"Xin - Cho" biên chế đang làm méo mó bộ máy hành chính địa phương?

 “Nền hành chính vẫn đang có “nguy cơ tụt hậu” so với với tốc độ cải cách của các nền hành chính hiện đại, của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Đánh giá này cho thấy, “tân trang” được nền hành chính nói chung và bộ máy hành chính nói riêng vẫn cần những “liều thuốc” mạnh hơn nữa…
“Nền hành chính vẫn đang có “nguy cơ tụt hậu” so với với tốc độ cải cách của các nền hành chính hiện đại, của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Đánh giá này cho thấy, “tân trang” được nền hành chính nói chung và bộ máy hành chính nói riêng vẫn cần những “liều thuốc” mạnh hơn nữa…  
“Co” ngoài, “phình” trong
10 năm qua, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp, kiện toàn theo mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, khống chế số lượng tối đa các cơ quan chuyên môn, khắc phục được những hạn chế trước đây trong tổ chức bộ máy chính quyền.
Nhưng cũng trong thời gian này, bộ máy chính quyền địa phương lại thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi. Trong vòng 10 năm, các tỉnh, TP được chia tách từ 53 lên 63 tỉnh, TP. Còn bản thân nội bộ các cơ quan lại “mọc” thêm những bộ phận được coi là “không thể thiếu”, với việc sáp nhập hay thành lập mới các tổng cục thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước đối với cả những ngành, lĩnh vực đã tiến hành phân cấp cho địa phương. 
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Trần Đức Tiệp cho rằng: “Tổ chức bộ máy quyết định đến chất lượng hoạt động. Muốn không mờ nhạt thì chỉ có nhập vào, quản lý đa ngành để không phải mỗi “ông” một con dấu, một tài khoản”. Nhưng do chưa phù hợp với yêu cầu của quản lý xã hội và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên tổ chức bộ máy Nhà nước có tình trạng thu chỗ này, lại “phình” chỗ khác. 
Có thể kể ra một loạt các Tổng cục được “ra đời” không theo tiêu chí thành lập Tổng cục qui định tại Điều 20 NĐ 178/2007/NĐ-CP (ngày 3/12/2007) của Chính phủ như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT); Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT); Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lạng Sơn Phùng Đức Tứ băn khoăn: “Giảm đầu mối thuộc Chính phủ nhưng trong nội bộ các Bộ, ban, ngành, Sở có tăng biên chế không khi các Bộ vẫn đề nghị thành lập Tổng cục?”. Thực vậy, khi “phình” về tổ chức thì đương nhiên biên chế phải “nở” theo để đáp ứng. 
Vậy là bề ngoài, bộ máy hành chính trở nên “thon gọn” thấy rõ, những bên trong là cả một “mạng lưới” tầng nấc các đơn vị, kéo theo đó là lực lượng biên chế khổng lồ. Đó là kết quả “vô vị” của việc “mải chạy theo mục tiêu giảm biên chế”, đến mức nhiều đầu mối rút gọn khiến “lãnh đạo cũng không thể nắm được các lĩnh vực mình quản lý”, mà quên mất sự tương xứng giữa yêu cầu và khả năng quản lý của bộ máy. 
Phân cấp quyết định biên chế cho tỉnh
Vấn đề biên chế cơ quan hành chính luôn “nóng” trong bất kỳ cuộc họp hay buổi làm việc giữa lãnh đạo các Bộ với chính quyền địa phương. Theo qui định, biên chế các cơ quan địa phương do địa phương quyết trong phạm vi ngân sách địa phương, còn các Bộ chỉ quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, tình trạng Bộ “đòi” tăng biên chế cho cơ quan chuyên môn địa phương, còn địa phương cương quyết giữ nguyên hay giảm là rất bình thường. 
Mà khổ nỗi, “mọi vấn đề thực hiện chính sách đều ở cơ sở, nhưng với bộ máy hiện nay thì không thể thực hiện được” - như nhận định của ông Phùng Đức Tứ. Nhưng thực tế thì địa phương cũng rất hạn chế về thẩm quyền quyết định biên chế vì chỉ tiêu phải thông qua Bộ Nội vụ.
Bên cạnh đó, một thực tế đáng buồn là đến nay, sau 10 năm cải cách hành chính nhà nước, việc xác định chỉ tiêu biên chế hành chính vẫn chỉ được thực hiện theo kinh nghiệm chứ chưa dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào và thậm chí vẫn “trung thành” với trình tự “xin - cho”. Thế nên không ít trường hợp, phương án biên chế do UBND (Sở Nội vụ tham mưu) trình đã được HĐND địa phương thông qua, nhưng “Bộ không đồng ý” khiến địa phương bức xúc, các cơ quan địa phương “lục đục”, còn Sở Nội vụ bị “kết tội tham mưu không tốt”. 
Do đó, theo ông Phùng Đức Tứ, “cần xem xét mạnh dạn phân cấp quyết định biên chế cấp huyện cho cấp tỉnh. Chắc chắn tỉnh không dám lấy thừa vì không đủ tiền”. Có như vậy mới hết cơ chế “xin - cho” trong vấn đề biên chế địa phương. Còn nếu không phân cấp cho tỉnh thì phải tăng biên chế cho các cơ quan cấp huyện để đáp ứng nhu cầu quản lý và đòi hỏi về chất lượng công việc, cũng như các dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Huy Anh

Đọc thêm