Sự việc không chỉ làm thất thoát tiền của Nhà nước mà còn gây khó khăn trong việc tổ chức đời sống người dân.
Người dân thiệt đơn, thiệt kép
Thất thần vì liên tiếp nhận được thông báo phải di dời do sử dụng trái pháp luật diện tích nhà để xe tại tòa nhà N2, N7 (KĐT Đồng Tàu, Hoàng Mai, Hà Nội), ông Lê Tiến Hùng, trú tại phố Trương Định thốt lên: “Chẳng lẽ gia đình tôi bị mất trắng sao? Làm sao gia đình tôi và 20 hộ dân khác có thể vào đó mà sửa chữa, kinh doanh nếu không được lãnh đạo của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác Khu đô thị (Xí nghiệp) đồng ý?”.
Mấu chốt của vấn đề là, theo Kết luận thanh tra số 4126/SXD ngày 17/6/2014 của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, diện tích tổng số 207m2 tầng 1 tại các nhà chung cư N2, N3, N7 mà ông Hùng đang kinh doanh thuộc diện tích sử dụng trái pháp luật. Ngay từ lần đầu tiên nhận thông báo, ông Hùng và nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Trong lá đơn gần đây nhất, ông Hùng tố cáo ông Chử Văn Tráng - Phó Giám đốc Xí nghiệp, là đơn vị trực thuộc Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Công ty này thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.
Thu thập thông tin từ ông Hùng, giữa năm 2012, ông gặp ông Trần Văn Bẩy, là Tổ trưởng QL chung cư khu Đồng Tầu, rồi được ông này dắt mối gặp ông Chử Văn Tráng, khi đó là Trưởng phòng QL vận hành nhà chung cư. Hai ông này giới thiệu với ông Hùng rằng, Xí nghiệp có chủ trương bán diện tích tầng 1 nhà N1, N2, N3… N10 với thời hạn 50 năm.
Ông Hùng kể: “Nghe bùi tai, tôi đã nhờ ông Bẩy đưa tới nhà riêng gặp ông Tráng, rồi lại tiếp tục đến Xí nghiệp gặp riêng và được hướng dẫn mua ba điểm kinh doanh tầng 1, diện tích 207m2 với tổng số tiền là 930 triệu đồng. Sau một năm không được ký hợp đồng, tôi lên Xí nghiệp hỏi mới vỡ ra diện tích này không được phép cho thuê kinh doanh bởi theo thiết kế dành riêng làm gara trông giữ xe của cư dân. Tôi biết bị lừa và nhiều lần đến gặp ông Tráng đòi lại tiền nhưng không được”.
Qua tìm hiểu, có 21 đơn vị, cá nhân nhờ các mối quan hệ giới thiệu, đã đến thỏa thuận miệng, “đi đêm” làm việc với cán bộ của Xí nghiệp để thuê và mua các điểm kinh doanh tầng 1 tại các KĐT Đồng Tầu (quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), khu TĐC Cánh đồng Mơ (quận Hai Bà Trưng), khu CT1 Xuân La (quận Tây Hồ)… Chưa kể đến chuyện các đơn vị, cá nhân này cải tạo rồi tiếp tục chuyển nhượng cho hàng chục cá nhân khác để dùng vào mục đích ở hoặc kinh doanh dịch vụ.
Sai phạm, buông lỏng
Trong báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 3/3/2014, đã chỉ ra nhiều sai phạm, sự buông lỏng quản lý của Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp, cụ thể là để nợ đọng tiền thuế, cho thuê và bán trái thẩm quyền diện tích dịch vụ, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, chưa thật sự hợp tác chặt chẽ với đoàn thanh tra về cung cấp hồ sơ thanh tra… Sai thì phải xử lý.
Đoàn thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã buông lỏng quản lý, chưa thực hiện hết trách nhiệm; trả lại nguyên trạng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt những phần diện tích đã cho thuê trái quy định. Thanh tra cũng kiến nghị chấn chỉnh lại bộ máy của Công ty cũng như Xí nghiệp, nếu không đáp ứng yêu cầu năng lực quản lý vận hành nhà chung cư, kiến nghị UBND thành phố giao cho đơn vị khác.
Trên cơ sở đó, ngày 17/6/2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Kết luận số 4126/SXD-TTr, về những sai phạm của các đơn vị liên quan, trong đó xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội 420 triệu đồng; yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng những phần diện tích bị cho thuê trái thẩm quyền; truy thu tiền thuê nhà của các đơn vị, cá nhân đã được bố trí vào thuê trái thẩm quyền.
Có điều thật lạ, cả Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Xí nghiệp đều buông lỏng quản lý, không thể thực hiện được những yêu cầu của Sở Xây dựng, ngay cả việc xử lý sự xuống cấp trầm trọng của cả tòa nhà cũng yếu kém, khiến người dân sống trong sợ hãi, lo lắng, nhưng cũng không có biện pháp xử lý triệt để. Trong đó quỹ bảo trì quá eo hẹp, việc chi tiêu nguồn quỹ như nào cũng chưa minh bạch, quả bóng trách nhiệm liên tục được các cơ quan chức năng đá sang nhau. Cho đến giờ những dấu hỏi về nguồn quỹ, và hơn thế là việc cho thuê và bán “chui” 28 điểm, hay nhiều hơn thế, vẫn treo đó. Còn bản thân các tòa nhà vẫn đang xuống cấp nặng nề, sụt lún nghiêm trọng mà không được đoái hoài.
Cần xốc lại công tác quản lý
Đến lúc này thì các cơ quan chức năng không thể tiếp tục buông lỏng thực thi nhiệm vụ, người vi phạm cũng phải bị xử lý nghiêm minh, đồng thời có phương cách quản lý hiệu quả hơn diện tích dịch vụ tầng 1 các nhà TĐC. Ông Bùi Quốc Dũng - Phó trưởng phòng Quản lý nhà TĐC cho hay: “Vi phạm của Xí nghiệp thì công ty đã có hình thức xử lý hành chính. Cơ quan công an đã vào cuộc, điều tra xử lý hình sự bởi liên quan đến tiền nong. Sau khi điều tra xong sẽ xử lý tất cả những người vi phạm”. Còn ông Vũ Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) nêu quan điểm: “Vụ án có dấu hiệu lừa đảo. Hiện công an vẫn tiếp tục điều tra mở rộng vụ án”.
Một trong những nỗ lực của đơn vị chức năng, là đầu tháng 8/2017 ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản “thúc” Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thu hồi toàn bộ diện tích đã bị chiếm dụng, dành 1/3 diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng, phần còn lại thực hiện Quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ để lấy tiền duy tu, vận hành các tòa nhà.
Bây giờ thì nhiều điểm kinh doanh đã bị cắt điện, nước để cưỡng chế và không khí thật sự buồn tẻ. Xét ở khía cạnh tình cảm thì các đơn vị “đi đêm” cũng là nạn nhân. Nhiều hộ đang thuê có nguyện vọng được ưu tiên thuê lại. “Vì chúng tôi được hứa cho thuê dài hạn, cũng đã đầu tư nhiều tiền để sửa chữa và thậm chí nhiều người còn nộp tiền hàng tháng cho những người cho họ thuê nhà và tiền cũng chẳng được nộp về cho Nhà nước”, ông Hùng bày tỏ.
Vấn đề này sẽ do UBND TP Hà Nội quyết định, sau khi có đầy đủ kết luận của đơn vị điều tra.