Theo nhiều nghiên cứu và điều tra cho thấy, hơn 70% gái mại dâm đều có quá khứ không lành mạnh trong đó những người lúc bé bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn nhất. Từ góc nhìn tội phạm học cũng có thể thấy phần lớn những thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, khi còn nhỏ đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục
84,3% trẻ bị ảnh hưởng đến tương lai
Cách đây không lâu, truyền thông đã chia sẻ câu chuyện của anh Nguyễn Thành T. nhà ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh).Tới bây giờ, khi đã là ông bố của 2 đứa con và là một giám đốc đầy quyền lực ngoài xã hội nhưng khi nhớ về những ngày xa xưa, anh Nguyễn Thành T. vẫn còn sợ hãi.
Ngày ấy, nhà anh ở tận một miền quê nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi xa xôi. Cách nhà anh vài căn là nhà của một gã đàn ông độc thân mở tiệm tạp hóa chuyên cung cấp các loại thực phẩm cho cả xóm. "Không như bây giờ, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhận thức của cộng đồng và trẻ em cũng lớn hơn nhiều.
Thời điểm của anh cách đây hơn 30 năm về trước thì khái niệm xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xa xôi lắm. Cộng với điều kiện kinh tế của gã đàn ông kia, anh và rất nhiều cậu bé cùng trang lứa rất dễ dàng trở thành món đồ chơi trong tay gã.
Bây giờ có nhiều đêm anh gặp ác mộng khi nằm mơ thấy mình bị gã xâm hại như ngày nào. Quan trọng nhất, khi lớn lên, anh bị rối loạn về giới tính vì bị cảm giác quen với quan hệ đồng giới và rất khó khăn mới trở lại đúng bản chất con người mình" - anh T. chua xót cho biết.
Trường hợp của anh T. minh chứng cho nhận định trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài. Về mặt tinh thần, hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai (84,3%), trẻ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường (65,7%), trẻ khó hoà nhập với xã hội (55,7%).
Từ các tài liệu nhi khoa và tâm lý bệnh nhi cho thấy, trẻ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng tâm lý đến suốt cuộc đời. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại…).
Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Một phần do xấu hổ, một phần khác do bị kẻ lạm dụng đe dọa nên các em không dám thổ lộ cùng ai. Xâm hại tình dục còn có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Khi các em nam bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục.
Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng giới sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính luyến ái. Ngoài ra, những lệch lạc giới tính về sau này khi trưởng thành có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người.
Hơn thế, trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Vì những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ, chúng có thể lớn lên và tin rằng tình dục là cách duy nhất để thể hiện cảm xúc và sự an toàn.
Nghiêm trọng hơn, bị đối xử tồi tệ và bị xâm hại tình dục có thể trở thành hình mẫu trong cuộc sống của chúng. Nếu không được hỗ trợ và giúp đỡ để có thể hàn gắn từ sự xâm hại, những trẻ em bị xâm hại có thể trở thành những người đi xâm hại khi chúng lớn lên.
Khi tội phạm xâm hại tình dục có quá khứ là nạn nhân của xâm hại tình dục
Những nhận định này ở góc độ tâm lý cũng tương đồng với nghiên cứu về tội phạm học đối với thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ở Mỹ, nơi nghiên cứu về tội phạm học rất phát triển, có một học thuyết mang tên là “Học thuyết đóng băng”.
Theo đó, khi một đứa trẻ bị xâm hại tình dục thì những cảm xúc đến từ vụ xâm hại đó sẽ in dấu ấn mạnh mẽ (đóng băng) trong nhận thức của đứa trẻ. Và khi lớn lên, đứa trẻ sẽ có xu hướng lặp lại những gì mình đã trải qua với đối tượng tương tự mình ngày bé.
Vì thế, các chuyên gia tội phạm học của Mỹ đã đúc kết nhận định rằng, những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đều có quá khứ là nạn nhân của xâm hại tình dục. Khoảng 50% số người bị tù về tội hoạt động tình dục với trẻ em đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Nhiều người mắc chứng loạn dục trẻ em ở Mỹ khi được nghiên cứu cho biết, hồi nhỏ, mối quan hệ cha mẹ - con cái của họ đã bị tổn thương và/hoặc họ đã bị lạm dụng tình dục.
Chính vì thế việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục là rất quan trọng. Còn nhớ, năm 2015 từ tài liệu cảnh sát Pháp cung cấp đối tượng về đối tượng Larroque Olivier có hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em ở nhiều nước và có thể đang lẩn trốn tại Việt Nam, công an Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để xác minh, truy bắt đối tượng. Larroque Olivier đã bị bắt tại Bệnh viện Việt – Pháp trong vai trò là bác sĩ của bệnh viện này.
Sau sự việc, Chính phủ Pháp đã đề nghị phía Việt Nam lên danh sách và tìm kiếm những em nhỏ đã từng là nạn nhân lạm dụng tình dục của đối tượng Larroque Olivier để họ hỗ trợ tiền bồi thường và chữa trị tâm lý. Vì theo lý giải của phía Pháp, các nạn nhân cần được điều trị tâm lý để xóa mờ ký ức, đánh thức lòng trắc ẩn, lương tâm để khi lớn lên không trở thành tội phạm với hành vi phạm tội tương tự.
