Hoàn cảnh gia đình nghèo nhất thôn nay lại gặp tai nạn khiến nhiều người thương xót.
Tai nạn đau lòng
Khoảng 13h15 ngày 5/11/2016, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1968) cùng với 3 con trai là Phan Bá Ty (SN 1995), Phan Bá Quảng (14 tuổi) và Phan Bá Út (13 tuổi) đi bộ đến hồ nước cách nhà chừng 1km hái rau muống dại mang về bán.
Đang đi trên đường, em Quảng dừng lại rửa chân nhưng không may trượt ngã xuống hồ. Thấy Quảng bị nạn, Út lao xuống cứu nhưng không được. Sau đó, dù không biết bơi nhưng thấy hai đứa trẻ chìm trong dòng nước, lần lượt Ty rồi bà Hiền cũng liều mình nhảy xuống hồ. Bốn mẹ con chới với, kêu cứu.
Lúc này, một người đàn ông đang làm cỏ giữa đồng liền tới ứng cứu nhưng chỉ cứu được Quảng và Út. Còn bà Hiền và anh Ty bị đuối nước thương tâm. Đến 3h chiều cùng ngày, thi thể hai nạn nhân được người làng vớt lên, giao cho người nhà lo hậu sự.
Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) cho biết sau khi xảy ra sự việc, ngay trong chiều 5/11, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi và hỗ trợ bước đầu cho gia đình nạn nhân.
Người dân địa phương cho biết, hồ nước nơi mẹ con bà Hiền gặp nạn tên là Bàu Sen, được người dân trồng sen, không hề có biển báo nguy hiểm. Hồ rộng chừng 250m2 và sâu gần 2m, có nơi tới 4m, hồ này nhiều bùn nên rất nguy hiểm.
Em Phan Bá Quảng rưng nước mắt kể lại: “Bốn mẹ con chúng em hằng ngày đi hái rau muống dại, đọt non bán cho người ăn, thân già mang về cho lợn. Đây là lần thứ hai mẹ con em đến khu vực Bàu Sen để hái rau. Đi gần tới nơi, do trời mưa khiến em bị ngã nên em đi rửa chân cho sạch. Em tưởng hồ nước cạn, ai ngờ bị trượt mới biết hồ quá sâu. Em rơi xuống hồ, mọi người hoảng nên đều nhảy xuống cứu hết. Vì em mà anh trai cũng như mẹ qua đời, em hối hận lắm”.
Ông Đỗ Đành (60 tuồi, ngụ thôn 2, xã Vinh Thanh, người cứu em Quảng và Út) luôn tỏ ra day dứt vì không cứu được cả 4 mẹ con nạn nhân. Khi đó, ông Đành đang làm cỏ ở gần hồ thì nghe tiếng kêu cứu. Đoán có người bị đuối nước nên ông vội vàng chạy đến.
Ông kể: “Hôm đó, trời mưa nên đồng vắng người, chỉ có mình tôi đi làm cỏ. Tôi làm cách nơi xảy ra sự việc chỉ 150m nhưng lúc đó tôi đang mặc bộ áo quần mưa, cấn cái nên việc chạy tới ứng cứu khá chậm. Mặt khác, do tâm lý, đường lại trơn, vác thêm cuốc nên chỉ chạy đoạn đường ngắn nhưng tôi bị ngã đến 3 lần. Tới nơi, tôi thấy cháu Quảng và Út đang chới với dưới hồ nên tôi đưa chiếc cuốc để hai đứa bám vào, tôi kéo từng cháu lên bờ. Lúc này, chị Hiền và cháu Ty đã chìm dưới nước không thấy đâu nữa. Khi được cứu lên bờ, cháu Út còn tỉnh táo, cháu Quảng bị ngất. Quảng được người dân hô hấp nhân tạo, đốt rơm để sưởi ấm cho tỉnh rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Vang sơ cứu”.
Cũng theo lời ông Đành: “Nếu phát hiện sớm hơn cũng như người làm đồng nhiều thì có lẽ chị Hiền và cháu Tý cùng được cứu vì nước ở hồ không chảy xiết, biết bơi là có thể cứu được liền. Dù nhận được nhiều lời khen vì sự dũng cảm và mưu trí nhưng tôi rất ngại và day dứt vì không cứu được cả 4 mẹ con. Nếu chính quyền có khen thưởng thì tôi cũng sẽ lấy số tiền đó ủng hộ cho gia đình nạn nhân”.
