Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Nguyễn Doãn Tú, xu hướng nữ hóa ở người cao tuổi ngày càng rõ rệt. Tuổi thọ của nữ giới cao hơn nam giới nên các cụ bà có tỷ lệ góa cao hơn và tỷ lệ tái hôn thấp hơn. Nhiều người cao tuổi là nữ giới sẽ có khoảng thời gian sống cô đơn không có bạn đời để chia sẻ cuộc sống bên cạnh. Điều này dễ ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và kéo theo đó là những vấn đề sức khỏe về thể chất.
Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn (chiếm 68%), là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống vật còn nhiều khó khăn, tích lũy vật chất còn nhiều hạn chế. 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Để đối mặt với tình trạng này, các chuyên gia có lời khuyên, phụ nữ cần chuẩn bị những hành trang cần thiết ngay từ sớm để tránh bị động khi về già. Hiện nay, xã hội đã dần thay đổi nhận thức, không còn coi người cao tuổi là gánh nặng xã hội như trước, do đó đã có sự chuẩn bị về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên hơn ai hết, bản thân mỗi người cũng cần có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội, không nên trông chờ hoàn toàn vào các chính sách của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần chuẩn bị cho mình một nơi dưỡng già. Nếu ở cùng con cháu mà khó dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ thì nên ở riêng, một mình hưởng thụ sự thanh thản, niềm vui tuổi già. Một việc rất quan trọng nữa là kiếm tiền dưỡng già. Lúc còn khỏe, nên tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích khi về già. Điều này vừa để chủ động cho bản thân, vừa giúp con cái bớt đi một phần lo toan về gánh nặng nuôi nấng cha mẹ già.