Triết lý đời thường trong những trang thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyễn Thị Hồng Ngát là nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng Việt Nam, bên cạnh đó, bà còn là cây viết đa dạng, tài năng với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận. 
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Viết là nghiệp

Nguyễn Thị Hồng Ngát (Sn 1950, tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ở thơ, Nguyễn Thị Hồng Ngát hiện diện là một thi sĩ dịu dàng, đằm thắm, nhưng cũng rất triết lý, triết lý rất đời thường, như trong tập thơ “Những con sóng” mới xuất bản năm 2021.

Tập thơ “Những con sóng” gồm 76 bài thơ, được chia làm 2 phần, phần I: Gần gũi; phần 2: Xa cách. Ở phần Xa cách, Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm sự: “Những bài thơ trong phần này được viết 40 năm trước (1981 – 1982) tại thành phố Ki-ep (U-crai-na). Tác giả giữ riêng cho mình chưa gửi in ở đâu, nay in ở phần II của tập này như một nén hương muộn mằn để nhớ đến một người đã đi xa gần 20 năm nay”. 

Tác giả đưa người đọc đến những địa điểm Trường Sơn, Mường Khương, Quảng Trị, Lào, Tây Nguyên, Phố Hiến, Hà Nội, Tuy Hòa, Ucraina,  Nha Trang... Trong tập thơ, có một bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Thị Hồng Ngát viết đa dạng chủ đề trong tập thơ: tình yêu, tình gia đình, tình mẹ con, tình yêu đất nước, chiến tranh... Nhưng vẫn một giọng: đằm thắm, nữ tính, triết lý.

“Những con sóng” là tên tập thơ, nhưng những con sóng này lại bình lặng, dù nhiều bài thơ, nhiều câu thơ, tác giả cố “lên cao giọng” gân guốc, nhưng nó vẫn cứ bình lặng, dịu dàng. Trong bóng dáng Nguyễn Thị Hồng Ngát ở tập này, ta thấy ẩn hiện nhiều bóng nữ sĩ Việt Nam đã thành danh, đã thành thiên cổ. Giọng thơ vẫn mạch cũ, nhưng cuốn hút, gây xúc cảm mạnh cho người đọc.

Tác giả đã tự chất vấn mình ở nhiều bài thơ, như trong bài “Tôi ngồi viết”: “Tôi ngồi viết/ Khi trời nổi giông/ Gió giật đùng đùng”, “Tôi là tội đồ của chính mình/ Ôm đồm - ảo vọng/ Thích buộc dây vào mình rồi cứ thế lăn đi/ Nghiệp rồi than làm chi”. Tác giả thấy mình có cái sai gì đó với chính mình, có lẽ, trong cuộc đời con người, chúng ta thấy mình có lỗi với nhiều người, nhưng ở Nguyễn Thị Hồng Ngát, bà còn thấy có lỗi với chính mình, đây có thể được coi là một sự nhận diện về bản thể quyết liệt nhất. 

Là phụ nữ, nhưng cứ “ôm đồm - ảo vọng”, buộc vào mình rồi trôi lăn theo dòng đời đầy mưu toan, lo sợ. Dòng đời với bà đó là “dòng viết”, nên bà tự trấn an mình, đó là nghiệp, không có gì phải oán trách, than làm chi. Để rồi, với suy nghĩ, suy tư đó, nên tác giả mới có thể: “Dầu tóc bạc tuổi pha sương dầu dãi/ Bao thiệt hơn được mất cũng qua rồi/ Phút lắng lại lòng ta yên ắng quá/Tiếng chim kêu cũng thảng thốt bầu trời” (Ở nhà thời Covid).

Tập thơ “Những con sóng”.
 Tập thơ “Những con sóng”.

Như chúng ta đã biết một Nguyễn Thị Hồng Ngát nổi tiếng trong biên kịch, và những chức vụ bà đảm nhiệm. Nhưng dường như, tâm hồn thơ nặng hơn trong tâm hồn bà. Và có lẽ, thơ mới là cứu cánh cho Nguyễn Thị Hồng Ngát. Trong một lần trả lời báo chí, Nguyễn Thị Hồng Ngát nói: “Thơ mình viết từ hồi mười tám đôi mươi, viết thơ như một nhu cầu diễn tả đời sống nội tâm của mình, với những tình cảm tình yêu đầu đời thơ mộng. Một thời khốn khó nhưng cháy bỏng, đẹp lắm, đáng sống lắm! Yêu cũng da diết và ham sống mãnh liệt, mình viết khá nhiều những năm tháng đó và gửi gắm tiếng lòng mình một cách trọn vẹn, đủ đầy. 

Những tập thơ từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, như “Trái cam vàng” (1973), “Thơm hương mái tóc” (1982), “Nhớ và khát” (1984), “Ngôi nhà sau cơn bão” (1990), “Thơ tình chọn lọc” (1996)... là những dấu mốc quan trọng trong đời mình, tất cả mọi điều trong đời sống tâm tư của mình, mình gửi vào thơ cả. Còn với điện ảnh, mình viết kịch bản như mang nợ, nó gói ghém bao nhiêu trăn trở với cuộc đời. Những mảng hiện thực muôn màu được khai thác hết và điện ảnh đã thu nạp hiện thực một cách trực diện và đầy đủ”.

