Sự ích kỷ đến tàn nhẫn
Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành vi gian dối của bệnh nhân 178. Bệnh nhân này là nhân viên cung cấp thức ăn tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi có triệu chứng, bệnh nhân đã về quê (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) khám bệnh và tại đây, bệnh nhân đã không khai báo trung thực dẫn đến những kết luận không chính xác. Do có lịch sử di chuyển tương đối phức tạp và khai báo ban đầu không trung thực nên việc rà soát, xác định những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn.
Hiện, hàng trăm người tiếp xúc với bệnh nhân 178 đã được cách ly gồm 8 bệnh nhân cùng phòng, 12 cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Đại Từ, 19 người đi cùng chuyến xe, lái xe ôm đưa bệnh nhân vào bệnh viện và 1 người bán hàng tại xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương).
Ngoài ra, qua rà soát, đến nay đã xác định được trên 180 người có tiếp xúc vòng 2 với bệnh nhân số 178 và hiện được yêu cầu cách ly tại gia đình.
Cùng thời điểm này, một đối tượng ở Hà Nội đã trốn cách ly để bay sang Anh khiến chính quyền địa phương phải tổ chức lên tận sân bay “bắt” về. Một thanh niên ở Kiên Giang nghiện ma túy cũng trốn khỏi nơi cách ly về nhà chỉ vì nhớ vợ…
Và một anh chàng quê Sóc Trăng, tên Vũ, không biết đi theo tiếng gọi của cái gì, đã chuồn khỏi khu cách ly ở Tây Ninh khi chưa tiến hành xét nghiệm virus Corona khiến dân tình được một phen kinh hồn bạt vía. Các cơ quan chức năng đã gọi điện thuyết phục, Vũ quay lại khu cách ly bằng xe chuyên dụng. Trước đó, Vũ từ Campuchia về Việt Nam bằng đường bộ và được chuyển vào khu cách ly.
Thật không thể hiểu nổi những người như anh này nghĩ gì. Bởi vì một người đủ khôn ngoan để ra xứ người sinh sống và làm việc thì cũng phải đủ khôn ngoan để ý thức rằng việc mình bỏ trốn không chỉ là một việc làm khó có thể chấp nhận về ý thức trong mùa dịch.
Những người như Vũ dường như không hiểu việc giữ mình lúc này không chỉ là giữ cho anh ta được an toàn, mà còn gây họa cho bao người. Mọi thứ sẽ không dừng lại ở đó nếu Vũ không quay về mà ở lại Sài Gòn vài hôm, sẽ kéo theo nhiều gia đình bị cách ly và cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Còn với bệnh nhân 178, làm dịch vụ cho một bệnh viện, cô phải hiểu, sự thiếu trung thực của mình sẽ làm cho một bệnh viện khác tổn hại như thế nào. Bài học từ Bạch Mai cô nắm rất rõ, thế nhưng vẫn vô tâm đưa một bệnh viện khác vào tình cảnh điêu đứng. Cô có lẽ cũng rất rõ, đội ngũ y, bác sĩ bị cách ly sẽ ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho bao nhiêu bệnh nhân khác nữa chứ không riêng gì vấn đề Covid. Một sự ích kỷ đến mức tàn nhẫn.
Trước đó, bệnh nhân 17 đã giấu cuốn “hộ chiếu thứ hai” mang quốc tịch Anh của mình. Chưa rõ thật giả và cũng chưa rõ bệnh nhân 17 có quốc tịch kép Việt và Anh hay không, nhưng chính cuốn hộ chiếu Anh quốc của bệnh nhân 17 mới chứa thông tin rằng người này đã đến Milan, Italia khi đang mùa đại dịch. Hành vi này đã dẫn đến việc cả một khu phố Trúc Bạch phải cách ly 14 ngày.
Đó là bệnh nhân 34 đã khai báo không trung thực về hành trình trong nước sau khi từ New York trở về (có quá cảnh tại sân bay Doha (Qatar), trong đó có nhiều cuộc tiếp xúc đông người. Hành vi này đã dẫn đến việc cách ly một khu phố ở thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Đó là bệnh nhân 100 trốn cách ly đi cầu nguyện ở nhà thờ mỗi ngày 5 lần trong suốt hơn 2 tuần…
Và nữa là sự hồn nhiên đến khó tin giữa những ngày nước sôi lửa bỏng này. Trước tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người dân hạn chế đi lại, không tụ tập đông người. Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồng loạt đóng cửa, phố xá vắng vẻ.
