Xin ấn đền Trần với cái tâm thư thái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khác với không khí lễ hội đông nghẹt người ở các đền chùa cả nước trong lễ hội mùa xuân, quần thể di tích Bạch Đằng Giang - công trình thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với các tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử là nơi du khách, người dân đến với một tâm thế an lành, thư thái…
Xin ấn đền Trần với cái tâm thư thái

Theo Ban Quản lý khu di tích, Chiến thắng Bạch Đằng năm 1228 đã đi vào lịch sử của dân tộc và lịch sử thế giới. Với tài đức song toàn, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Núi đá Tràng Kênh, sông Bạch Đằng, những di tích lịch sử, nơi hơn 700 năm trước các tướng lĩnh nhà Trần và quân dân ta lập nên những chiến công hiển hách, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Để tưởng nhớ những công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tri ân đến quan quân tướng sĩ đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Cán bộ công nhân viên chức Xi măng Hải Phòng cùng với nhân dân, các doanh nghiệp đã khởi công xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần. Ngôi đền tọa lạc tại ngã ba sông Bạch Đằng, bên dãy núi đá Tràng Kênh lịch sử…

Tối 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng Xuân Giáp Thìn 2024), tại khu Di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đã long trọng tổ chức Lễ khai ấn Đức Thánh Trần. Hoạt động này được tổ chức suốt 16 năm qua cùng với Lễ khai ấn tại Đền Trần tỉnh Nam Định, góp phần phát huy nét đẹp văn hoá trong đời sống người dân.

Thông tin từ Ban Tổ chức Khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang cho biết, năm Giáp Thìn 2024, Lễ khai ấn Đức Thánh Trần được chú trọng nhiều vào phần Lễ. Trong sáng ngày 14 tháng Giêng, sáu đoàn tế của Cục Di sản Văn hoá - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch với hơn 200 nghệ nhân dân gian đến từ các vùng miền Bắc Bộ làm các nghi thức tế Lễ trước khi khai ấn.

Tối 14 tháng Giêng, sau nghi Lễ cầu siêu cho những anh hùng dân tộc, tướng lĩnh hy sinh trên sông Bạch Đằng là nghi Lễ phát ấn cho người dân và du khách đi Lễ nhân dịp đầu Xuân năm mới. Lễ phát ấn được Ban Tổ chức phát đến người dân và du khách thập phương trong ngày 15 tháng Giêng năm nay.

Chị Trần Thị Hà, ĐH Y Dược Hải Phòng chia sẻ: “ Hôm nay em đến vừa du xuân vừa là ngày rằm dâng chút hương cầu năm mới bình an, mọi điều như ý. Không gian mưa xuân bay bay thấy rất vui, nhẹ nhàng, thư thái”…

Ông Nguyễn Văn Kỳ, người Bắc Ninh, 71 tuổi, lần đầu tiên đến khu di tích cùng con trai bày tỏ: “Tôi được biết, khu di tích mới phát triển nhưng phong cảnh như có tự bao giờ. Xưa tôi đi học xem Những vì sao đất nước. Tôi rất ngưỡng mộ danh tướng Trần Hưng Đạo, do đó, đến nơi ghi dấu của Ngài tôi rất xúc động và tự hào. Tôi đến đây vì sự tôn kính và lòng chiêm bái với các bậc tiền nhân, chứ không nhất thiết để xin được ấn của Ngài”…

Sự “linh thiêng” là làm đúng pháp luật

Theo các nguồn tư liệu, các thư tịch cổ, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và truyền thuyết dân gian trong vùng cho biết Khu di tích Bạch Đằng Giang ngày nay, xưa kia là trung tâm chiến trường, nơi diễn ra những trận thủy chiến quyết định thắng lợi trên sông Bạch Đằng năm 981 và năm 1288, nhấn chìm quân xâm lược phương Bắc xuống lòng sông Bạch Đằng.

Nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn đối với đất nước, hàng năm, tại Khu di tích, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức các lễ giỗ: Đức vương Ngô Quyền (ngày 18 tháng Giêng Âm lịch); Hoàng đế Lê Đại Hành (ngày 08 tháng Ba Âm lịch); Đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Lễ khai vào ngày 14-15 tháng Giêng; giỗ ngày 20 tháng Tám Âm lịch); Lễ tại chùa Trúc Lâm Tràng Kênh (ngày 15 tháng Tư: đại Lễ Phật Đản; ngày 15 tháng Bảy: lễ Vu Lan).

Năm 2024, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang kỷ niệm 1086 năm Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử kể từ trận đánh Xuân Mậu Tuất năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền và 796 năm Ngày sinh Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Khu Di tích Bạch Đằng Giang có “Tứ linh từ” gồm: Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Vua Lê Đại Hành; Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Linh từ Bạch Đằng Giang thờ Đức Vương Ngô Quyền và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 13 đã diễn ra 3 trận thủy chiến hào hùng của dân tộc ta, chống quân xâm lược phương Bắc. Năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã sử dụng trận địa cọc gỗ, vận dụng quy luật thủy triều, lãnh đạo nhân dân, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Và chỉ trong một ngày, quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược, kết thúc chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc.

Ngoài ra, trong Khu Di tích còn thờ Thánh Mẫu, Khu nhà Bảo tàng hiện vật lịch sử; Ngôi Chùa trên Núi Tràng Kênh cùng khu vực Quảng trường với ba Pho tượng bằng đồng uy nghi: Đức Vương Ngô Quyền – Hoàng Đế Lê Đại Hành - và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trở lại ý nghĩa của việc phát ấn đề Trần, Hòa thượng Thích Thanh Giác, Phó trưởng ban Thường trực Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng cho biết: “ Theo lịch sử, Đức Thánh Trần, người anh hùng dân tộc Việt Nam và là một trong 10 danh tướng thế giới. Bởi thế, những nơi có đền thờ Ngài đều cung kính, tôn nghiêm. Hàng năm tết đến xuân về, đầu năm với lễ khai ấn tượng trưng cho việc chúng ta trở về với cuộc sống lao động thường ngày trong sự quản lý nhà nước từ xưa đến nay. Ngài là bậc thánh, vị tướng của thế giới, Ngài chỉ huy quân đội và nhân dân đánh tan quân Nguyên Mông cứu dân độ thế. Nhân dân đời đời tôn kính Ngài trừ gian tà đánh giặc cứu dân cứu nước bởi thế lễ cấp ấn càng trở nên linh thiêng. Tuy nhiên, sự linh thiêng ở đây là chúng ta làm đúng theo pháp luật nhà nước, mỗi người có tâm sáng, gương sáng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để góp phần dựng xây gìn giữ đất nước thanh bình thịnh trị hôm nay và mai sau. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ nghi truyền thống du xuân đầu năm của nhân dân và du khách”…

Như vậy, Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước. Người xua muốn nhắc nhở trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, phải tích phúc cho thật tốt, thật đủ đầy thì mai sau lộc hưởng mới bền vững. Vì vậy đây là ý nghĩa răn dạy vô cùng sâu sắc mà tổ tiên để lại cho con cháu muôn đời.

Theo thống kê của Ban Tổ chức, Khu di tích, từ đầu năm đến nay có trên 30 vạn du khách thập phương đến tham quan vãn cảnh Khu di tích. Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 2020.

Đọc thêm