Công trình đầu tiên xài đô la Mỹ
Vào năm 1976, thời điểm miền Nam còn xơ xác sau ngày thống nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh phía Nam để quán triệt tư tưởng “Thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phục hưng đất nước” và phát động phong trào “Toàn dân toàn quân ra quân làm thủy lợi”. Tại hội nghị này, ba công trình ở miền Đông Nam bộ được phép “vừa khảo sát thiết kế vừa thi công” là Dầu Tiếng, Trị An và Cây Chanh.
Một năm sau đó, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, các công việc đầu tiên đã được tiến hành. Đầu năm 1977, đoàn công tác của Bộ Thủy lợi lúc bấy giờ được thành lập, hàng trăm kỹ sư, công nhân được điều vào Tây Ninh. Việc đào kênh, các tuyến đập phụ cũng được tiến hành với số lượng dân công, bộ đội lên đến hàng vạn người. Bảy cán bộ đã vĩnh viễn nằm lại bên lòng hồ vì dẫm phải mìn do chiến tranh để lại.
Ngày 29/4/1981, tại ấp Thuận Bình (xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cố Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã động thổ khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng. Sau buổi lễ tràn ngập khí thế háo hức, với ý chí quyết tâm, hàng trăm ngàn người đã được huy động để thực hiện các hạng mục để cho ra đời hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á sau này.
Truông Mít thời điểm đó được xem là xã nghèo đói nhất của tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân là bởi tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Một năm ở đây có đến sáu tháng mùa khô, đất đai không có nước trở khô cứng, không thể canh tác nông nghiệp. Vì vậy, khi công trình hồ Dầu Tiếng được triển khai, đông đảo người dân địa phương ai cũng phấn khởi, lòng tràn đầy hi vọng về một ngày mai quê hương có nước.
Diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng lên đến 270 km2. |
Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp công sức tham gia xây dựng công trình, người dân địa phương nhường nương rẫy, di dời nhà đến vùng đất mới, dành chỗ cho vùng tích nước. Năm 1982, hàng ngàn hộ dân của xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu đồng lòng hiến đất đai nương rẫy, để lòng hồ có diện tích tích nước đến 270 km2 như bây giờ.
Để xây dựng một công trình vĩ đại như vậy còn phải có khối lượng lớn trang thiết bị, phương tiện, máy móc và nguyên vật liệu. Vậy tiền ở đâu để đầu tư xây dựng khi đất nước còn muôn vàn khó khăn?. Câu trả lời là nguồn vốn khổng lồ ấy có từ khoản vay ưu đãi hơn 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Đó cũng được cho là lần đầu tiên Nhà nước ta vay được tiền của Ngân hàng Thế giới, hồ Dầu Tiếng là công trình đầu tiên của cả nước xài đô la Mỹ.
Mặc dù để thực hiện công trình, cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, từ Bộ Chính trị đến các lãnh đạo cấp cao nhất, trong đó Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ trực tiếp đàm phán với Ngân hàng Thế giới. Nhưng kết quả đạt được không khỏi khiến nhiều người bất ngờ, bởi ở những năm đầu sau giải phóng, đất nước còn trong tình trạng bị cấm vận, trong khi chủ tịch Ngân hàng Thế giới lúc đó là ông Robert Strange McNamara (1916 –2009). Trước đó, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và được coi như “kiến trúc sư trưởng” của chiến tranh Việt Nam.
15 triệu ngày công xây dựng hồ
Từ giữa năm 1975, dọc biên giới Tây Ninh với Campuchia, Khmer đỏ liên tục quấy phá, giết hại dân thường. Lúc này lực lượng thanh niên xung phong ở Tây Ninh vừa tham gia làm công trình hồ Dầu Tiếng, một phần phải lên biên giới, phục vụ chiến đấu chống quân Khmer đỏ. Trong khi việc sản xuất của địa phương đã khó khăn vì thời tiết, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, càng bất lợi cho việc thi công hồ Dầu Tiếng.
Những người thực hiện công trình đối mặt với rất nhiều gian nan, bởi thời điểm đó Dầu Tiếng là khu vực hoang vu với rừng rậm, nhiều nơi xa xôi cách trở và thời tiết khắc nghiệt với nắng cháy khô cằn. Việc sinh hoạt, ăn uống của cán bộ kỹ sư, bộ đội và dân công hết sức khắc khổ, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Thế nhưng rào cản lớn nhất thời điểm đó chính là nhận thức, niềm tin của con người.
Ngay từ những ngày đầu tiên khi được thai nghén và thực hiện các công đoạn bước đầu trên thực địa, dự án công trình hồ Dầu Tiếng đối mặt với câu hỏi liệu dự án có thể thành công?. Thậm chí sau ngày cố Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát chính thức khởi công, nhiều người còn không tin là công trình thủy lợi này sẽ mang lại hiệu quả.