Thế nhưng, trong chiều cuối tuần, hàng trăm người vẫn tới khu vực dưới chân cầu Vĩnh Tuy, Công viên Bách Thảo để dã ngoại, chơi thể thao... thậm chí ăn uống theo nhóm tại đây.
Ba ngày sau khi Thủ tướng chỉ đạo không tập trung trên 20 người, chiều nay 30/3, bãi biển Nha Trang vẫn đông nghịt người tắm, tập thể dục, đá bóng, chạy bộ..., trong đó có nhiều trẻ em được người lớn dẫn theo. Rất đông người không mang khẩu trang.
Bãi biển Mỹ Khê là bãi tắm nổi tiếng nhất Quảng Ngãi. Những hôm trước, mỗi ngày có hàng trăm đến hàng nghìn người đến tắm ở bãi biển này, bất chấp cảnh báo không tập trung đông người.
|
Nhiều người vẫn tắm ở biển giữa đại dịch. Ảnh minh họa |
Vào thời điểm hiện nay khi cả thế giới phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn vì dịch Covid-19, tại các công viên ở New York, hay những người leo núi tập trung tại các địa điểm đẹp ở Anh, hoặc các đám đông chuyện trò trên các bãi biển chật cứng người tại California, họ sẽ không thể nghĩ rằng một đại dịch nguy hiểm đang bao trùm cả thế giới…
Giá của sự ân hận cả đời
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Tất cả những sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, trước tiên và không đâu xa chính là những người thân trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đừng ai suy nghĩ “chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo”, sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời.
Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, cho đến nay các ca nhiễm Covid-19 chiếm đến 80% có nguồn lây từ những thành viên trong gia đình. Bởi lẽ, chúng ta có những người không có trách nhiệm xã hội, những người với thái độ “Tôi chẳng quan tâm” hay “Bị thì bị thôi, tôi sẽ chẳng để thứ đó ngăn cản việc mình vui chơi, tiệc tùng”. Nếu người ta cứ hành xử như vậy, rõ ràng họ chẳng nghĩ đến hậu quả như chẳng may lây cho những người họ yêu thương, bạn bè, đồng nghiệp, hay nghĩ đến gánh nặng mà họ mang đến cho hệ thống y tế.
Chúng ta đang sống ở một thế giới phẳng. Nếu việc toàn cầu hóa làm thế giới trở nên không còn khoảng cách thì đó cũng chính là một nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và khi cả nước đang gồng mình để chống lại dịch Covid-19, vấn đề về ý thức cá nhân đối với lợi ích cộng đồng lại càng được nâng cao.
Dịch bệnh từ lâu đã không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân”. Trong một khía cạnh nào đó, mức độ văn minh của một xã hội có thể được nhìn nhận thông qua cách mà lợi ích của cộng đồng được nâng cao. Nếu mỗi cá nhân chỉ vì lợi ích, sự thuận tiện trước mắt của mình mà bỏ qua sự an toàn của cả xã hội thì khi giới hạn an toàn ấy bị phá bỏ và sụp đổ. Chính mỗi cá nhân ấy sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
Điều này thể hiện khi khẩu trang y tế, một trong những “vũ khí” không thể thiếu của lực lượng y, bác sỹ trở nên thiếu hụt. Phần lớn nguyên nhân là do sự đầu cơ, tích trữ không cần thiết trên thị trường của người dân. Thậm chí một số cá nhân còn vì lợi nhuận trước mắt của bản thân mà mang bán mặt hàng này ra các nước lân cận, mặc kệ nhu cầu vô cùng cấp thiết của đất nước. Hệ lụy kéo theo là, cả xã hội phải gánh chịu nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng như thiệt hại về kinh tế.
Trong những ngày này, chúng ta chứng kiến Nhà nước đã tổn hại và căng thẳng như thế nào trong nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của bệnh tật. Nhân dân đã khốn khổ như thế nào trước tình hình dịch bệnh lây lan. Một ý thức tồi, một sự gian dối xuất hiện có khi hất đổ bao nhiêu nỗ lực của cả một tập thể, gây hoang mang và bị động cho biết bao con người.
Cuộc sống sẽ tệ hơn nếu có sự xuất hiện của những kẻ vô ý thức và thiếu trung thực, thì trong tình hình dịch bệnh, cái tệ đó sẽ nhân lên gấp nghìn lần. Nên mạnh tay, ít nhất, để bảo vệ được những đồng loại của chúng ta trong giai đoạn khốn khó này.
Có thể thấy, vai trò của ý thức mỗi cá nhân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể khống chế dịch SARS. Hiện Chính phủ cùng các bộ, ngành làm rất tốt công tác phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian…