Sự khác biệt trong hệ thống án lệ Việt Nam (kỳ 3)

(PLVN) - Mặc dù đã có lịch sử cả ngàn năm trong hệ thống luật pháp trên thế giới, tuy nhiên, đối với Việt Nam án lệ vẫn là một lĩnh vực pháp luật khá mới mẻ. Việc hình thành và áp dụng án lệ tại Việt Nam vào thực tế xét xử cũng có sự khác biệt so với thế giới.
Sự khác biệt trong hệ thống án lệ Việt Nam (kỳ 3)

Án lệ (tiền lệ pháp) xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Án lệ giúp bù đắp những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Bởi vậy mà án lệ trở thành một nguồn luật chính thức và có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia. 

Các nghiên cứu cho rằng, án lệ xuất hiện tại nước ta từ thời kỳ Pháp thuộc và được tồn tại, phát triển tuy nhiên từ sau năm 1975 đến trước năm 2006, khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức trong các sách, báo pháp lý mà chỉ được bàn luận mang tính chất nghiên cứu học thuật. 

Dấu son sự phát triển trở lại của án lệ là Nghị quyết 49/NQ-TƯ về cải cách tư pháp (năm 2005), nhưng thực tế vào năm 2014, sau một khoảng thời gian dài nghiên cứu về án lệ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần đầu tiên công nhận khái niệm án lệ.

Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán - Tòa án Nhân dân Tối cao (năm 2015) chính thức hướng dẫn mục tiêu của án lệ, quy trình công bố và lựa chọn, cũng như phương thức hoạt động của án lệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc hình thành và vận dụng án lệ tại Việt Nam có nhiều khác biệt so với các nước theo hệ thống thông luật.

Theo các nhà nghiên cứu pháp luật, để mô hình án lệ kiểu mẫu như các quốc gia Anh, Mỹ... có thể diễn ra một cách đúng nghĩa, trơn tru thì hệ thống pháp luật của một quốc gia cần 3 yếu tố cực kỳ quan trọng bao gồm 3 yếu tố: tiền lệ phải được tuân thủ; thẩm quyền giải thích pháp luật của tòa án; sự độc lập chính trị của tòa án.

Ảnh một phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Ảnh một phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao 

Trong đó, nguyên tắc “tiền lệ phải được tuân thủ” đóng vai trò như thứ keo dính, kết nối các quyết định tư pháp lại với nhau. Các thẩm phán có trách nhiệm áp dụng các nguyên tắc pháp lý đã được áp dụng hoặc được sáng tạo trước đó bởi các thẩm phán khác. Nếu nguyên tắc này được duy trì sẽ giúp cho các quyết định tư pháp trong án lệ trở thành những nguyên tắc cần phải được cơ quan nhà nước, lẫn các đương sự phải tôn trọng nếu không muốn phải chịu các rủi ro pháp lý trước tòa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguyên tắc tiền lệ “phải được tuân thủ” chính là tính bắt buộc áp dụng án lệ không được công nhận. Tại Việt Nam, án lệ có giá trị thấp hơn các văn bản luật, nghị quyết, nghị định. Theo Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 thì: Khi áp dụng án lệ phải xem xét tính tương đồng trong tình huống đang xét xử và trong án lệ; Khi giải quyết buộc phải như nhau nếu áp dụng án lệ; Yêu cầu, tình tiết có tính pháp lý của các bên phải tương tự như trong án lệ.

Đáng chú ý, tại Việt Nam, tự bản thân tòa không có năng lực hình thành án lệ. Tòa án cấp cao chỉ có quyền tập hợp một số bản án mang tính điển hình và đề xuất từ các tòa cấp dưới. Thông qua quy trình tổng kết thực tiễn xét xử, tuyển chọn, tòa án sẽ tổ chức lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ. Sau đó, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đề xuất ý kiến lựa chọn án lệ. Cuối cùng là Hội đồng Thẩm phán biểu quyết thông qua.

Trên thực tế, các bản án của tòa Việt Nam không nhằm tạo ra án lệ. Mục tiêu chính của việc lựa chọn, hình thành và công bố án lệ tại Việt Nam là làm rõ những quy phạm pháp luật còn nhiều cách hiểu khác nhau, hay chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý và quy phạm pháp luật cần áp dụng trong trường hợp cụ thể.

Ví dụ, Án lệ số 01/2016/AL về vụ án “Giết người” có nội dung án lệ như sau: “Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Trước bản án lệ số 01, việc xác định tội danh, đồng thời chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng như các cơ quan tư pháp thường có quan điểm khác nhau khi xác định tội danh giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Từ đó dẫn đến việc xác định các tội danh chưa thực sự chính xác, thường có sự nhầm lẫn giữa hai tội danh này.

Án lệ số 01/2016/AL đã tạo điều kiện để các Tòa án có căn cứ phân biệt rạch ròi giữa hai tội danh “giết người” và “cố ý gây thương tích”. Về yếu tố liên quan đến nguyên tắc “giải thích pháp luật của án lệ”, tại Việt Nam, tòa án dù ở bất cứ trường hợp, hoàn cảnh nào đều không có thẩm quyền giải thích pháp luật.

Đây là thẩm quyền độc nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, được ghi nhận tại khoản 2, Điều 74 của Hiến pháp Việt Nam 2013, chỉ có cơ quan dân cử đại diện ban hành pháp luật mới có thẩm quyền giải thích ý định và ý nghĩa của văn bản quy phạm pháp luật. Các chuyên gia pháp lý nhận định, tính sáng tạo của các án lệ tại Việt Nam không tồn tại cũng bởi vì lý do này.

Bởi vai trò của các Thẩm phán Việt Nam luôn là vận dụng pháp luật, cố gắng để không áp dụng pháp luật sai. Trong khi hệ thống án lệ được hình thành thì chỉ cố gắng để áp dụng chúng một cách hợp lý và đồng nhất. Điều này hoàn toàn tương phản với cách mà các thẩm phán thông luật tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật và tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ xã hội. 

(Đón đọc kỳ cuối: Việc vận dụng án lệ hiện nay như thế nào?) 

Đọc thêm