Mưu trí bắt sống “giặc lái” Mỹ
Ngày 7,8 và 11/02/1965, Mỹ đánh vào Đồng Hới mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc XHCN rồi theo chiến thuật “vết dầu loang”, đánh ra các huyện, phá những công trình giao thông, nhà kho trọng yếu.
Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo dân cư những vùng trung tâm thị trấn các huyện cũng phải sơ tán về miền Tây hạn chế thương vong.
Chi bộ Đảng thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, cử ông Hoàng Đại Tranh (SN 1929), dẫn 12 gia đình của HTX đi tiền trạm nhằm tạo cơ sở vật chất ban đầu đưa tiếp các hộ dân ở địa phương đi “khai phá miền Tây”.
Địa điểm mà 12 hộ thôn Đông Thành dừng chân là một vùng trũng giữa bạt ngàn đồi hoang phía Tây Lệ Thủy, cách phà Thác Cóc trên đường Hồ Chí Minh khoảng 3km đường chim bay.
Chiều 1/3/1965, những người dân thôn Đông Thành đi tiền trạm mở làng mới bỗng nghe tiếng pháo phóng không nổ dậy trời. Đó là tiếng pháo của bộ đội đóng ở Bang, cách chỗ họ chừng 3km, bắn trả máy Mỹ đến oanh tạc mục tiêu ở phà Thác Cóc. Một chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy, đâm vào rừng sâu phía Tây.
Hoàng hôn vùng núi phủ xuống rất nhanh. Núi rừng phút chốc trở lại yên tĩnh. Hôm sau (2/3/1965), ông Tranh cùng ông Lê Văn Mừng (SN 1935) và Võ Văn Ét (SN 1932) vào rừng chặt cây để hoàn thiện dàn bò HTX.
“Công việc xong xuôi, ba chúng tôi liền nảy ý định lên đồi hái dâu đưa về làm quà cho vợ con. Đi được một quãng, qua lối hẻm, tôi bỗng thấy một ông Tây nằm sấp mình với bộ điện đài phía trước mặt.
Nghe có tiếng người, anh ta nghiêng mình, rút súng toan bóp cò. Là một dân quân, trước đó từng được Huyện đội Lệ Thủy huấn luyện về việc bắt sống phi công Mỹ, tôi ý thức được rằng, trước mặt mình đích thị là một giặc lái, bị bộ đội đóng ở Bang bắn hạ chiều tối hôm qua, nhảy dù thoát chết mà các lực lượng dân quân, bộ đội đang lùng sục nhưng chưa tóm được.
Tôi nhanh nhẹn cúi xuống, cầm một hòn đá tròn to, vung lên hét lớn: “Stop! Stop!” (Dừng lại! Dừng lại!). Ông Ét cũng vung cái gậy cùng ông Mừng xông tới. Phi công Mỹ không dám liều lĩnh. Tôi liền hô tiếp: Hen dấp! Hen dấp! (Giơ tay lên! Giơ tay lên!), tước súng từ tay hắn và đưa lên trời, bắn chỉ thiên ba phát”, ông Tranh hồi ức.
Trung úy phi công Lốc Hát lập cập đứng dậy, hai tay đưa lên trời. Ông Tranh nghĩ rằng nguy cơ có thể xảy ra nếu cái điện đài kia đang hoạt động. Ông liền cầm cả cái máy ném vào đá. Sau này ông mới biết, bộ điện đài của Lốc Hát hỏng từ khi rơi xuống đất vì va vào đá. Anh ta đang nằm cố chữa nhưng không tài nào chữa được.
Lốc Hát quá đói, quá khát nên lấy ngón tay chỉ vào mồm, ra hiệu. Ông Tranh hiểu ý liền lấy cơm và muối vừng gói trong mo cau đưa cho. Lốc Hát lắc đầu. Biết là viên phi công Mỹ đang khát, ông đưa cái bi đông nước chè xanh pha đường mà vợ đã lo cho ông trước khi vào rừng. Anh ta tu ngon lành, gật đầu, tỏ rõ sự cảm ơn. Lúc sau, anh ta mới bắt đầu ăn ngấu nghiến hết nắm cơm đi rừng của ông.
Viên phi công Mỹ đã trở thành tù binh, tỉnh táo hơn và ngoan ngoãn bước đi trước vũ khí là hòn đá và cái gậy của ba nông dân thôn Đông Thành. Ra đến đường cái, họ gặp một chiếc xe quân dụng của anh nuôi ở Vĩnh Linh đi mua thực phẩm cho đơn vị.
