Biến cố cuộc đời
Nằm cuối ngõ sâu hun hút là căn nhà cấp bốn cũ kỹ, lụp sụp của gia đình cô giáo Trần Thị Dục (SN 1964, ngụ xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Trong căn nhà ấy không có vật gì đáng giá ngoài dàn máy tính bàn đã cũ và giáo án, sách vở. Phương tiện để cô đến trường dạy học mỗi ngày là chiếc xe đạp cũ.
Nhiều năm qua, cô Dục cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: vừa làm giáo viên, làm mẹ, làm vợ chăm sóc người chồng ốm đau, thần kinh. Chồng cô từng là giáo viên dạy toán cấp 2, thầy Võ Minh Diệu (SN 1966). Nhưng sau hơn chục năm đứng trên bục giảng, người giáo viên ấy đành bỏ dở sự nghiệp vì bệnh tật.
Nhắc đến chồng, cô Dục lại lo lắng: “Suốt mấy hôm nay, tôi tìm kiếm anh ấy nhưng chưa được. Mới đây, tôi nghe tin anh ấy đang đi lang thang ở làng bên. Vì bận dạy học nên tôi đành nhờ họ hàng đi tìm nhưng đến giờ vẫn chưa nghe tung tích gì”. Theo lời người vợ, từ khi phát bệnh tâm thần, chồng thường đi lang thang khắp nơi. Đã nhiều lần cô cất công đạp xe đi tìm nhưng không có kết quả.
Trước khi đổ bệnh, thầy Diệu từng là tấm gương tiêu biểu của làng quê thời bấy giờ. Là sinh viên xuất sắc nhất khóa 28 toán của trường Đại học tổng hợp Hà Nội, năm 1988, thầy tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi nên được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ, kỳ vọng. Thế nhưng, đường sự nghiệp lại gặp nhiều trắc trở.
Theo lời người thân, sau khi ra trường dù được nhiều nơi mời về làm việc nhưng thầy Diệu quyết định về quê phát triển sự nghiệp. Đáng tiếc, việc dạy học nhiều lần gián đoạn. Đến năm 1996, thầy Võ Minh Diệu được nhận về dạy tại trường THCS An Hòa (thuộc xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu). Được đồng nghiệp đánh giá là người giỏi chuyên môn nhưng tính cách thầy Diệu có nhiều bất thường.
Lo lắng, năm 2008 gia đình vội đưa thầy vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị. Nhưng thầy Diệu không hợp tác khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Không những không uống thuốc theo đơn bác sỹ, thầy còn sa vào rượu, thuốc lá càng khiến bệnh tình nặng hơn.
Đỉnh điểm là việc thầy có ý định tự tử tại bệnh viện khiến nơi tiếp nhận điều trị e ngại. Cuối cùng, gia đình đành đưa thầy Diệu về nhà điều trị. Cũng từ đó, việc đứng lớp giảng dạy của thầy bị gián đoạn.
Về sự thay đổi tính cách của chồng, cô Dục suy đoán có thể do ức chế trong công việc. Trước khi đổ bệnh nặng, đã nhiều lần cô từng nghe chồng tâm sự chán nản, mệt mỏi về công việc. Là vợ, đồng thời là đồng nghiệp cô chỉ biết động viên, hai vợ chồng cùng cố gắng. Thế nhưng, cô không ngờ rằng bệnh tình của chồng lại chuyến hướng xấu nhanh đến như vậy.
Người vợ tảo tần
Đến với nhau vào năm 1998, khi cả hai đều là giáo viên trường làng, cuộc hôn nhân của cặp đôi giáo viên này từng được nhiều người chúc phúc, ngưỡng mộ. Cô Dục kể, bản thân từng học trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An.
Tốt nghiệp ra trường, cô từng có thời gian dạy học ở Hà Tĩnh. Năm 1996, cô được chuyển công tác về dạy tại xã nhà. Là đồng nghiệp trong tổ toán nên hai người có cơ hội gặp, tiếp xúc với nhau. Sự đồng cảm về nghề nghiệp dần đưa họ đến gần nhau để rồi một đám cưới ấm cúng diễn ra.
