Luật quy định không rõ ràng, tranh chấp trong hộ gia đình
Vào năm 1993 - 1994, sau khi tập đoàn sản xuất tan rã, Nhà nước cấp cho gia đình anh Tư Râu (huyện Gò Quao – Kiên Giang) 02ha đất. Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thể hiện cấp cho hộ ông, bà… do cha anh Tư đứng tên. Những năm sau đó, các anh em Tư Râu ai nấy đều có gia đình ra ở riêng, không còn chung Sổ hộ khẩu với cha mẹ nữa. Năm 2013 cha anh Tư Râu qua đời, mấy mẹ con đem chuyện phân chia đất đai ra bàn bạc và đa số đều đi đến thống nhất chia đều cho mỗi người một phần bằng nhau, duy chỉ có người em út đang còn ở chung với mẹ thì cho rằng: “Anh, chị không có tên trong Sổ hộ khẩu gia đình thì không có QSDĐ”?
Trường hợp của chị Hoa (thành phố Rạch Giá – Kiên Giang) cũng tương tự. Năm 1988 chị Hoa về làm dâu nhà ông Hưng, gia đình khi ấy chỉ có 04 người. Sáu năm sau, anh chị có thêm hai cháu nên thành viên lúc này đã là 06 người, bao gồm: Cha mẹ chồng, vợ chồng chị Hoa và hai con. Năm 1995 gia đình chị Hoa được Nhà nước giao 2,5ha đất, do cha chồng chị Hoa đứng tên QSDĐ. Trên Giấy chứng nhận, cấp cho ông, bà; đơn xin cấp Giấy chứng nhận lại có một dòng ghi số nhân khẩu là 06 người, nên 20 năm sau mới xảy ra tranh chấp. Người thì bảo đất là của cá nhân ông bà, người thì cho rằng đất là của hộ gia đình?
Về vấn đề này, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho biết: Pháp luật đất đai dần hoàn thiện hộ gia đình sử dụng đất
Từ khi Luật Đất đai đầu tiên ra đời vào năm 1987, “hộ nông dân” là một trong những đối tượng được Nhà nước giao đất. Đến Luật Đất đai năm 1993, quy định này rõ hơn: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài” (Điều 20). Mười năm sau, Luật Đất đai năm 2003 cụ thể hơn: “Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận QSDĐ, nhận chuyển quyền sử dụng đất” (Khoản 2 Điều 9).
Theo quy định của Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 1995: “Những hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, là chủ thể trong các quan hệ dân sự đó”. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, pháp luật về đất đai cũng như pháp luật về dân sự trước đây không xác định thành viên hộ gia đình dựa vào Sổ hộ khẩu hay quan hệ huyết thống nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ, giao dịch. Do vậy, đa số các cơ quan, tổ chức đều hướng dẫn cho các đương sự khi không xác định được thành viên hộ gia đình, thì làm đơn đề nghị Văn phòng đăng ký QSDĐ căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để xác định thành viên hộ gia đình vào thời điểm cấp đất cho hộ gia đình.
Về trường hợp gia đình anh Tư Râu, xác định thành viên hộ gia đình vào thời điểm Nhà nước cấp đất chứ không phải vào thời điểm hiện tại, nên mặc dù có người đã cắt khẩu chuyển đi nơi khác nhưng họ vẫn còn chung QSDĐ với gia đình. Còn đối với trường hợp gia đình chị Hoa, việc xác định đất cấp cho hộ gia đình hay cá nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Trên Giấy chứng nhận QSDĐ “Hộ ông, bà” hay “Ông, bà” và các giấy tờ còn lưu tại hồ sơ cấp đất, Sổ hộ khẩu gia đình tại thời điểm cấp đất…
Để khắc phục những khiếm khuyết trước đây, tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận vẫn chỉ ghi họ tên, năm sinh của chủ hộ gia đình; nếu chủ hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có QSDĐ chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó; còn các thành viên khác trong hộ gia đình thì không được đề cập đến. Vậy nên, khi thực hiện các giao dịch về QSDĐ của hộ gia đình tuy có thuận lợi hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com