Khắc phục khó khăn
DQTV là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi địa phương, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút, điều động tham gia lực lượng dân quân gặp nhiều khó khăn do hầu hết lực lượng dân quân trong độ tuổi đi lao động ở xa, thường xuyên không có mặt tại địa phương.
Căn cứ vào kế hoạch của cấp trên, việc lựa chọn công dân tham gia lực lượng dân quân được các địa phương thực hiện bài bản, chặt chẽ.
Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền giao chỉ tiêu cho từng thôn, sau đó các thôn họp, sàng lọc và chọn những công dân ưu tú nhất là những công dân từng tham gia quân ngũ, là đảng viên. Do vậy, các địa phương đã xây dựng được lực lượng dân quân bảo đảm biên chế theo quy định với tỷ lệ đảng viên tăng dần hằng năm, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết, việc tuyển chọn xây dựng lực lượng DQTV biển được chú trọng về chất lượng chính trị, lựa chọn từ những người có uy tín trong nhân dân và dòng họ; quy mô tổ chức phù hợp biên chế cấp tiểu đội là chủ yếu, gắn với từng đội tàu của gia đình, dòng họ hoạt động trên cùng ngư trường khai thác.
Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm phát triển, xây dựng đội ngũ đảng viên trong lực lượng DQTV biển, làm nòng cốt cho quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hoạt động trên ngư trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sức khỏe, trình độ, kỹ năng quân sự, khả năng tác chiến linh hoạt. Vì vậy, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, nâng cao chất lượng huấn luyện đối với lực lượng DQTV biển.
Cùng với đó, tỉnh tích cực chăm lo thực hiện công tác chính sách đối với lực lượng DQTV biển và các cơ sở, doanh nghiệp có lực lượng DQTV biển hoạt động.
Các cơ sở, doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt cho 81 chủ tàu vay vốn ưu đãi để đóng mới và nâng cấp tàu biển, dịch vụ nghề biển với tổng số tiền hơn 691 tỷ đồng.
Đối với lực lượng DQTV biển, bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn theo chính sách của Nhà nước và của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực vận động các doanh nghiệp, chủ phương tiện không trừ tiền lương, hỗ trợ thêm tiền ăn trong những ngày tập trung huấn luyện.
Những trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở được ưu tiên hỗ trợ. Tỉnh Kiên Giang đã xét tặng 23 Nhà đồng đội, 12 Nhà đại đoàn kết với trị giá trên 15 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn sản xuất cho 25 gia đình trên 750 triệu đồng.
Qua đó, động viên, giúp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng an tâm vươn khơi bám biển, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phát huy tốt trách nhiệm trong tham gia giữ gìn an ninh, an toàn, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển được phân công đảm nhiệm.
Đến nay, toàn quốc đã tổ chức xây dựng lực lượng DQTV với trên 1,3 triệu người, chiếm khoảng 1,5% dân số. Hàng năm, DQTV được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị - pháp luật chu đáo; chỉ đạo hoạt động chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật, đóng góp quan trọng trong bảo vệ và giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia; được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
Hoạt động hiệu quả
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.118 cơ sở DQTV, với quân số 47.548 người, chiếm tỷ lệ 1,32% dân số, tỷ lệ đảng viên đạt 30,6%, được tổ chức và quản lý chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, được trang bị cơ bản đầy đủ vũ khí, cơ sở vật chất, đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ.
Hàng năm, 100% cơ sở DQTV trên địa bàn tỉnh được tổ chức huấn luyện, quân số đạt 97,3% trở lên, kết quả huấn luyện khá, giỏi thường xuyên đạt 70 - 80%.
Là địa phương có 203 km đường biên giới và 102 km bờ biển nên tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tuyến biên giới và tuyến biển. Để đảm bảo vừa vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt thủy, hải sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng dân quân biển, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn cho các trung đội dân quân biển.
Đặc biệt năm 2020, tỉnh đã mua sắm 25 máy liên lạc tầm xa lắp đặt tại ban chỉ huy quân sự (CHQS) các huyện, thị xã, thành phố ven biển và trên các tàu của 5 trung đội dân quân biển, 115 bộ đàm cầm tay phục vụ DQTV thực hiện nhiệm vụ.
Ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới như xã Na Mèo (huyện Quan Sơn), Tén Tằn (huyện Mường Lát), Bát Mọt (huyện Thường Xuân), Yên Khương (huyện Lang Chánh), mỗi xã có một tiểu đội dân quân thường trực và 5 huyện tuyến biển thành lập trung đội dân quân biển.
Ngoài ra, lực lượng DQTV luôn tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin cậy, nhân dân quý mến.
Trung tá Phùng Mạnh Lý, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng chục chốt dân quân thường trực, trong đó có 5 chốt tại khu công nghiệp; đã xây dựng 5 tiểu đội dân quân thường trực tại các khu công nghiệp... Các chốt dân quân đều hoạt động tích cực, hiệu quả.
Thời gian qua, cùng với bộ đội, lực lượng DQTV đã xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống thiên tai. Các đơn vị DQTV đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phòng, chống dịch, ổn định kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng DQTV Bình Phước đã tổ chức tuần tra độc lập và phối hợp tuần tra hơn 16.600 đợt, với hơn 49.800 lượt người tham gia, tập trung nhiều ở địa bàn biên giới, khu công nghiệp, khu kinh tế. Quá trình tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, DQTV đã góp công phát hiện 71 vụ việc, phối hợp bắt giữ 93 đối tượng, giao công an xử lý.
Ngoài ra, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố đã huy động hơn 1.000 lượt DQTV với hơn 3.300 ngày công lao động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa 62 căn nhà; khôi phục hàng chục héc ta vườn tiêu bị đổ trụ; nạo vét, khai thông dòng chảy, phát quang đường giao thông nông thôn hơn 24km; xây dựng mới gần 6km đường giao thông nông thôn...
Đến nay, lực lượng DQTV tỉnh Bình Phước bảo đảm tinh gọn, rộng khắp; tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 24,43%, tỷ lệ đoàn viên đạt 62,01%.
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, để xây dựng lực lượng DQTV ngày càng vững mạnh, rộng khắp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo, điều hành cơ quan chức năng, cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện tốt 6 nội dung cơ bản, trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo đúng quy định của Luật DQTV năm 2019, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chú trọng xây dựng DQTV ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, dân quân thường trực và chốt dân quân thường trực biên giới đất liền, dân quân tự vệ biển, đảo.
Lãnh đạo, chỉ đạo DQTV phối hợp với đơn vị quân đội, công an và các lực lượng liên quan tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động chuẩn bị các phương án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, dập tắt mọi âm mưu gây rối, bạo loạn, không để lan rộng, kéo dài.
Lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng DQTV gương mẫu, đi đầu, làm nòng cốt trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, thảm họa ở địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác dân vận; tích cực tham gia “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa”, “xây dựng nông thôn mới”… cùng các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.