Đứa trẻ bất hạnh
Đi theo con đường đất ngoằn ngoèo bên những thửa ruộng khô cằn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà tạm bợ của gia đình em Dân. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé chân đất, đầu trần lấm lem bùn đất vừa đi bắt ốc, bắt cá về. Thấy chúng tôi hỏi, cậu bé ngoan ngoãn đáp lời và mời vào nhà.
Nói là nhà nhưng đó chỉ là những mảng đất bùn xen những tấm ni lông, bao xi măng chấp vá rách tả tơi. Ngôi nhà chẳng có cửa, gió lùa tứ phía. Mái nhà là những tấm tôn mục nát sẵn sàng rơi bất cứ lúc nào. Nền nhà đắp đất bùn, chỗ lồi chỗ lõm, nếu ai đó mới vào không quen dễ vấp ngã té nhào.
Bên trong ngôi nhà, chúng tôi cố tìm xem có vật gì gọi là tài sản, nhưng chẳng có gì, duy có chiếc giường cũ kỹ đặt xiêu vẹo cuối góc. Đó vừa là bàn tiếp khách, vừa là bàn học của Dân.
“Cái giường là nơi bà ngoại với cháu của em ngủ. Còn em, khi ngủ thì lấy tấm ni lông trải xuống nền nhà, ngủ dậy thì xếp lại để có chỗ đi ra đi vào. Tại cái nền không bằng phẳng nên mỗi khi ngủ dậy là cái lưng của em đau như muốn gãy vậy”, Dân cho biết.
Nghe tiếng người lạ, một cụ bà từ phía sau ngôi nhà bế đứa cháu nhỏ đi vào, vừa đi vừa họ sù sụ. Đó là bà Bùi Thị Năm (SN 1950, bà ngoại của Dân). Còn đứa bé mới 15 tháng tuổi là cháu cố của bà Năm, con của chị gái Dân.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Năm cho biết: “Mẹ Dân mang bầu thì cha nó bỏ đi, sinh Dân ra được 1 tuổi thì mẹ nó cũng bỏ vào Nam. Sau đó mẹ nó lấy chồng nữa, bây giờ có con cái riêng rồi. Từ ngày mẹ nó bỏ đi, một mình tôi phải vất vả lo cho 2 chị em nó.
Đứa chị năm nay 20 tuổi, đã có chồng, sinh được đứa con nhưng rồi cũng để lại đứa nhỏ cho tôi nuôi, còn nó vào TP.Hồ Chí Minh làm thuê làm mướn kiếm sống. Mỗi tháng nó gửi về cho tôi dăm bảy trăm lo cho con nó gói cháo, hộp sữa”.
Theo lời bà Năm, ngày mẹ cháu Dân bỏ đi, gia tài lớn nhất của bà là 2 đứa cháu với ngôi nhà đất tạm bợ nhưng khi ấy ngôi nhà vừa được trét bùn, còn bây giờ đã rách nát tứ tung. Bao nhiêu năm, bà Năm phải chạy ngược chạy xuôi, làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để lo cho 2 đứa cháu có cái ăn cái mặc.
“Có những hôm, tôi đi cắt lúa thuê cho người ta, vì cố làm cho xong trong ngày nên đến hơn 7 giờ tối mới về, đi được nửa đường thì trời mưa tầm tã nhưng vẫn phải về để xem 2 đứa cháu thế nào. Về nhà, thấy 2 đứa ngồi co ro khóc trong góc nhà, mình mẩy ướt như chuột lột. Nhìn cảnh đó, tôi chỉ biết ôm các cháu mà khóc”, bà Năm rưng rưng nước mắt.
Rồi, khi đứa cháu gái lớn hơn một chút cũng phụ giúp bà Năm việc nhà nhưng tuổi đời chưa được bao nhiêu, em lấy chồng rồi lỡ dở, bà Năm lại phải thêm gánh nặng nuôi đứa cháu cố chỉ mới 1 tuổi. Cộng vào đó, ngôi nhà mỗi ngày một rách nát, đã không ít lần mưa to, mái rơm lợp đã mục nát nên ở trong nhà mà chẳng khác gì ngoài trời.
