Xây dựng chức danh Hộ tịch viên: Đừng bỏ rơi cán bộ tư pháp cấp xã!

Hôm qua (25/4), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban, Ban soạn thảo Dự án Luật Hộ tịch đã có cuộc họp lần thứ 3 để góp ý cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật. Một trong những nội dung được nhiều thành viên quan tâm là việc xây dựng chức danh Hộ tịch viên.

Hôm qua (25/4), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban, Ban soạn thảo Dự án Luật Hộ tịch đã có cuộc họp lần thứ 3 để góp ý cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật. Một trong những nội dung được nhiều thành viên quan tâm là việc xây dựng chức danh Hộ tịch viên.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì cuộc họp.

Tách hộ tịch khỏi tư pháp để chuyên nghiệp hóa

Đại diện Tổ biên tập cho biết: Hiện tại ở các xã, phường, thị trấn trong cả nước đều có ít nhất một công chức Tư pháp – Hộ tịch. Bên cạnh việc giúp UBND cấp xã thực hiện việc quản lý và đăng ký hộ tịch ở địa phương, công chức Tư pháp – Hộ tịch còn phải đảm nhiệm rất nhiều công việc tư pháp khác.

Trước đây, xuất phát từ chủ trương công chức hóa một số vị trí công tác ở chính quyền cấp cơ sở, Nhà nước ta đã quy định chức danh cán bộ Tư pháp – Hộ tịch là một trong bốn chức danh chuyên môn, không thay đổi theo nhiệm kỳ nhằm bảo đảm sự ổn định của công tác này.

Việc ra đời chức danh cán bộ Tư pháp – Hộ tịch là trên cơ sở lồng ghép công tác tư pháp với công tác hộ tịch để chung nhau một định suất lương. Trên thực tế, tính chất chuyên môn của công tác hộ tịch và các công tác tư pháp khác (công tác văn bản, tuyên truyền pháp luật, hòa giải…) là rất khác nhau. Trong khi các công tác tư pháp khác mang tính chất “hành chính trật tự” của chính quyền thì công tác hộ tịch đòi hỏi sự ổn định chuyên môn rất cao.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch lại thường xuyên biến động, thay đổi theo nhiệm kỳ của HĐND và UBND, khiến cho việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch mất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, do ghép chung hai loại nhiệm vụ tư pháp và hộ tịch trong cùng một chức danh nên việc kết hợp hai loại nhiệm vụ này đang rất vướng mắc. Đây chính là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.

Để khắc phục tình trạng trên, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã không quá 21 người đối với xã, phường, thị trấn loại 3 và không quá 25 người đối với xã, phường, thị trấn loại 1. Số công chức được bố trí phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ, ưu tiên bố trí thêm cho các chức danh Tư pháp – Hộ tịch.

Qua khảo sát tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn quốc hiện nay, phần lớn các xã, phường, thị trấn đã được bố trí 2 biên chế làm công tác tư pháp hộc tịch hoặc 1 cán bộ Tư pháp – Hộ tịch và một cán bộ hợp đồng. Căn cứ vào tình hình thực tế đó, Dự thảo Luật Hộ tịch quy định về chức danh Hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác, theo hướng chuyên nghiệp hóa chức danh Hộ tịch viên để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch.

Quy định không “khéo” sẽ bỏ rơi cán bộ cơ sở

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Phạm Xuân Phương tán thành với quy định của Dự thảo Luật là chức danh Hộ tịch viên cần được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ như các chức danh tư pháp khác (công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên…), có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần kế thừa Nghị định số 158/2005/NĐ-CP cả về chính sách đãi ngộ đối với họ. Ông Phương phân tích, nếu áp dụng ngay lập tức chức danh Hộ tịch viên thì chắc chắn 11 nghìn cán bộ Tư pháp – Hộ tịch hiện nay sẽ không được bổ nhiệm là Hộ tịch viên vì nhiều người trong số họ chưa tốt nghiệp trung cấp luật.

“Nếu chúng ta quy định cứng, vô tình sẽ “bỏ rơi” họ mà lại khiến thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch. Khi ấy, 1 Hộ tịch viên sẽ phải phụ trách 4 – 5 xã thì như thế nào, quản lý con dấu ra sao…” – ông Phương băn khoăn. Vì vậy, ông đề nghị phải có giải pháp kế thừa để sử dụng được họ như mở các lớp đào tạo trung cấp luật để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, tiến tới thay thế dần trong thời gian 5 năm sau.

Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh 5 việc Hộ tịch viên không được làm, bao gồm: cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khi đăng ký hộ tịch; nhận hối lộ; tự đặt ra những thủ tục, giấy tờ, khoản thu trái pháp luật khi đăng ký hộ tịch; làm sai lệch nội dung đã đăng ký trong Sổ bộ hộ tịch hoặc các loại sổ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân...; cấp Sổ hộ tịch cá nhân... trái pháp luật.

Đại diện Phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng quy định trên chưa đủ, cần bổ sung quy định về việc Hộ tịch viên không được tự thực hiện đăng ký hộ tịch cho bản thân và đối với các trường hợp có liên quan đến người thân thích như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột. Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đồng tình phải nghiên cứu bổ sung những điều cấm đối với cán bộ hộ tịch, nhất là những chế tài có tính chất phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm trong đăng ký hộ tịch.

Thục Quyên

Đọc thêm