Ông Tranh giao nhiệm vụ cho ông Mừng và ông Ét theo xe ô tô, áp giải Lốc Hát, mặc dầu biết xe này sẽ vào tận Vĩnh Linh. Còn ông, bụng đói meo, vẫn chạy bộ hơn 12km, mang theo những vật thu được của Lốc Hát gồm giấy tờ quân tịch, bản đồ, súng và bộ máy bộ đàm hỏng bét về Huyện đội Lệ Thủy.
Một tiếng sau, Lốc Hát được xe con của Tỉnh đội Quảng Bình vào tận Vĩnh Linh theo quốc lộ 1A đón về Đồng Hới. Ông Tranh sau khi bàn giao chiến lợi phẩm của tù binh Lốc Hát cho Huyện đội lại trở về nhà. Bà con trong làng, trong xã, các xã lân cận nghe tin đã kéo đến đông nghịt để chúc mừng ông và nghe kể lại tường tận câu chuyện.
Ông Hoàng Đại Tranh dẫn giải tù binh Lốc Hát |
Chuyện chưa kể về bức ảnh
Ông Tranh kể tiếp: “Hôm sau, xe con của tỉnh ở Đồng Hới lên đón ông Ét, ông Mừng và tôi trở lại hiện trường, chỗ ba người hôm qua bắt sống Lốc Hát. Một lúc sau, một xe con khác từ Đồng Hới lên, theo đường 15A, chở Lốc Hát theo, có cả Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi cùng.
Bí thư Tỉnh ủy nói với chúng tôi rằng cần có những thước phim và một số tấm ảnh đẹp, chụp tại hiện trường để cả thế giới biết rõ thêm Quảng Bình đã bắt sống giặc lái như thế nào trong những ngày lịch sử này”.
“Trung úy Lốc Hát lại gặp chúng tôi, cúi đầu chào. Người quay phim và chụp ảnh là một phóng viên Nhật Bản, đầu hói, béo mập, lủng lẳng bên hông nào túi máy, túi phim, túi đựng sổ sách. Ông ấy bố trí tôi cầm súng trường K44, ông Ét cầm rựa, ông Mừng cầm gậy.
Phi công Lốc Hát đưa hai tay hàng đi trước. Chúng tôi giải anh ta đi sau. Phóng viên Nhật Bản bấm máy, ánh đèn xanh chớp lia lịa. Người trong phim và ảnh là người thật, việc thật, nhưng chi tiết đã được cải hóa.
Phim quay về chúng tôi dẫn giải tù binh Mỹ, cho đến giờ tôi vẫn chưa được xem, còn tấm ảnh hiện giờ từng treo ở nhiều Trung tâm văn hóa và lịch sử chỉ là một trong những tấm ảnh quý được ghi hình từ thuở đó, còn lưu lại đến hôm nay, thiếu mất hình ảnh ông Ét và ông Mừng”.
Ông Tranh còn cho biết, hòn đá và chiếc gậy, vũ khí để bắt sống Lốc Hát, sau đó được Bảo tàng quân đội vào lấy đưa ra Hà Nội, trưng bày trong tủ kính làm hiện vật, bằng chứng của một chiến công mà nhân dân Quảng Bình từng dùng đánh Mỹ trong những ngày đầu chống chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Còn Lốc Hát, được đưa về tỉnh, sau đó được đưa ra Hà Nội, làm những “vị khách” tù binh phi công Mỹ đầu tiên tại nhà giam Hỏa Lò.
Cựu chiến binh phi công Lốc Hát, nay ông đang ở đâu? Nếu trở lại thăm Lệ Thủy, Quảng Bình thì ông sẽ được tắm nước khoáng suối thiên nhiên ở Bang, khi phun lên ở bể chứa nóng những 1050C. Rồi uống nước khoáng Bang nổi tiếng khắp thế giới vì chữa trị được bách bệnh, theo công nghệ Italia 5 vạn chai/ngày.
Lúc đó, nếu cần, ông Tranh hiện đang sống với con cháu tại thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy sẽ mời ông dùng lại thứ nước chè xanh pha đường và cơm nắm chấm muối vừng gói trong mo cau mà những người nông dân Lệ Thủy ngày xưa từng cứu sống ông.
Và tại thôn Thác Cóc, xã miền núi Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, ông Lê Văn Mừng đã mất nhưng ông Nguyễn Văn Ét, đang bám trụ với các con cháu ở làng mới trong những ngày đi “khai phá miền Tây” 1965 cho đến bây giờ.
Làng quê ấy nay có đường sá phẳng phiu, nhà tầng nhà cấp 4 xen nhau, đêm đêm điện đỏ sáng rừng. Chè xanh, thơm, vải thiều, cao su, cà phê xanh bạt ngàn trong màu xanh trù phú của vùng đất ngày một giàu mạnh, tươi đẹp, phồn vinh.