Không bao giờ chấp nhận mình cằn cỗi

“Những con sóng” với hai phần rõ rệt, những giọng thơ ở hai phần không khác. Ở phần II, chủ yếu tác giả viết với tâm trạng nhớ quê hương, đất nước khi ở xứ xa – xứ tuyết, với giọng ngọt ngào, và ít triết lý hơn. Nhưng ở phần I, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nói nhiều về cuộc sống, cách cảm, cách nghĩ về được mất, hơn thua. Một cách nhìn rất Đạo Phật: “Tàn tron trong phút chốc/ Oai – chẳng để làm gì/ Dẫu đỉnh cao danh vọng/Giàu nghèo rồi cũng đi” (Ghi ở nhà tang lễ”.

Nhưng không vì thế mà thơ bà đơn điệu, vẫn còn đó những câu thơ tếu táo, bên cạnh cái thâm trầm: “Chẳng biết từ khi nào tôi làm thơ/ Rồi lại thêm nghề viết kịch”, “Cuối đời ngồi tổng kết/ Thấy vai nào cũng vui/ Nhưng vui nhất có lẽ là – Tôi/ Tung tẩy theo chú hề đi chợ”. Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát rưng rưng, thương yêu và trân trọng những con chữ chứa đầy những xúc cảm chân thật của người viết. 

Cũng như, đánh giá một phần về sự nghiệp viết và công việc của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Thị Trường khái quát: “Nguyễn Thị Hồng Ngát đi lên những chức vụ như thế từ một tác giả, nhà biên kịch, rồi Trưởng phòng biên kịch, rồi Giám đốc xưởng phim Thanh thiếu nhi, thuộc Hãng phim truyện Việt Nam… Ngoài ra chị còn từng tham gia Ban Chấp hành Hội Văn học Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội… Sau khi nghỉ hưu, chị là một thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia rồi Giám đốc Hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam (HODAFILM) và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam liên tiếp hai khóa liền (2010- 2020). Ở cương vị nào chị cũng làm việc hết mình, say mê như chị từng và mãi say mê sáng tác thơ, sáng tác kịch bản điện ảnh và sân khấu vậy”.

Một Nguyễn Thị Hồng Ngát có thể nói là thành công trong cả nghiệp viết và công việc, một thi sĩ được cho là rất cá tính, đã dịu dàng trong thơ, đã êm đềm trong thơ, dù đó là “những con sóng”. Nhận xét về tài thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ Hữu Việt nhận định: “Những câu thơ trữ tình đầy nữ tính, nồng nàn, đa đoan, đắm đuối quên mình. Thơ của chị lập tứ kỹ, không chau chuốt câu chữ, mà để cảm xúc thành thực cuốn đi ào ạt như sóng, lai láng như biển...”.

“Những con sóng” là tập thơ với nhiều bài thơ, câu thơ dung dị về đời sống. Chúng ta có thể phải sống chậm lại khi đọc những câu này: “Một đời người cầm bút/ Gửi lại cùng xa xăm” (Sách); “Ngắm mãi càng thấy yêu cây mai già/ Không bao giờ chấp nhận mình/ Cằn cỗi” (Nhất chi mai); “Con gái lấy chồng mẹ đã xa con một chặng/ Con sinh sống ở xa mẹ lại xa con thêm chặng nữa”, “Con gái yêu bây giờ là khách” (Viết cho con gái út); “Đời dài hay là ngắn/ Cũng chẳng quan trọng gì/ Hạnh phúc hay đau khổ/ Vào ai nấy chịu thôi/ Đau bầm gan tím ruột/ Âu cũng là số trời/ Chẳng cho ta như nguyện/ Thì cũng phải đành thôi”, “Hãy bình tĩnh chấp nhận/ Quả thối rơi trúng đầu/ Gắng nhé, đừng quỵ ngã/ Đời có còn dài đâu” (Hỏi và đáp).

Trong tập thơ, người đọc còn bắt gặp là hình ảnh thời chiến xót xa: “Ơi những khu rừng trên dãy Trường Sơn/ Nơi tôi đến giữa những năm tuổi trẻ/ Giữa những năm đạn bom khói lửa/ Và đâu hay tôi có một mối tình”, “Một mối tình trong năm tháng chiến tranh/ Giữa khốc liệt vẫn mang nhiều thơ mộng/ Anh bộ đội áo sạm đen khói súng/ Và cô văn công đứng hát trước bom thù” (Rừng ơi). Ở thơ, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã có đóng góp cho nền thơ ca nước nhà, đó là góp một giọng thơ nữ thiết tha, yêu đời, yêu cuộc sống. Cũng như nữ sĩ Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Ngát xứng đáng được ca ngợi trong thi ca. 

Đọc thêm