Gia cảnh buồn
Cơn mưa nặng hạt khiến con đường về xã vùng biển Vinh Thanh thêm phần ảm đạm. Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ giữa vùng cát trắng của bà Hiền. Nhìn di ảnh bà Hiền và con trai đặt cạnh nhau, những người chứng kiến không khỏi đau lòng.
Chồng bà Hiền làm nghề đốn củi, cách đây 13 năm, trong lúc chuẩn bị đi làm, ông bị đột quỵ qua đời khi mới 37 tuổi. Lúc đó, bà Hiền đang mang thai con trai Út được 7 tháng. Chồng mất, bà Hiền cho người ta thuê ruộng vì không đủ sức để làm. Bà làm quần quật đủ nghề từ chở rơm để bán, bóc vỏ cây, mua ve chai, đào cỏ cú, hái rau dại, phụ thợ hồ…. để lo cho các con có miếng ăn. Những hôm gió lớn, mưa bão, mọi người đều sợ, trú trong nhà nhưng bà lại tranh thủ đi lượm củi để mang về bán, bất chấp nguy hiểm.Thời gian gần đây, 4mẹ con hay đi hái rau, mỗi ngày kiếm được chừng 50 nghìn đồng cộng với số rau mang về cho 4 con lợn ăn.
Bà Hiền có 6 người con (5 trai, 1 gái), người con trai đầu (26 tuổi) đã lập gia đình, mùa mưa đi giữ trâu thuê, mùa hè phụ thợ hồ. Con trai thứ hai (23 tuổi), làm thợ hồ ở Lào. Người con trai thứ 3 chính là anh Phan Bá Ty, bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, gặp ai cũng cười, không hề phá phách gì. Thời gian gần đây, bệnh tình anh tiến triển tốt, anh có thể giúp việc gia đình. Người con gái thứ tư (18 tuổi) đang làm giúp việc cho một gia đình ở tận TP. Hồ Chí Minh. Hai người con sau đều học xong lớp 6 rồi nghỉ.
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên ngay từ nhỏ các con bà Hiền đã biết thương mẹ và chịu khó, phần lớn đều đi làm sớm. Anh Phan Bá Dậu (23 tuổi, con trai thứ 2 của bà Hiền) tâm sự: “Ba tôi qua đời được 2 tháng, mẹ về ngoại để sinh, 5 anh em chúng tôi tự lập từ thời gian đó. Chúng tôi khổ lắm, làm đủ nghề nhưng vẫn nghèo.Vừa rồi, đang xây công trình ở Lào, khi nghe tin dữ tôi liền tức tốc về. Mẹ vất vả một tay nuôi các con, chúng tôi chưa kịp báo đáp thì mẹ đã sớm ra đi. Biết mùa đông trời lạnh, tôi mới mua áo ấm bên Lào cho mẹ, định Tết mang về nhưng giờ mẹ còn đâu. Sau đám tang, chắc tôi phải ở quê để còn hương khói cũng như nuôi nấng, chỉ bảo hai em nhỏ”.
Gia đình nội ngoại của bà Hiền đều làm nông, không khá giả gì. Đầu năm 2016, bà Hiền thông qua Hội phụ nữ có vay Ngân hàng 30 triệu đồng để sửa nhà cũng như mua lợn giống. Bà đột ngột qua đời, các con đang lo lắng về số nợ này, không biết lấy tiền đâu mà trả? Rồi em Quảng, Út đang nhỏ tuổi, rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, không biết tương lai các em sẽ như thế nào?Một số người trong gia đình đang viết đơn xin cho các em được lên trại trẻ mồ côi ở, có cơ hội quay trở lại trường để học.
Ông Đỗ Văn Hối (Trưởng thôn 2, xã Vinh Thanh) cho biết: “Gia đình bà Hiền nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Chồng mất sớm để lại các con thơ, tuy nghèo nhưng anh em nhà này rất đoàn kết, có hiếu với mẹ. Trong số 6 anh chị em, có anh Ty bị bệnh tâm thần. Vừa rồi thôn có làm sổ khuyết tật cho anh nhưng chưa được hưởng thì Ty bị nạn qua đời”.
(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi)