người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán. Có thể nói, bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó sẽ tiết kiệm được đáng kể các chi phí và thời gian.
Hơn nữa, điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là với vùng sâu vùng xa. Đa phần người nông dân hiện bán nông sản vẫn dùng thanh toán tiền mặt và họ cũng không thể bán hàng cho những người ở xa.

Mobile Money giúp người ở nông thôn, miền núi, có thể bán một nải chuối ở vườn của mình cho mọi khách hàng trên toàn quốc, với giá tốt nhất. Nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống, sẽ được tiếp cận các dịch vụ mang tính đổi đời trên nền tảng Internet. Mobile Money cũng sẽ làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ.

Đó sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. Vì thế, có thể kỳ vọng Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các start-up Việt Nam, giúp tăng trưởng kinh tế. Đối với các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới phủ sóng rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ.

Do vậy, có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đến thời điểm này, các nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money, chỉ sau một đêm, 100% thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.

Phát triển thanh toán qua di động sẽ là một cú hích cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money hoạt động đều tạo ra tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, Việt Nam cần nhận diện một số rủi ro, thách thức để có cơ chế, chính sách phù hợp khi triển khai Mobile Money. Chẳng hạn, việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng do các doanh nghiệp viễn thông tự thiết lập phải đảm bảo độ chính xác cao, đặc biệt trong tình trạng SIM rác vẫn còn khá phổ biến.

Bởi, từ đó sẽ dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile Money, thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận, giao dịch bất hợp pháp. Bên cạnh đó là rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền; rủi ro trong trường hợp các khách hàng không đủ khả năng chi trả.

Đọc thêm