Trong lãnh đạo tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ, có người không tin là chúng ta có thể chặn được sông Sài Gòn để tích nước, dự án cũng không thể có được nước như mục đích đề ra. Nguyên nhân là bởi vùng đất này nổi tiếng khắc nghiệt với cái nắng như thiêu như đốt. Tây Ninh trước đó chỉ có một vài công trình thủy lợi nhưng quy mô khá nhỏ.
Lúc bấy giờ, công trình vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh. Theo yêu cầu của Bí thư, tất cả các cơ quan tỉnh Tây Ninh, kể cả chủ tịch tỉnh, không được tiếp khách Bộ Thủy Lợi, không được bàn về Dầu Tiếng. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi Nguyễn Thanh Bình còn bị tố lên Ban bí thư đề nghị xem xét lại nhân thân.
Ông Đặng Văn Thượng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ, kể lại sự. Ngày đó, người dân Tây Ninh sống khốn khổ trên vùng đất khô cằn khắc nghiệt, khi biết Trung ương sẽ đầu tư dự án thủy lợi quy mô lớn ai ai cũng mừng. Nhưng ở địa phương cũng có nhiều ý kiến trái chiều, lãnh đạo tỉnh không đồng ý việc Tây Ninh tốn 2/3 đất mà hồ lại mang tên Dầu Tiếng thuộc huyện Sông Bé, tỉnh Bình Dương.
Trước sự cố hi hữu này, chính Phó Thủ tướng Phạm Hùng giải thích, phải xoa dịu bằng cách lấy tên là hồ Dầu Tiếng – Tây Ninh. Thế nhưng trong lãnh đạo Tây Ninh lúc bấy giờ vẫn có ý kiến phản đối, bởi cho rằng hồ Dầu Tiếng hao tốn đất đai, công sức, không đem lại lợi ích cho dân Tây Ninh. Nguyên nhân sâu xa vẫn là suy nghĩ công trình không thể nào có nước. Mặc dù các kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều cơ sở khoa học để chứng minh độ khả thi của dự án. Như địa mạo trong lưu vực có cây, tức là có nước ngầm, tầng phủ đất sét dày, chứa nước được và hằng năm ở Dầu Tiếng đều có lũ lớn.
Những trở ngại từ niềm tin khiến việc khiển khai dự án vốn dĩ đối mặt nhiều thách thức lại càng gian nan. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phải khéo léo để công trình không vì những nghi ngờ mà bị ảnh hưởng, đình trệ. Trong hồi ký của mình, ông Thượng kể rằng bản thân cũng từng nhiều lần đặt ra câu hỏi liệu công trình có lợi ích hay không?, nhất là khi tại địa phương có những ý kiến kịch liệt phản đối. Sau cùng ông tin tưởng vào quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ.
Ông Thượng cùng cấp dưới xuống tận các huyện, xã để vận động lãnh đạo chính quyền cơ sở, đặc biệt là thanh niên đi đào kênh thủy lợi, đón nước hồ Dầu Tiếng. Từ sự vận động của ông, đông đảo thanh niên, nhân dân Tây Ninh tham gia vào đại công trường, có những huyện dù không có kênh thủy lợi chảy qua, không được hưởng lợi nguồn nước của hồ Dầu Tiếng cũng cử thanh niên đến tham gia.
Có những thời điểm yêu cầu công việc gấp rút, hưởng ứng lời kêu gọi, cả vạn thanh niên Tây Ninh xung kích lên Dầu Tiếng, có lúc lên tới 36 nghìn người, công trường tràn ngập khí thế lao động. Tổng kết của Tỉnh đoàn Tây Ninh cho biết, ở công trình Dầu Tiếng đã huy động được gần nửa triệu lượt đoàn viên thanh niên làm thủy lợi với gần 15 triệu ngày công, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất.
Ngoài lực lượng đông đảo, công trình hồ Dầu Tiếng xuất hiện những cá nhân điển hình trong lao động khi làm việc quên mình, hi sinh những tháng ngày thanh xuân vì mục tiêu chung. Quá trình thực hiện dự án cũng ghi nhận những cải tiến máy móc và sáng kiến trong mô hình lao động thay vì làm theo thời gian đánh kẻng thì tiến hành theo tổ đội mang tính dây chuyền chuyên nghiệp, giúp tăng năng suất lên gấp nhiều lần trong việc đào kênh, đắp đập. Dự án này được khảo sát, thiết kế với lực lượng tinh nhuệ nhất, nhanh nhất; khu đầu mối được thi công bằng lực lượng cơ giới hiện đại nhất…
(Còn nữa)