Bàn về cách làm thế nào để trẻ có thể vượt qua được những nỗi đau khi bị xâm hại này, bác sĩ tâm lý học Hoàng Cẩm Tú cũng cho rằng khi trẻ bị xâm hại tình dục cả thể xác lân tinh thần đều bị tổn thương. Đặc biệt là tinh thần. Vì vậy, gia đình, người thân và xã hội phải chung sức bảo vệ đứa trẻ, mang lại niềm tin cuộc sống cho trẻ.
Nhất là gia đình người thân, trước nhất khi vụ việc xâm hại đã xảy ra với trẻ, bố mẹ phải luôn ở bên chăm sóc động viên.Quan trọng không kém là cho trẻ một môi trường sống thật lành mạnh. Tuyệt đối không nhắc lại sự việc với trẻ. Tạo một cảm giác an toàn và được thương yêu cho trẻ ở bất cứ đâu, trường học hay ở nhà. Sau này khi trẻ trưởng thành cũng tuyệt nhiên không bao giờ nhắc lại quá khứ, phải gợi mở tương lai cho trẻ bị xâm hại, để cho đứa trẻ đó lấy lại niềm tin trong cuộc sống.
Những trải nghiệm đau đớn không đến từ thủ phạm
Chính vì những lý do trên đây nên mới có nhận định: “Xâm hại tình dục trẻ em – nạn nhân cũng sẽ là thủ phạm”. Thế nhưng, có một thực tế đang tồn tại rằng những rối loạn khủng khiếp nhất về mặt tâm lý đối với những nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em không đến từ hành vi kẻ thủ ác mà những rối loạn tâm lý lớn nhất của nạn nhân đến từ những ký ức về cách xã hội phản ứng đối với nạn nhân của xâm hại tình dục.
Vấn đề này đã được đề cập trong cuốn sách của tác giả Richard Ofshe và Ethan Watters trong quyển sách kinh điển: “Tạo ra những con quái vật - Những ký ức sai lầm, trị liệu tâm lý và chứng kích động tình dục” nói về cuộc tìm hiểu và phỏng vấn những người phụ nữ từng là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em.
Những ký ức nổi bật nhất được nhắc đến trong quyển sách đó là: những ký ức về bệnh viện, nơi thân thể họ bị khám xét và điều tra một cách hết sức gấp gáp, hệ trọng và đôi khi thô bạo bởi những nhân viên điều tra; cách cha mẹ liên tục bắt con cái tái hiện hành vi của kẻ thủ ác theo một cách diễn giải mà cha mẹ chấp nhận được mà không đếm xỉa/quan tâm đến thực tế, cùng hệ quả của việc liên tục phải tái hiện hành vi đấy đem lại cho tâm lý của trẻ.
Đến mức khiến trẻ em, trong nhiều trường hợp tội ác không thực sự xảy ra, cảm thấy rằng mình là nạn nhân thực sự. Hoặc nếu tội ác thực sự xảy ra, cảm thấy mình là nạn nhân của một tội ác ghê tởm và mãi mãi không thể phục hồi; cách những nhà tâm lý trị liệu cho trẻ -nạn nhân xâm hại tình dục.
Những người trị liệu tin tưởng rằng việc gợi nhớ liên tục, tái hiện liên tục đóng vai trò giải tỏa và hàn gắn những sang chấn tinh thần nên họ thường “ép” trẻ em phải liên tục “tái hiện lại” hành vi của việc bị hãm hiếp hoặc bị xâm hại cùng những ký ức kinh hoàng khác để giải tỏa cho trẻ. Những ký ức “sai lầm” luôn được đưa vào thông qua những “gợi ý” của trị liệu viên, khiến đứa trẻ trải nghiệm về việc bị xâm hại theo cách mà trị liệu viên hình dung/mong muốn….
Tương tự, Giáo sư, bác sĩ tâm lý Jo Woodiwiss (University of Huddersfield) cũng đã từng công bố trong quyển sách “Kiểm nghiệm những câu chuyện về xâm hại tình dục thời thơ ấu” cho thấy nhiều trường hợp nạn nhân gặp vấn đề tâm lý không hề có một chút kí ức nào về hành vi của kẻ thủ ác mà chỉ có những trải nghiệm đau đớn về việc họ đã bị gia đình, xã hội, trị liệu viên đối xử như thế nào giai đoạn hậu xâm hại.
Ở Việt Nam điều này cũng đã và đang diễn ra khi đứa trẻ 11 tuổi là nạn nhân của xâm hại tình dục không thể đến trường trước những lời trêu chọc của bạn bè: “Mày là đồ bị hiếp dâm”, khi những nữ sinh nhỏ tuổi của vụ án thầy hiệu trưởng mua dâm ở H.G phải kể đi kể lại tới 11 lần về những ký ức của mình với cơ quan điều tra, hội phụ nữ, hội cha mẹ học sinh…
Khi ký ức không được giúp đỡ để xóa mờ, tâm hồn tổn thương không được nâng niu gượng nhẹ để vực dậy, thì điều gì đến ắt sẽ đến…