Xét xử 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ và 17 bị cáo

(PLVN) - Hôm nay (4/5), TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ và 17 bị cáo khác ra xét xử theo kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ… của các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Cụ thể, bị cáo Phan Văn Anh Vũ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại toàn bộ bản án một cách khách quan, toàn diện, trả lại sự công bằng cho mình. Ông Vũ cho rằng việc tuyên ông phạm tội “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai với tư cách là đồng phạm với các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ UBND TP Đà Nẵng là không có căn cứ, làm oan cho ông”.
Theo ông Vũ, VKSND Tối cao đã không có đủ cơ sở để buộc tội ông và HĐXX cấp sơ thẩm đã không đánh giá một cách toàn diện, khách quan, bản chất sự thật của vụ án và đưa ra phán quyết ông có tội, như vậy là gây oan sai cho ông. 
Trước đó, ông Vũ bị tuyên 25 năm tù theo đúng 2 tội danh bị truy tố.
Ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cũng kháng cáo kêu oan, cho rằng mình làm đúng theo chủ trương của thành phố. Trước đó, ông Minh bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến kháng cáo kêu oan một phần và đề nghị xem xét lại bối cảnh Đà Nẵng cách đây 15 năm cho mình. Trong đơn kháng cáo, ông Văn Hữu Chiến đề cập đến 5 nội dung, trong đó, ông Chiến kêu oan ở quy kết buộc tội ông tại Dự án 29ha thuộc khu đô thị mới Đa Phước. Ông Chiến cho rằng đất tại dự án trên không thể đấu giá được vì đây là tài sản của nhà đầu tư Hàn Quốc Daewon. Việc quy buộc đất trên phải đấu giá, không đấu giá là vi phạm quy định về quản lý đất đai là không đúng.
Đối với tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Chiến cho rằng quy kết ông phạm tội danh này là không đúng vì hành vi vi phạm xảy ra trước năm 2015. Việc quy kết nêu trên trái với tinh thần Nghị quyết 41 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự.
17 bị cáo còn lại, một số kháng cáo kêu oan, một số kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên…
Ngoài 20 bị cáo kháng cáo, một số người, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng kháng cáo. Trong đó, vợ và em ruột bị cáo Phan Văn Anh Vũ … cũng làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tuyên trách nhiệm dân sự thu hồi tài sản liên quan trong vụ án.

Theo bản án sơ thẩm, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai, giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 Dự án đất. Điều này tạo cơ hội cho Phan Văn Anh Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi.

Trong vụ án này, Nhà nước bị thiệt hại tổng số tiền là hơn 22.000 tỷ đồng.

Đọc thêm