Xót hồn làng rèn

(PLO) - Cơn lốc đô thị hóa và vòng xoáy cơ chế thị trường đã “cuốn” làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) có lịch sử hàng trăm năm ẩn khuất vào phố nhỏ, ngõ nhỏ. Hình ảnh thanh niên trai tráng quai búa quanh những bếp lò rực lửa có lẽ đã thành hoài niệm trong tâm trí những nghệ nhân già muốn lưu giữ cái hồn của làng rèn.
Từ khi mua búa máy, gia đình ông Đoán được giải phóng sức lao động
Dao Đa Sỹ xuất ngoại…
Làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) trước đây nổi tiếng có nhiều người đỗ tiến sỹ, giờ nổi tiếng với các sản phẩm dao, kéo và các loại đồ gia dụng kim khí phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Hoàng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ – cho biết, hiện nay làng có khoảng 4.000 lao động, với hơn 900 hộ hội viên. Trước đây, nghề rèn cơ khí chỉ là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp. Từ sau năm 2005, ảnh hưởng đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp phục vụ cho các dự án, nhiều gia đình không còn đất canh tác, việc làm không có, nghề rèn đã trở thành “cứu cánh” cho những lao động nông nhàn, không có bằng cấp. Nghề này đang đem lại nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi hộ khoảng 8 -10 triệu đồng/tháng, hộ nào có búa máy thu nhập lên tới 15 – 20 triệu/tháng.
Hàng sản xuất ra một phần phục vụ nhu cầu tại địa phương, còn phần lớn đóng chuyển đi các tỉnh phía Nam. Cũng từ thị trường này, hàng “made in Đa Sỹ” được các chủ đầu mối trung chuyển sang Lào, Campuchia. Nhiều hộ sản xuất có tiếng như gia đình ông Đoán còn nhận được nhiều đơn hàng từ Đức, Pháp. “Có năm gia đình tôi xuất sang nước ngoài cả vạn con dao” -ông Đoán hồ hởi khoe.
Nguyên vật liệu để sản xuất dao kéo ở Đa Sỹ được tận dụng tối đa từ những thứ bị coi là phế liệu. Sỉ than được các tiểu thương mua lại từ các nhà máy, sau đó lọc ra những hòn than đá còn tận dụng được gom lại bán cho các chủ lò với giá thành rẻ. Nhíp ôtô bị gãy, các đầu mẩu sắt thép thừa tại các công trình xây dựng, nhà máy cũng được thu mua về để luyện lại, phục vụ cho sản xuất tùy theo đơn đặt hàng của khách.
Hồn vẫn mong ở làng
Theo cách rèn truyền thống, từ một miếng thép phôi rèn thành một con dao bài chặt loại to bản cần nhiều nhân công: thợ cả cầm kìm kẹp và búa con để gõ hướng dẫn, hai người thay nhau quai búa tạ. Nay nhiều xưởng sản xuất đã đầu tư búa máy, máy mài, giải phóng rất hiệu quả sức lao động, cho năng suất cao. Một xưởng với bốn lao động lành nghề, một ngày có thể làm ra 200 – 300 sản phẩm tùy loại.
Ông Đinh Công Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề và cũng là một nghệ nhân nổi tiếng của Đa Sỹ - bộc bạch: “Từ ngày mua búa máy, không cần tập trung nhiều người cho một công đoạn nữa. Gia đình tôi 6 lao động, mỗi người một việc, trẻ khỏe thì làm nặng, già yếu thì việc nhẹ như gọt chuôi dao, tra cán dao”.
Máy móc giải phóng sức lao động, tuy nhiên sản lượng tăng không có nghĩa là chất lượng cũng tăng theo. “Lo nhất là hiện đại hóa làm mất đi cái “hồn” của nghề rèn” – một nghệ nhân đã có năm đời rèn dao kéo chia sẻ. “Khi tự tay mình rèn một con dao hay cái kéo, cũng giống như mình tự tay viết một bức thư, nét chữ nó thể hiện tình cảm của mình ở trong đó. Giờ cái gì họ cũng cho vào máy thì còn gọi gì là nghề truyền thống”.
Thế nhưng, khi tốc độ đô thị hóa ồ ạt, xưởng sản xuất nằm trong khuôn viên gia đình, không có điều kiện mở rộng đầu tư, làm ăn chỉ manh mún, sức cạnh tranh của làng nghề bị đe dọa bởi hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng Thái Lan bền đẹp tràn ngập thị trường. Vì thế, làng nghề trong phố như Đa Sỹ đang phải xót xa giằng xé giữa công nghiệp hóa để cạnh tranh thị trường và giữ hồn nghề bao đời…

Đọc thêm