Bà Năm kể: “Bây giờ trời mưa cũng chẳng biết đi đâu mà trú, hàng xóm thì ở cách xa, đường đất bùn lại trơn trượt, mấy bà cháu chỉ còn biết mặc áo mưa ngồi ôm nhau cho ấm. Tội nhất là đứa bé, nó còn quá nhỏ mà chịu cảnh như thế này tôi thấy xót lắm. Nhưng cảnh đời mình nghèo thì chẳng biết phải làm sao”.
|
Ngôi nhà được che bằng những tấm ni lông rách nát của gia đình Dân. |
Bắt ốc, mò cua nuôi cả nhà
Mấy năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, cộng với trước đó nhọc nhằn mưu sinh không kể ngày đêm nên bà Năm bị viêm khớp nặng, rồi viêm phổi, huyết áp thấp nên chỉ loay hoay ở nhà nấu bữa cơm chứ chẳng làm được việc gì. Cũng từ đó, mọi việc lo toan đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của cháu Dân.
“Học một buổi, còn một buổi, em lại tranh thủ đi mò cua, bắt ốc ở các khe suối, bán được khoảng 10 ngàn để mua ít mắm, cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Hôm nào mưa to không bắt được cua, ốc thì cả nhà chỉ ăn cơm với muối thôi. Chán quá thì lại nấu cháo trắng ăn rau rừng”, Dân tâm sự.
Những hôm nghỉ học cả ngày, Dân phải lặn lội đi bộ gần 7 cây số đến nhà người ta để tách hạt điều. Vất vả, khó nhọc nhưng đó là việc một cậu học trò như Dân có thể làm để kiếm ra tiền, chứ những việc khác thì Dân không có nhiều thời gian để theo làm thường xuyên.
Dân cho biết: “Tách hạt điều ăn theo sản phẩm, chứ không phải ngày công. Hôm nào cố hết sức thì cháu cũng được 25 ngàn, còn không thì 20 chục ngàn. Số tiền ấy cháu để dành đưa cho ngoại để ngoại mua thứ gì tẩm bổ, chứ ngoại đau miết, cháu sợ ngoại có chuyện gì thì mình chẳng biết sống với ai”, Dân nói trong nghẹn ngào.
Nghe Dân nói vậy, nước mắt của bà Năm lăn dài trên gò má. “Thấy tôi đau ốm, nên Dân đi hái rau, bắt ốc, làm hạt điều để lo cho tôi. Đến năm học, mấy đứa trong xóm ai cũng có quần áo mới để mặc, còn người nó nhìn đâu cũng thấy bùn đất”, bà Năm chực trào nước mắt.
Đang ngồi trò chuyện với hai bà cháu thì một nhóm thanh niên làm từ thiện ở địa phương, người mang thùng mì tôm, người ôm mấy ký gạo, người xách mấy chai nước mắm, lít dầu… đến thăm hai bà cháu Dân. Họ bảo, ở địa phương chưa gặp hoàn cảnh nào bất hạnh như vậy.
Nhiều lúc họ muốn giúp đỡ bà cháu Dân vượt qua khó khăn nhưng vì hoàn cảnh ai cũng khó khăn nên chỉ giúp đỡ theo khả năng của mình, được phần nào hay phần nấy.
Tận tay trao tặng Dân chiếc điện thoại mới, chị Thúy Hồng, một thành viên đội từ thiện cho biết: “Lần đầu tiên biết được hoàn cảnh của cháu, tôi không sao kìm được nước mắt. Tôi chỉ mong có một phép màu nào đó giúp đỡ cho Dân vượt qua cơn khốn khó.
Tôi chẳng mong gì nhiều, chỉ mong Dân có được cuộc sống về vật chất như bao bạn bè cùng trang lứa, còn tinh thần thì khỏi nói rồi, ngay từ nhỏ cháu đã không biết cha là ai, mẹ thì bỏ đi biệt xứ”.
Khi được chúng tôi hỏi về ước mơ và mong muốn của mình, Dân im lặng một lúc rồi nói: “Em muốn có tiền để sửa lại ngôi nhà cho bà và cháu của em ở. Cháu muốn có tiền để được đi học, để sau này đi làm kiếm tiền nuôi bà, nuôi cháu”.
“Tôi thì già yếu rồi, có chết đi cũng chẳng sao. Tôi chỉ mong sao có ai đó giúp thằng Dân với, giúp nó để được đi học, để không còn đi lội mương, lội suối mò cua bắt ốc nữa”, có lẽ mong muốn của bà Nhung cũng là mong muốn của chúng tôi, những người được nghe về câu chuyện của cháu.
Ông Huỳnh Văn Bảy, Trưởng thôn Phước Lộc, cho biết: “Gia đình cháu Dân thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên thăm hỏi mấy bà cháu nhưng cuộc sống của gia đình quá nghèo, nên sự hỗ trợ cũng chưa được là bao.
Hy vọng, những tấm lòng hảo tâm sẽ giúp sức cho gia đình cháu Dân bớt khó khăn hơn, đặc biệt là chỗ ăn ở. Bởi mưa to không khéo nhà sập mất."