Xót xa ngôi chùa nổi tiếng thành hoang phế

(PLO) - Trên quốc lộ 53 về tỉnh Trà Vinh, đoạn qua thị trấn Càng Long (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) có một ngôi chùa với quần thể kiến trúc xây bê tông cốt thép kiên cố bị bỏ hoang nhiều năm nay, đó là chùa Hảo Tâm. 

Đây là ngôi chùa nổi tiếng được cụ Nguyễn Văn Hảo xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, cạnh đó là phần mộ của cụ Hảo và khu nghĩa trang từ thiện dành cho người nghèo. Liên quan đến ngôi chùa Hảo Tâm bị bỏ hoang là nỗi đoạn trường gian nan 40 năm khiếu nại xin lại ngôi chùa, xin lại đất của những thế hệ con cháu ruột cụ Nguyễn Văn Hảo. 

Từ xa nhìn lại quần thể chùa Hảo Tâm vẫn bề thế, uy nghi nhờ thiết kế bê tông cốt thép kiên cố dù đã tồn tại hơn nửa thế kỷ

Từng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng

Ông Nguyễn Tâm Triều (SN 1963, đăng ký thường trú tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM) hiện trú tại chùa Hảo Tâm (tổ 8, khóm 4, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho biết: ông nội ông là cụ Nguyễn Văn Hảo - người dành rất nhiều của cải và tâm sức tạo lập nên ngôi chùa Hảo Tâm từng là địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh nhưng đã bị bỏ hoang trên 30 năm qua.

Theo các tài liệu ông Triều cung cấp, vào các năm 1928, 1932, 1933, cụ Nguyễn Văn Hảo có mua 5 thửa đất tại xã Mỹ Cẩm, tổng Bình Khánh Thượng, tỉnh Vĩnh Bình (nay thuộc khóm 4, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Trà Vinh), tổng diện tích 151.602m2. Sau khi mua, toàn bộ diện tích đất trên cụ Hảo quản lý, sử dụng. Đến năm 1960, cụ Hảo xin phép xây dựng chùa Hảo Tâm Tự trên khu đất này và được quận trưởng Càng Long chấp thuận. 

Chùa Hảo Tâm được kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế với kiến trúc độc đáo, cầu kỳ, được xây dựng kiên cố bê tông cốt thép, có thể coi là một trong những công trình bề thế, hiện đại nhất của đất Càng Long thời bấy giờ. Điểm nhấn của quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh này là tòa “cửu phẩm”- một ngọn tháp cao 9 tầng thiết kế mái cong, họa tiết rồng chầu. Xung quanh ngôi chùa là hệ thống tiểu cảnh với hồ nước, vườn hoa, cầu cuốn.

Cạnh chùa, cụ Hảo cho xây dựng dãy nhà 16 căn gồm một lầu một trệt khang trang, trên tường có đắp nổi một số bức phù điêu họa tiết rất tinh tế, dùng để cho các tăng ni và tín đồ phật tử ở. Cùng thời gian này, cụ Hảo còn mua đất và cho xây 6 căn nhà khác ở phố chợ thị trấn Càng Long. Sau khi công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng, chùa Hảo Tâm trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân huyện Càng Long và vùng lân cận. Khi đã có tuổi, cụ Nguyễn Văn Hảo cùng vợ là bà Nguyễn Thị Dài chuyển từ Sài Gòn về khu chùa Hảo Tâm để tiện bề nhang khói và quản lý nhà đất. 

Năm 1966, cụ Hảo và bà Dài làm đơn hiến chùa Hảo Tâm và các căn nhà tại chợ thị trấn Càng Long cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý với điều kiện khi còn sống thì vợ chồng cụ hưởng hoa lợi từ tài sản và duy trì hoạt động của chùa Hảo Tâm theo đường lối của Giáo hội Phật giáo. Năm 1971, cụ Hảo qua đời được an táng tại khu mộ gần khuôn viên chùa Hảo Tâm; bà Dài tiếp tục quản lý tài sản, duy trì hoạt động của chùa Hảo Tâm.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Dài vẫn tiếp tục sinh sống, quản lý ngôi chùa Hảo Tâm. Ngày 1/7/1976 Viện trưởng Viện hóa đạo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM) có Công văn số 0133 do đại đức Thích Quảng Độ ký, gửi bà Nguyễn Thị Dài (vợ ông Nguyễn Văn Hảo) thông báo về việc trước đây bà có hiến ngôi chùa Hảo Tâm cho Giáo hội và Giáo hội đã giao cho Ban đại diện giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh trông coi.

