BĐKH sẽ dẫn đến tình trạng di cư
BĐKH là thách thức to lớn đối với loài người ở hiện tại và trong nhiều thập kỷ tới. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng BĐKH nghiêm trọng; ĐBSCL cũng là một trong 3 vùng có tình trạng ngập lụt nặng nhất. Các biểu hiện hạn hán, xâm nhập mặn, tăng nhiệt độ, lún và sạt lở đất đã và đang diễn biến rất phức tạp. Ngoài áp lực đối với mùa màng và đời sống nông dân, BĐKH tác động mạnh mẽ đến văn hóa, kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hiếu Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH cho biết, BĐKH làm thay đổi toàn bộ thủy văn của khu vực, tác động lớn đến đồng bằng và chất lượng nước, ở cả nông thôn và đô thị. Tình trạng ĐBSCL bị ngập mặn sâu, ven biển thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ảnh hưởng và tác động đến đời sống và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
BĐKH còn dẫn đến tình trạng di cư của các hộ dân từ nông thôn ra thành thị. Điều này làm cho dân số ở các đô thị tăng nhanh, dịch vụ và công nghiệp cũng tăng đột biến. Từ đó, tạo áp lực cho các hệ thống kỹ thuật như cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giao thông và y tế, giáo dục, văn hóa...
Ở các đô thị, hiện tượng bê tông hóa đã dẫn đến tình trạng giảm thấm, tăng chảy tràn, xói ngập, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Trong tương lai có thể các đô thị sẽ rơi vào tình trạng nguồn nước bị suy giảm, nước sinh hoạt thiếu thốn nghiêm trọng nhưng nhu cầu sử dụng nước lại tăng làm cho chi phí cấp nước cao tạo thành áp lực cho hệ thống cấp thoát nước.
Ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ cho biết, BĐKH cũng tác động bất lợi đến đời sống và môi trường sống của người nghèo và dân nhập cư ở các đô thị. Người dân phải đối mặt với “khó khăn kép” về sinh kế, điều kiện sống và BĐKH về nhiệt độ cao, ngập lụt, hạn hán, sạt lở... BĐKH cũng làm các dịch bệnh phát triển mạnh, tác động đến sức khỏe của các hộ dân.
Xây dựng khả năng chống chịu BĐKH
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói, BĐKH rất khó dự báo, sẽ là thách thức đối loài người, với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH cần tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả và phải tập trung vào các đô thị.
Theo đó, TP Cần Thơ là một trong 3 địa phương được chọn triển khai “Chương trình Mạng lưới các thành phố Châu Á có khả năng Chống chịu với BĐKH (ACCCRN)”; hai địa phương còn lại là Quy Nhơn và TP Đà Nẵng. Ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, cần huy động nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, các sở, ban ngành có liên, các tỉnh, thành phố chung tay để tạo sức mạnh tổng hợp, mạnh mẽ trong công tác thích ứng và chống chịu với BĐKH.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng muốn thích ứng và chống chịu thì cần phải hiểu bản chất của BĐKH. Đối với công tác thực hiện các phương pháp, dự án thích ứng, chống chịu với BĐKH, các nhà khoa học khuyến cáo cần thực hiện nghiêm túc và toàn diện để tránh tác dụng ngược. Bởi thực tế, đã có nhiều vùng thực hiện ngăn lũ ở thượng nguồn đã tạo nên tình trạng thu hẹp dòng chảy tăng vận tốc nước, dẫn đến xói lở đất, vỡ đê ở hạ lưu.
Được biết, hiện ở TP Cần Thơ đã triển khai các dự án chống chịu BĐKH, xây dựng khả năng chống chịu của các hộ dân và cộng đồng thông qua mô hình sạt lở bờ sông; quan trắc mặn; dự án phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh BĐKH và nhiều dự án khác. Ông Đào Anh Dũng đánh giá, việc phục hồi sau bất lợi của thiên tai, BĐKH và thực hiện công tác thích ứng, chống chịu BĐKH hoàn toàn khả thi.