20 năm “chiến đấu” cùng con
Những ngày cuối năm 2018, khi cái Tết Nguyên đán đến cận kề, người người, nhà nhà đang bắt đầu chuẩn bị đón một mùa xuân mới thì đâu đó trong xã hội này, có những cảnh đời khiến chúng ta nên chậm lại một chút.
Đó là trường hợp của bà Võ Thị Đi (72 tuổi) sống cùng con trai bị tâm thần ở xã An Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Hơn chục năm nay, khi không còn đủ sức để giữ đứa con tâm thần thường xuyên bỏ đi và nỗi lo sợ con gây họa nên bà phải nhờ người mua khóa và xích con trai vào góc nhà.
Yên tâm vì con luôn luôn ở trong nhà, nhưng nỗi đau đớn mỗi ngày khi tiếng kêu loảng xoảng và cảnh con trai loay hoay bên sợi xích như cứa vào lòng người mẹ già.
Căn nhà nhỏ nằm trong đường mòn ở 206A, tổ 5 (khu 2, ấp 1, xã An Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là nơi sinh sống của 2 mẹ con bà Đi. Trời chập tối, bà Đi lúi húi bó mớ rau hái trong mảnh vườn nhà hàng xóm để đem ra chợ bán.
Thấy khách lạ đến, anh Trần Văn Nhân (42 tuổi) thò đầu ngước ra cửa sổ, đứng dậy ngơ ngác nhìn cười ngây ngô rồi nhoẻn miệng la ê a, đôi mắt ngây dại như một đứa trẻ. Trong nhà xộc lên mùi nước bẩn vì anh Nhân không nhận thức được sinh hoạt của mình.
Chồng bỏ đi khi con trai út là anh Nhân vừa mới lọt lòng, một mình bà Đi gồng gánh nuôi 3 đứa con đến tuổi trưởng thành. Những tưởng cuộc sống bà Đi sẽ khấm khá hơn đôi chút khi hơn nửa cuộc đời bà dành hết cho con cái. Thế nhưng, đôi vai của người đàn bà ấy lại nặng trĩu hơn khi tai họa ập đến với đứa con trai duy nhất.
Hơn 20 năm trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi vừa học hết cấp 3, anh Nhân đành gác lại việc học, đi làm thợ hồ phụ giúp gia đình. Nhưng khi làm được 2 năm, không may anh bị tai nạn lao động dẫn đến bị tâm thần. Cảnh nghèo, không được chữa trị đến nơi đến chốn, bệnh tình chàng trai trẻ mỗi lúc một trầm trọng. Gần 20 năm nay, “người bạn” đồng hành cùng anh là sợi dây xích khóa chặt vào chân anh.
Cụ Đi đau lòng một ước nguyện “đưa con vào trại tâm thần” |
Bà Đi kể, từ khi con trai gặp nạn, chưa một ngày nào bà ngủ yên giấc. Có những đêm con la khóc, ôm đầu đập vào tường vì đau, bà chỉ biết ôm con ngồi khóc. Cứ thế, 2 mẹ con khóc đến sáng rồi lại thôi.
Nhiều lúc, muốn đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng không có tiền, mang tiếng là anh em nhiều nhưng ai cũng khổ. “Biết làm sao được, trời còn thương khi cho nó còn sống, chứ nó chết đi, tôi không biết sống sao nữa”, nói đến đây, bà quệt ngang dòng nước mắt.
Chỉ vào mấy vết khâu trên đỉnh đầu, dường như bà đã quen với việc bị con trai đánh. Trong suốt buổi trò chuyện, bà luôn miệng nói: “Nó lên cơn vậy thôi, chứ bình thường hiền và cười suốt”. Mấy lần Nhân bỏ đi, bà phải đi tìm tận Vũng Tàu.
Vì thế, khi tìm được về, bà đã phải dùng biện pháp xích chân Nhân vào một dây cáp, cột vào tường nhà để không cho đi lang thang nữa. Và cũng từ đây, cuộc sống của Nhân gắn với chiếc xích sắt và chiếc khóa còng vào cổ chân, quanh quẩn trong 4 bức tường góc nhà ẩm thấp, chật chội. Lâu lâu ngồi dậy ngòm qua cửa sổ nhìn người đi đường.
Trong nhà từ đầu đến cuối trống trơn không có chút tài sản, tài sản duy nhất là chiếc quạt máy của người hàng xóm thương tình tặng cho. Đêm đêm, Nhân nằm trên chiếc giường xếp cũ kĩ nhưng chẳng bao giờ chịu nằm, cứ thích nằm đất. Khi mùa mưa đến, lạnh lẽo, giá buốt cũng chỉ manh áo, có chăn đắp khi “lên cơn” Nhân cũng xé…
Mỗi tháng hai mẹ con được hỗ trợ 300 ngàn đồng, mọi chi phí đều phải gói gọn trong số tiền đó. Thỉnh thoảng, bà hái mớ rau dọc bờ mương đem bán được chục ngàn để có tiền mua thuốc cho con. Thuốc bệnh có mua về, Nhân cũng vứt đi không uống. Thức ăn chủ yếu là rau trong vườn để nấu canh. Thi thoảng con gái về cho mấy lạng thịt để bồi dưỡng cho con.
“Khi tôi chết, mong con được vào trại tâm thần”
Bà Đi tuổi đã cao, lưng còng gập xuống, người gầy yếu vì thiếu ăn và kiệt sức vì phải gồng mình để phục vụ con, nhưng không có đêm nào được ngủ yên giấc. Vừa đặt lưng, chưa kịp ngủ thì bị tiếng kêu của con lại thức giấc, khi đòi ăn cơm, có khi xích xoắn lại không quay trở được cũng gào thét. Khổ nhất là vì phải xích nên mọi vệ sinh cá nhân đều ở tại chỗ, có khi bà phải lau dọn cả ngày, chưa kịp ngồi nghỉ lại phải quay ra lau dọn.
Trước kia khi còn sức khỏe, bà thường làm nhan để bán kiếm thêm thu nhập nuôi con. Nhưng những năm trở lại đây, mắt bà mờ, sưng to vì không thấy đường nữa. Mọi việc đều phụ thuộc vào hàng xóm giúp đỡ.
Nhìn ra ngoài sân, trời đã nhá nhem tối, bà đang ngồi xếp lại mấy bó rau cho ngay ngắn, ánh mắt đợm buồn, bà nói “Giờ đã già rồi tôi cũng không dám mong ước gì nhiều, chỉ mong sao khi tôi chết đi, con mình được vào trại tâm thần để sống phần đời còn lại. Chứ thân già tôi, không biết lo cho nó được đến bao giờ”.
Ông Phan Thanh Sắc, Chủ tịch xã An Hòa cho biết: “Hoàn cảnh bà Đi quá khó khăn, tuổi đã cao nhưng vẫn phải nuôi đứa con bị tâm thần. Rất thương cảm cho hoàn cảnh của gia đình bà, nhưng về phía địa phương và bà con trong xã cũng chỉ giúp đỡ được phần nào thôi. Tôi hy vọng, thông qua kênh báo chí sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ gia đình bà Đi vượt qua khó khăn này”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Võ Thị Đi ở 206A, tổ 5, khu 2, ấp 1, xã An Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; hoặc thông qua VP Báo PLVN tại Đồng Nai (ĐT: 0251 3680986).