Nhưng nay vì thiếu nhân sự nên Giáo hội Trà Vinh đã hoàn trả lại ngôi chùa Hảo Tâm trong văn thư số 012-BĐD/VP ngày 19/10/1975 và đã báo cáo Giáo hội Trung ương về việc này. Giáo hội Trung ương cũng đã đồng ý và kể từ ngày đó giáo hội không còn trách nhiệm gì về ngôi chùa Hảo Tâm nữa. Tất cả những giấy tờ liên quan đến ngôi chùa, giáo hội sẽ hoàn trả lại bà ngay khi làm xong thủ tục”. 

Tại Công văn số 0184 ngày 26/9/1976 cũng do đại đức Thích Quảng Độ ký nêu rõ: Viện hóa đạo đã thông báo việc trao trả ngôi chùa Hảo Tâm đến UBND Cách Mạng huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) bằng Văn thư số 0300-VHĐ/VP ngày 24/10/1975. Như vậy gần 10 năm sau khi làm thủ tục hiến chùa cho Giáo hội Phật giáo nhưng được Giáo hội “trả lại”, bà Dài đã nhận lại ngôi chùa và các tài sản, tiếp tục sinh sống và duy trì nhang khói, quản lý ngôi chùa. 

Tuy nhiên sau đó có việc Ủy ban cách mạng huyện Càng Long đã thu nạp toàn bộ đất đai, tài sản của cụ Nguyễn Văn Hảo tại huyện Càng Long, trong đó có chùa Hảo Tâm. Ngày 24/9/1976, bà Dài có tâm thư kính gửi UBND cách mạng huyện Càng Long xin cứu xét liên quan đến việc huyện thu nạp chùa Hảo Tâm.

Theo đó, bà Dài có nguyện vọng xin lại ngôi chùa và phần diện tích lân cận (nghĩa trang có mồ mả thân tộc) để thờ tự, xin lại 15 công rẫy và 48 công ruộng để canh tác và được chính quyền chấp thuận bằng cách có để lại một phần nhà (5 phòng) và 5 công ruộng cho bà Dài sinh sống.

Năm 1979, bà Dài qua đời thì chính quyền thu lại toàn bộ chùa và nhà, đất khiến ông Nguyễn Tâm Thạnh là con trai cụ Hảo tiếp tục khiếu nại xin lại phần chùa và nhà đất. Như vậy, từ năm 1976, gia đình cụ Hảo đã có đơn xin lại ngôi chùa và nhà đất, tài sản liên quan nhưng vẫn không được giải quyết hợp lý, hợp tình.

Công trình bề thế thành phế tích

Sau khi bà Dài mất, ngôi chùa Hảo Tâm bị huyện Càng Long thu nạp lại. Ông Nguyễn Tâm Thạnh (86 tuổi, con cụ Hảo) nghẹn ngào kể lại: “Quá trình thu nạp ngôi chùa, hầu hết những tài sản quý như đồ thờ đều bị kê biên đem đi. Một số tượng phật, đồ thờ khác thì bị giam vào một phòng kín trong chùa, trải qua thời gian, bụi bẩn, ẩm mốc tàn phá gây xuống cấp trầm trọng. Nhiều căn phòng trong dãy nhà 16 căn xây kiên cố bê tông cốt thép cạnh chùa sau đó cũng bị đập bỏ…” Cũng thời gian này, nhiều hộ dân chiếm dụng diện tích đất xung quanh chùa Hảo Tâm sinh sống, xây dựng nhà cửa, dựng quán bán hàng khiến gia đình ông Thạnh phải đệ đơn khiếu nại. 

Theo quan sát hiện trạng, mặc dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng do kiến trúc kiên cố, bê tông cốt thép nên nhìn từ trên lộ, chùa Hảo Tâm trông vẫn khá bề thế với mái vòm và tòa tháp 9 tầng uy nghi. Tuy nhiên đến gần quan sát, mới thấy xót xa cho công trình văn hóa tâm linh bề thế bị bỏ hoang, cỏ mọc rậm rạp, quanh đó là các quán xá do các hộ dân chiếm dụng “muôn hoa đua nở”. Trên bức tường chùa, chen lẫn với biển quảng cáo gội đầu, sơn móng là những nét vẽ bậy nghuệch ngoạc, nhem nhuốc. Duy chỉ một bức phù điêu đắp nổi cảnh đồng quê là còn nguyên vẹn, trơ gan cùng tuế nguyệt. 

