Mẹ già nuôi con dại
Sau sự cố con trai út là anh Huỳnh Quang Lộc (42 tuổi) bị tâm thần, xách câu liêm suýt chém hai đứa trẻ 4 năm trước, gia đình cụ Nguyễn Thị Quyện (82 tuổi, ở tổ 10, khối Liêm Trực, phường Bình Định) đành xây một căn phòng kiên cố để nhốt con lại. Toàn bộ song cửa đều bằng loại sắt lớn. Ngày ba bữa, cụ Quyện dỗ dành, đút cơm cho con ăn qua song sắt.
Cũng có lúc anh Lộc tỉnh táo, nhưng người mẹ già tóc bạc trắng vẫn không dám bước vào phòng của con trai vì... sợ.
“Năm 16 tuổi, Lộc bắt đầu có triệu chứng trầm trầm, tinh thần sa sút dần. Gia đình cứ nghĩ nó bị ma ám nên cúng vái thầy nọ, thầy kia, cuối cùng bệnh tình nó trở nặng. Ban đầu nhốt trong nhà, lấy xích xích lại, vậy mà nó vẫn tìm cách ra được. Mỗi lần ra ngoài, nó rất hung hăng, cầm dao, câu liêm kiếm người gây chuyện”, cụ Quyện não nuột kể về đứa con bất hạnh.
Theo cụ Quyện, cách đây 10 năm, khi đút cơm cho con trai, cụ bị anh Lộc dùng câu liêm rạch một đường dài trên bắp tay trái, giờ vẫn còn sẹo.
“Lần đó nếu không có người can ngăn thì chắc nó (chỉ anh Lộc-PV) giết chết tôi rồi. Lúc tôi đút cơm cho nó ăn thì nó giãy giụa không chịu ăn rồi đi xuống nhà bếp lấy câu liêm lên rạch vào tay. May nhờ có chị nó và một số người ở gần kéo nó lại, chứ không nó đâm chết cụ lúc đó. Nhưng cụ không trách nó, ngược lại còn cảm thấy thương cho con. Vì con bị tâm thần nên mới làm vậy”, cụ Quyện kể.
Dường như đã quá “nổi tiếng” nên khi nhắc đến cụ Nguyễn Thị Sâm (90 tuổi, ở tổ 3, khối Kim Châu, phường Bình Định) không ai là không biết. Cụ “nổi tiếng” bởi cái nghèo, cái khổ và bất hạnh. Căn nhà mà 2 mẹ con cụ đang ở lụp xụp, chẳng có vật dụng gì đáng giá.
Cụ Sâm ở tuổi gần đất xa trời vẫn còn chăm sóc con bị bệnh tâm thần. |
Vừa nói chuyện với chúng tôi, cụ vừa phải loay hoay dỗ dành đứa con gái bị tâm thần. Lau nước mắt, cụ nói: “Khổ lắm cháu à, gần đất xa trời rồi mà ngày nào cũng phải chăm đứa con tâm thần nên rất mệt”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 20 tuổi, cụ Sâm lấy chồng, hai vợ chồng có với nhau 7 người con. Do ốm đau, bệnh tật, chồng cụ mất sớm. Mọi gánh nặng đều dồn lên vai người đàn bà nhỏ bé, một mình cụ phải lo từng miếng cơm, manh áo cho các con.
Cuộc đời bất hạnh vẫn chưa buông tha cụ khi cô con gái thứ 3 là Dương Thị Chỉnh (năm nay 51 tuổi) mắc bệnh tâm thần, bại liệt từ năm 1992. Nhìn cảnh cụ Sâm đôi chân đi không vững nhưng hàng ngày phải chăm lo cho đứa con gái bị tâm thần, bại liệt khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.
Cụ Sâm nghẹn ngào: “Những đứa con khác có chồng có vợ hết rồi. Cụ ở đây nuôi con gái bị tâm thần vất vả lắm. Cũng may còn thằng con đầu ở gần nên sớm hôm nó chạy đi chạy về giúp đỡ. Hoàn cảnh của nó cũng ngặt nghèo nên không phụ giúp được nhiều. Bây giờ mỗi tháng cụ được Nhà nước hỗ trợ 180 ngàn đồng cho người cao tuổi để rau cháo qua ngày, đủ thiếu gì thì mấy đứa con góp thêm”.
Ngôi nhà nhỏ của cụ Thái Thị Lụa (75 tuổi, ở tổ 3, khối Kim Châu) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Thấy chúng tôi đến, anh Dương Thái Dặm (41 tuổi, con trai cụ Lụa) đang bị xích ở gốc cây mận ú ớ mấy tiếng. Thấy khách có vẻ hoảng sợ, cụ Lụa ngồi ở thềm nhà vội giải thích: “Nó nói vậy là mời vào chơi đấy”. Nghe mẹ nói, anh Dặm nở nụ cười ngây ngô như trẻ thơ, thi thoảng lại nghiến răng kèn kẹt.
