Xác định nhóm lao động nghỉ hưu ở tuổi cao: Làm gì để không bỏ phí nhân lực chất lượng?

(PLVN) - Từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực với điểm mới về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu từ năm 2021.
Cần thay đổi tư duy để nguồn nhân lực lao động nữ chất lượng cao không bị lãng phí. (ảnh minh họa)

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về tuổi hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Xung quanh dự thảo này, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, trong đó đáng lưu ý là việc kéo dài tuổi hưu với nữ không nên chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức mà cần hướng tới người lao động có trình độ, chuyên môn cao.

Nhóm chức vụ, chức danh được nghỉ hưu ở tuổi cao

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) sẽ là cơ sở cho việc quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu trong pháp luật về bảo hiểm xã hội. Dự thảo Nghị định quy định về tuổi hưu và điều kiện hưởng lương hưu sẽ hướng dẫn thực hiện quy định chi tiết Điều 169 BLLĐ năm 2019 về tuổi nghỉ hưu.

Theo nội dung Điều 169 thì việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ bắt đầu từ năm 2021 với lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. 

Về cơ bản, ở nội dung quy định về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, dự thảo Nghị định quy định về tuổi hưu và điều kiện hưởng lương hưu vẫn kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về tuổi hưu cao hơn đối với cán bộ, công chức, giữ nguyên các đối tượng thuộc diện được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn bao gồm cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh bao gồm: Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ...; và những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm và thực hiện cùng với lộ trình bắt đầu tăng từ năm 2021. Tuổi nghỉ hưu cao hơn không vượt quá 67 tuổi đối với nam vào năm 2028 và không vượt quá 65 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Đặc biệt, việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện: Khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về Đảng, chính quyền.

Còn nhiều băn khoăn

Một trong những lý do để BLLĐ năm 2019 có điều luật quy định về tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ là vì thực trạng tuổi nghỉ hưu như hiện nay, chúng ta đang lãng phí một lực lượng nguồn nhân lực rất quan trọng, trong khi thực tế đây là những người có chuyên môn, trình độ quản lý và tay nghề cao.

Nghị quyết số 28/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những giải pháp và mục tiêu hết sức quan trọng, đó là huy động và phát huy nguồn lực lao động đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đã hưởng lương hưu tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì lẽ đó, tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng.

Trong thực tế, nếu không quy định thì đến tuổi nghỉ hưu, người lao động tuy nghỉ ở cơ quan đang công tác, nhưng không hề nghỉ làm việc, mà thay vào đó họ vẫn tiếp tục công việc ở một mô hình mới. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những nguồn nhân lực này làm động lực để phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội?

Câu hỏi này đã được ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt ra trong một lần trao đổi với truyền thông về chủ đề “Ngành, nghề nào cần tăng tuổi nghỉ hưu?”. Ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra ví dụ một bác sỹ rất giỏi khi nghỉ hưu họ vẫn làm việc ở các bệnh viện tư, vẫn mở phòng khám và lương của họ rất cao…

Như vậy, có thể hiểu việc tăng tuổi nghỉ hưu nói chung và đối với nhóm đối tượng lao động nữ thuộc diện được nghỉ hưu ở tuổi cao rất cần “phủ sóng” tới người lao động nói chung chứ không chỉ khu biệt trong khái niệm “cán bộ, công chức”. Vấn đề này cũng đã được đề cập tới tại hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tổ chức.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết, Hội LHPNVN đã nhiều lần tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, tại BLLĐ, Hội quan tâm đặc biệt tới hai nhóm lao động: Thứ nhất là người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và nhóm thứ 2 là người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Về đối tượng lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, theo quan điểm của Hội LHPNVN, cần làm rõ các cụm từ “trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt” trong khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 để có thể phiên chiếu các đối tượng cụ thể.

Còn về đối tượng, dự thảo Nghị định quy định về tuổi hưu và điều kiện hưởng lương hưu kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định tuổi cao hơn đối với nữ cán bộ, công chức có chức danh cụ thể (bao gồm Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước…) và đối tượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

“Như vậy mới chỉ hướng tới đối tượng cán bộ, công chức thì liệu đã đúng tinh thần của BLLĐ là “người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt” không?” – bà Bùi Thị Hòa đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng với lao động có trình độ, chuyên môn, Nghị định hướng dẫn cũng cần “tháo ra” để những phụ nữ có năng lực, trình độ mà không phải thuộc nhóm nữ cán bộ, công chức có chức danh cụ thể được tiếp tục cống hiến theo nguyện vọng. Bởi có như vậy, mới tận dụng được hết những nguồn nhân lực này làm động lực để phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Về lộ trình, Hội LHPNVN đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xác định mốc tuổi xuất phát để tính lộ trình cho các nhóm lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Dự thảo quy định mốc tuổi tính từ năm 2021 đối với nhóm lao động trong điều kiện bình thường nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi và nhóm lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp nữ 50 tuổi, nam là 55 tuổi, tuy nhiên đối với lao động có thể nghỉ hưu tuổi cao hơn lại tính theo mốc nghỉ hưu của tuổi nghỉ hưu theo điều kiện bình thường nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi.

Như vậy chưa phù hợp vì theo quy định hiện hành đến năm 2021 các đối tượng thuộc nhóm này tuổi nghỉ hưu nữ 60 và nam là 65, vì vậy điều chỉnh các đối tượng thuộc nhóm này bắt đầu từ nữ phải sinh năm 1961, nam sinh năm 1956.

“Theo BLLĐ, nữ có thể kéo dài đến 65 tuổi. Còn theo dự thảo Nghị định thì một số đối tượng nữ cán bộ, công chức có thể nâng tuổi nghỉ hưu đến 65 tuổi, trong khi đó các đối tượng nam cùng chức danh thì chỉ đến 62 tuổi. Vì vậy, đối với các chức danh này kéo dài nữ đến 62 bằng nam hay cả nam và nữ kéo dài đến 65 tuổi? Cần cân nhắc vấn đề này song hành với việc một số đối tượng cán bộ, công chức nam có thể kéo dài đến 67 tuổi” – bà Hòa đề xuất. 

Đọc thêm