Ông Nguyễn Tâm Thạnh kể lại: “Ngày 12/12/1989, cuộc họp tại UBND huyện Càng Long do Phó Chủ tịch Trần Văn Khoảnh chủ trì đã đồng ý trao trả lại 6 căn nhà phố chợ thị trấn Càng Long cho tôi - Nguyễn Tâm Thạnh (con trai cụ Hảo). Tuy nhiên, ngay sau đó huyện rút lại quyết định này, không đồng ý trả 6 căn nhà phố cho tôi nữa”. 

Năm 1998 UBND tỉnh Trà Vinh giao một phần đất chùa Hảo Tâm cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh để xây dựng khu vui chơi của huyện Càng Long. Theo ông Thạnh trình bày, thời gian này chính quyền huyện Càng Long đã chỉ đạo đập phá toàn bộ dãy nhà 16 căn, cùng các kiến trúc nối liền chùa Hảo Tâm. Năm 1999 huyện Càng Long xây dựng khu vui chơi trẻ em kinh phí 1,7 tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả dẫn đến bỏ hoang, phải thanh lý bán sắt.

Hiện một phần công trình chùa Hảo Tâm được trưng dụng để Phòng văn hóa huyện Càng Long làm thư viện. Tuy nhiên, vào giữa tháng 9/2016 thì bộ phận thư viện cũng đã chuyển đi. Người dân nơi đây cho rằng vì ngôi chùa rất thiêng nên không một cơ quan nào được giao tiếp quản dám trụ lại. 

Ròng rã 40 năm qua, gia đình cụ Nguyễn Văn Hảo liên tục có đơn xin lại chùa Hảo Tâm và nhà, đất nhưng đều bị bác đơn với lý do: Qua quá trình quản lý và sử dụng đất trên đã xác định: năm 1976 chính quyền cách mạng quản lý toàn bộ nhà, đất của gia đình ông Hảo, có để lại một phần nhà (5 phòng) và 5 công ruộng cho bà Dài sinh sống. Năm 1979 bà Dài mất, thân nhân không còn ai sống ở địa phương nên chính quyền thu hồi lại nhà là phù hợp. 

Ông Nguyễn Tâm Triều bức xúc trình bày: “Khi thu nạp tài sản, chính quyền thu cả chùa và cả phần đất mộ của ông bà, gia tộc tôi. Nhưng thật không công bằng khi người giúp việc của bà nội tôi tự ý chiếm dụng đất, những người này còn tự ý ghi giấy viết tay bán đất của gia đình tôi. Hiện những hộ dân vẫn đang sinh sống tại thửa đất được mua bán, chiếm dụng bất hợp pháp đó, thậm chí có người đã được cấp sổ đỏ.

Thật bất công khi chính quyền cấp sổ đỏ cho cả những người chiếm dụng bất hợp pháp đất đai tài sản của ông nội tôi, trong khi chúng tôi là người thừa kế chỉ xin lại một phần tài sản trong đó có ngôi chùa, phần mộ gia tộc để phụng sự tín ngưỡng, chăm sóc phần mộ tổ tiên ông bà nhưng nguyện vọng chính đáng, đúng pháp luật đó lại không được cứu xét”. 

Được biết, sinh thời cụ Nguyễn Văn Hảo giàu lòng nhân ái, hay làm từ thiện, tích cực ủng hộ kháng chiến. Noi gương cha, ông Nguyễn Tâm Thạnh- người con duy nhất của cụ Nguyễn Văn Hảo cũng hết lòng ủng hộ kháng chiến, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, năm 2004 ông Thạnh được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen vì đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Mặc dù trước kia cụ Nguyễn Văn Hảo rất giàu, có nhiều tài sản vậy nhưng thực tế cuộc sống hiện tại của các con cháu cụ rất nghèo khó, thậm chí cơ cực vì hầu hết con cháu cụ không được học hành, không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định. 

“Rất mong chính quyền huyện Càng Long và tỉnh Trà Vinh xem xét đến tình cảnh khó khăn này mà xem xét, giải quyết cho gia đình chúng tôi xin lại ngôi chùa và nhà đất để nhang khói, tín ngưỡng, có đất đai để canh tác, mưu sinh. Thiết nghĩ vụ việc của gia đình chúng tôi cần phải giải quyết lại một cách thấu đáo, thấu lý, đạt tình, có như vậy mới hợp lòng dân, thể hiện được tính nhân văn của chính sách và pháp luật”- ông Nguyễn Tâm Triều nêu nguyện vọng.

Đọc thêm