Nhưng hạnh phúc trong gia đình ấy dần ảnh hưởng vì tình hình sức khỏe thất thường của thầy Diệu. Người vợ dù đã cố gắng chạy chữa nhưng không cứu vãn được tình hình. Theo lời cô Dục, từ khi phát bệnh, chồng thường độc thoại về tôn giáo, về phật, về toán học…
May mắn bên thầy Diệu luôn có người vợ tần tảo. |
“Anh ấy rất yêu môn toán. Nhiều lần tôi thấy anh ấy lấy trộm cuốn giáo án, rồi ngồi vẽ các biểu đồ, công thức toán học. Là vợ, đồng nghiệp, tôi hiểu anh ấy yêu nghề, đam mê toán đến thế nào. Nhưng, bệnh tật đã lấy đi tất cả”, chị nghẹn ngào.
Từ khi chồng trở bệnh, mọi gánh nặng trong gia đình đều đè lên vai cô Dục. Có thời điểm cô giáo ấy tưởng chừng như không trụ được gia đình. Đó là năm 2008, lúc đó, chồng từ bệnh viện về nhà chưa được bao lâu thì lại bị tai nạn, gãy chân. Đứa con thứ hai lúc đó mới 8 tháng tuổi nên vất vả càng chồng chất.
Hàng ngày, sau khi đi trường về, cô lại tất bật lo cơm nước, thuốc men cho chồng, chăm sóc các con. Nhiều khi nấu cơm xong thì không thấy chồng, cô lại lọ mọ đạp xe đi tìm. Có thời điểm bất đắc dĩ cô Dục phải xích chân chồng lại hoặc khóa trái cửa.
Chồng thường quấy phá, bỏ đi khiến người vợ nhiều lần cất công tìm kiếm. Nhiều hôm đi trường về, chứng kiến căn nhà tang hoang vì những lần chồng lên cơn tâm thần khiến cô bất lực. Nhưng vì hai đứa con, vì tương lai phía trước, cô lại lặng lẽ dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Đầu giờ chiều, cô lại vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy học.
Thời gian trôi đi, cô Dục chấp nhận hoàn cảnh. Điều an ủi lớn của cô là việc hai đứa con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Cháu Võ Minh Đạt, con trai đầu của vợ chồng cô từng thi đậu trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Nhưng vì điều kiện gia đình nên là Đạt không nhập học mà quyết định theo học trường làng. Với tố chất thông minh, Đạt học đều các môn, nhất là những môn về tự nhiên.
Năm lớp 11, Võ Minh Đạt xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa môn toán tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An. Mới đây, cậu học trò ấy đã thi đậu Đại học Y Dược Huế với chuyên ngành Bác sỹ đa khoa.
Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên từ khi trở thành sinh viên, Đạt luôn nỗ lực vươn lên.Với mong muốn tự lực, giảm gánh nặng cho mẹ, cậu sinh viên ấy đã làm thêm nhiều nghề như làm gia sư, buôn chuối.
Hay tin con làm thêm những công việc ấy, cô Dục phản đối vì không muốn con khổ. Nhưng người con nhất quyết vừa học, vừa làm. Đạt từng tâm sự muốn trở thành bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho bố và người thân.
Cô Dục tâm sự, sau nhiều năm làm giáo viên, tài sản lớn nhất của vợ chồng là hai đứa con. Các con cũng chính là động lực giúp cô vượt qua những khó khăn, chông gai trên đường đời.
Giữa lời tâm sự của cô Dục thì người thân chở thầy Võ Minh Diệu về. Ngồi trên giường, người thầy một thời liên tục độc thoại, không quan tâm những người xung quanh. Thi thoảng, thầy lại rút một hơi thuốc thật dài.
Nói về hoàn cảnh gia đình thầy Diệu, ông Hồ Đức Luyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên cho hay, nhiều năm trước, thầy Võ Minh Diệu từng là giáo viên dạy toán giỏi. Nhưng không hiểu vì biến cố, hay chấn động tâm lý gì mà thầy phát bệnh thần kinh.
Chứng kiến hoàn cảnh của thầy, mọi người đều thương cảm, tiếc cho một tài năng. Về mặt chính quyền, địa phương thường đến thăm hỏi vào những dịp lễ tết. Dù biết khó khả thi nhưng mọi người đều không ngừng hi vọng một ngày nào đó thầy Diệu sẽ khỏe lại để tiếp tục sự nghiệp trồng người.