Ở Việt Nam ta, dẫu không sản sinh ra được một nhà văn trào phúng cỡ Azit Nêxin nhưng những chuyện có thật đang xảy ra thì còn vượt hơn cả sự hư cấu mà một nhà văn châm biếm vĩ đại có thể nghĩ ra được. Thật kỳ tài!
Lâu nay, Đà Nẵng luôn là tâm điểm chú ý của dư luận bởi nhiều cái hay, cái đột phá, cái hợp lòng dân xuất hiện ở đây. Lần này, Đà Nẵng lại gây chú ý nhưng ở một trạng thái trái ngược, gây nên một sự thất vọng toàn tập. Đó là tòa nhà hành chính 2000 tỷ đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm đã bị đưa vào tầm ngắm phải di dời. Lý do lãng nhách: thiếu khí tươi và nóng(!).
Tòa nhà mang biểu tượng thành phố là ngọn hải đăng hoặc cánh buồm ra biển lớn, giờ đây, trước nguy cơ bị di dời nó đơn giản chỉ là bắp ngô nướng dở, niềm kiêu hãnh lụi tàn của một thành phố đáng sống. Cho dù chính quyền thành phố cố trấn an là việc di dời trung tâm hành chính trong kế hoạch của một “tầm nhìn xa” song dân tình thì quá hiểu và chán ngán cho cái gọi là tầm nhìn... xa chưa quá 2 năm này. Tóm lại là chết tiền dân.
Có tầm nhìn xa hoặc có tài thánh thì 90 triệu dân nước Việt cũng không thể tưởng tượng được chỉ một cái nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn thôi, khi đi vào hoạt động, mỗi năm phải bù lỗ cho nó từ 18.000 tỷ đến 25.000 tỷ. Tại sao phải thế? Rất đơn giản, đó là sơ suất, là “hớ nặng” của những người đặt bút ký hợp đồng mà thôi, giá dầu thô càng rẻ thì bù lỗ càng nhiều. Có điều, “xót tiền dân quá”, cha đẻ của tòa nhà hành chính Đà Nẵng cũng như những người đặt bút ký vào hợp đồng làm thất thoát nhiều nghìn tỷ này thì chẳng có trách nhiệm gì cả. Cái “tâm” của họ đối với nước, với dân sẽ làm lu mờ trách nhiệm họ phải gánh chịu, thế thôi!
Dẫu tiền dân có nhiều như nước sông Đà thì chỉ cần 20 lần vỡ ống cũng đủ hết sạch nước rồi, huống hồ dân đang phải thắt lưng buộc bụng nuôi bộ máy cán bộ khổng lồ rất có “tài” tiêu tiền, có “đức” lãng phí. Đến như cuộc thi Olimpic thế giới, chỗ để các vận động viên tranh tài, mang lại vinh quang cho đất nước mà mấy ông quan chức “tuần chay nào cũng có nước mắt” tranh chỗ của huấn luyện viên và bác sỹ, dùng tiền thuế của dân du hý và được bao che, bảo vệ dưới cái mác “học tập kinh nghiệm” – lá bài quen thuộc mà các đoàn đi nước ngoài du lịch, rong chơi thường đưa ra để che đậy cho việc tiêu tiền, lại quả.
Trước những động thái ứng xử này của cán bộ địa phương cùng các lời bao biện của họ, “thật xót tiền dân” và xót lòng quá!