Đã 15 năm nay, anh Dặm luôn mang sợi dây xích nặng ở cổ chân. Buổi sáng, anh Dặm được mẹ dẫn ra, khóa vào gốc cây mận trước nhà bằng hai ổ khóa to, tối đến lại được dắt vào ngủ trong căn phòng xây gạch kiên cố. Mọi sinh hoạt cá nhân của anh Dặm, từ ăn uống, tắm rửa, đến tiêu tiểu đều diễn ra tại gốc mận.
“Má cơm, má nước” đó là tiếng gọi của anh Dặm mỗi khi đói, khát. Mỗi lần nghe tiếng con gọi, cụ Lụa lại tất tả chạy đi lấy đồ cho con. Nhìn anh Dặm ngồi hiền lành, cam chịu với đống xích sắt lùng nhùng dưới chân, chúng tôi không nghĩ có lúc anh lại lên cơn điên loạn như vậy.
Vậy mà, cụ Lụa bảo: “Nhốt thế này vẫn chưa thật yên tâm. Mỗi lần nó tìm cách ra ngoài được thì có chuyện ngay. Sợ nhất là khi nó đến hàng quán đòi ăn, không cho thì nó đập phá, đánh người. Vài năm trước, nó lấy cây đập vào đầu một bà bán hàng, phải may mấy mũi”.
Nói đến con trai, cụ Lụa sụt sùi: “Số nó khổ từ nhỏ. Lớn lên lại bị bệnh tâm thần ra thế này. Phải chăng số tôi khổ nên con phải khổ theo”. Nghe vậy, người con trai vội nói: “Sao má lại trách mình. Hồi nào đến giờ con nhờ má chứ nhờ ai nữa. Má buồn đau thì lấy ai chăm con”.
Nghe những lời này, chúng tôi cảm thấy đây không phải là lời nói của người bị tâm thần mà là lời của một người bình thường thì cụ Lụa bảo: “Nó bị tâm thần nhưng có lúc nó cũng tỉnh táo, cũng thương mẹ lắm”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khối Kim Châu, cho biết: “Nhà cụ Sâm và cụ Lụa ở cùng một tổ. Ở đây ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của hai cụ. Trước đây, những người dân xung quanh nghe tiếng gào thét, la ó của hai người tâm thần đều hoảng, nhưng bây giờ thì đỡ hơn, chỉ có trẻ con là còn sợ. Mình cũng thông cảm cho gia đình họ vì điều đó chẳng ai mong muốn cả”.
“Nước mắt chảy xuôi”
Hôm chúng tôi gặp cụ Quyện, chứng kiến cụ hàng ngày khổ nhọc chăm sóc cho con trai. Chúng tôi hỏi: “Sao cụ không gửi anh ấy vào trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần cho đỡ vất vả?”. Cụ Quyện nguầy nguậy lắc đầu: “Làm sao mà đành lòng hả cháu, con mình đẻ ra, bây giờ nó bệnh tật mình hắt hủi nó, cụ không đành lòng. Đâu có ai hiểu con bằng mẹ. Đâu có ai hiểu mẹ bằng con. Cụ sẽ chăm sóc nó đến khi nhắm mắt xuôi tay thì thôi”.
Đem câu hỏi trên hỏi cụ Sâm, chúng tôi lại được câu trả lời: “Mặc dù, biết đưa con vào trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần thì con sẽ được các bác sĩ, y tá quan tâm, chăm sóc và điều trị đúng cách, ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc hơn, cũng như khi có những biểu hiện khác thường thì dễ phát hiện và điều trị kịp thời hơn.
Tuy nhiên, như vậy thì con sẽ bị lạc lõng, thiếu tình yêu thương của gia đình, của mẹ nên tôi không đành. Dẫu sao tình mẹ vẫn hơn, vì đó là con mà”.
Cụ Lụa mặc áo cho con. |
Khi gõ những con chữ trên bàn phím thực hiện bài viết này, chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh những người mẹ mái đầu bạc trắng ngồi dỗ dành, đút cho con bị bệnh tâm thần từng miếng cơm, ngụm nước. Còn đứa con trai điên loạn như anh Dặm chẳng thể phân biệt được nổi ai, khi có nhu cầu bản năng chỉ biết kêu theo quán tính: “Má cơm, má nước”.
Rồi, người con như anh Lộc khi lên cơn điên hung hãn, lại sẵn sàng kéo tóc, kề dao vào cổ người đã mang nặng đẻ đau. Nhưng bất chấp gánh nặng đeo mang và lời khuyên của mọi người là gửi con vào trung tâm tâm thần, những người mẹ này đã và vẫn ân cần chăm sóc con bằng tình mẫu tử. Bởi, như cụ Quyện đã tâm sự: “Đâu có ai chăm con bằng mẹ. Mẹ nào lại nỡ xa con dù con chẳng biết gì”.
Với người mẹ, không hạnh phúc nào hơn khi được nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành, và được nhờ con, nhờ cháu lúc xế chiều. Tiếc thay, những người mẹ như cụ Quyện, cụ Sâm, cụ Lụa không thể có được hạnh phúc ấy. Có lẽ, đến lúc xuôi tay nhắm mắt họ khôn nguôi thắc thỏm nỗi lo con mình sẽ ra sao khi không còn điểm tựa là mình.