Lũ về không báo trước
Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là địa phương bị thiệt hại nhất do mưa lũ vừa qua. Hạ tầng giao thông của huyện bị chia cắt do đất đá sạt lở, ngập trong bùn đất. Các phương tiện di chuyển rất khó khăn đến trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa. Người dân vùng cao vốn lam lũ giờ trắng tay.
Tan hoang, trắng tay và đau thương là hình ảnh còn lại sau đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của người dân ở huyện miền núi biên giới Mường Lát. Nơi đây vừa trải qua trận lũ kinh hoàng, nhà cửa bị vùi lấp dưới hàng trăm mét khối đất đá. Nhiều ngôi nhà không còn tài sản có giá trị vì bị nước lũ cuốn trôi.
Mường Lát sau 10 ngày bị mưa lũ hoành hành, khắp các bản làng, đâu đâu cũng là cảnh sạt lở, đổ nát, hàng trăm người dân chưa hết bàng hoàng khi thấy nước lũ đổ về cuồn cuộn, cuốn phăng tất cả tài sản, nhà cửa. Đường trong bản ngập bùn sâu, ngổn ngang đất đá dấu vết bùn lũ vẫn còn hiện hữu trên nóc nhà và trong trong tâm trí của người dân.
Người dân huyện Mường Lát cho hay đây được coi là trận lũ lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Pọong, kể lại: “Đúng 12 giờ trưa lũ lao xuống cuốn trôi 5 căn nhà, may chúng tôi còn kịp hô cả bản chạy, rồi chủ động cắt cử mọi người tập trung dân, bây giờ không cần nhà nữa mà cứu dân, cứ nghe khẩu lệnh mà chạy”.
Vợ chồng anh Lộc Văn Linh (32 tuổi, ở bản Táo, xã Trung Lý) cho hay: Đêm 30/8, khi vợ chồng anh đang ngủ thì thấy tiếng động lớn, nước và đất ở đâu đổ về tràn vào nhà. “Tôi chỉ kịp gọi vợ và đánh thức 2 đứa con nhỏ dậy ra ngoài. Đến rạng sáng hôm sau, nước lũ về nhanh quá khiến ngôi nhà bị cuốn trôi, vợ chồng tôi giờ chẳng còn gì trong tay. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng nước lũ kinh hoàng đến thế”, anh Linh nói.
Ngồi thẫn thờ bên mép cửa, bà Nguyễn Thị Thai (60 tuổi) nghẹn ngào: “Tôi già rồi, chẳng biết làm gì giúp con cái. Sống ở đây đến tận bây giờ tôi mới thấy cảnh tượng lũ dữ như thế. Nhà cửa bị cuốn trôi, gà, lợn, trâu bò cũng trôi cả xuống sông, xuống suối. May nhờ có bộ đội cưu mang chứ không chẳng biết phải ở đâu”.
|
Người dân Mường Lát. |
Thống kê sơ bộ, huyện Mường Lát có 7 người chết và mất tích. Mưa lũ đã làm gần 400 ngôi nhà bị sập. Có 28 điểm trường và các phòng học, nhà bán trú bị đổ, hư hỏng nặng. Hơn 600 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu đã phải di dời đến nơi an toàn.
Có 3 xã bị chia cắt là Quang Chiểu, Mường Chanh và Mường Lý. Nguồn cung cấp xăng, dầu trên địa bàn cũng gần cạn kiệt, gạo ăn cũng bắt đầu thiếu... Đặc biệt, hệ thống nước sinh hoạt của người dân đang rất khó khăn vì các đường ống dẫn nước bị hư hỏng hết.
Thiếu lương thực, nước uống
Tính đến ngày 7/9, tuyến đường nối TP Thanh Hóa lên thị trấn Mường Lát vẫn bị chia cắt. Muốn lên đến trung tâm huyện phải vượt 250 km bằng các phương tiện ô tô, xe máy, đi xuồng, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5km. Vì vậy, việc vận chuyển gạo cũng như các nhu yếu phẩm để cứu tế cho người dân Mường Lát gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại huyện Mường Lát chỉ có thể tiếp nhận gạo, các hàng cứu trợ của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm tại UBND xã Trung Lý và Đồn Biên phòng Trung Lý (cách thị trấn Mường Lát gần 40km).
Không chỉ tuyến đường huyết mạch lên huyện Mường Lát bị chia cắt, cô lập, đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã cũng bị lũ cuốn trôi khiến việc vận chuyển hàng cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Để đến các xã Mường Chanh, Quang Chiểu, Tén Tằn, Pù Nhi, Nhi Sơn... chỉ có cách đi bộ băng rừng, lội suối hàng chục km.
Ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, toàn huyện hiện có hàng nghìn người dân ở các xã Mường Chanh, Quang Chiểu, Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý, Tén Tằn, Pù Nhi, Nhi Sơn... đang thiếu lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu. Đây đa phần là những hộ bị lũ cuốn trôi nhà cửa và tài sản. Hàng nghìn em học sinh các cấp thiếu sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập…
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát nói: "Tính đến ngày 6/9, huyện đã nhận được trên 4 tấn gạo cùng nhu yếu phẩm cứu trợ từ UBND tỉnh Thanh Hóa. Để vận chuyển được số gạo này lên tới nơi khá vất vả do quốc lộ 15C đang bị ách tắc.
Số gạo cùng nhu yếu phẩm khác đang tập kết tại Đồn Biên phòng Trung Lý và trung tâm UBND xã. Bộ đội và địa phương đã phải đi xe máy vượt qua các đoạn đường sạt lở, rừng núi hiểm trở mang tới bờ sông Mã đưa lên canô chở về trung tâm thị trấn huyện Mường Lát tiếp tế cho người dân".
|
Đường lên Mường Lát. |
Không chỉ thiếu lương thực, do mưa lũ cuốn trôi hệ thống ống nước nên hiện nay người dân Mường Lát đang thiếu trầm trọng nguồn nước uống, nước sinh hoạt. Mỗi ngày, hàng trăm người dân phải ra mó nước ngay bên cầu Mường Lát để tắm, giặt và lấy nước về sinh hoạt. Hiện nay, mặt hàng xăng dầu cũng đang khan hiếm, người dân chủ yếu mua xăng lẻ ở các cửa hàng tạp hóa để đi lại.
Đến thời điểm này, hàng trăm người dân bản Poọng, xã Tam Chung đang được lực lượng bộ đội biên phòng, Huyện đội và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 chăm sóc sức khỏe và lo nơi ăn, chỗ ở tạm vì không còn nhà cửa để ở. Ông Hà Văn Thiếu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung (Mường Lát) cho biết, mưa lũ gây thiệt hại lớn cho địa phương. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 136 căn nhà của người dân bị sập, bùn lấp…
Trong đó, bản Poọng bị thiệt hại nặng nề nhất với 65 căn nhà bị trôi, sập hoàn toàn. Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Tam Chung đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn tổ chức sơ tán hàng trăm người dân ở bản Poọng qua các khu vực sông suối nguy hiểm đến nơi ở an toàn. Đồng thời, lực lượng bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ lương thực và nước uống cho người dân được sơ tán, tổ chức cấp cứu kịp thời và đưa các nạn nhân bị nhà sập đè lên tuyến trên.
Ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, trận lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân ở Mường Lát. Tại bản Poọng, xã Tam Chung, trong 89 hộ dân, 32 hộ có nhà sập hoàn toàn, chỉ còn 10 hộ nguyên vẹn, các hộ còn lại bị vùi lấp, hư hỏng. Cả bản có 417 khẩu đều phải sơ tán đến các nơi như: Đồn Biên phòng Tam Chung, trụ sở Huyện đội, Đội sản xuất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5…
Trận lũ vừa qua đã khiến 114 nhà dân trên địa bàn các xã như: Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mương Chánh sập hoàn toàn. 199 hộ phải sơ tán, di dời, chưa có nhà ở, bà con đang phải đi ở nhờ”, ông Thông nói.
Trước những khó khăn trên, sáng 5/9 các thầy cô và nhà trường trên địa bàn huyện Mường Lát vẫn cố gắng tổ chức lễ khai giảng theo đúng kế hoạch đối với các trường học ít bị ảnh hưởng do mưa lũ. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, hiện nhiều phòng học, nhà giáo viên, nhiều lớp học vẫn chưa thể bắt đầu do lượng bùn đất tràn vào vẫn chưa kịp thu dọn. Qua thống kê, hơn 700 học sinh của ba cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại Mường Lát đã không thể đến trường khai giảng năm học mới.
Chưa bao giờ huyện nghèo Mường Lát phải oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như lúc này. Hiện tại cả hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc một cách khẩn trương quyết liệt để cùng người dân nơi đây sớm khắc phục hậu quả ổn định cuộc sống. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã chính thức kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, các nhà hảo tâm chung tay góp sức vì đồng bào vùng lũ.