Xử lý trò 'câu view' phản cảm: Bên nặng bên nhẹ, vì sao?

(PLO) -Những trò “câu view” phản cảm, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận ngày một nhiều. Thế nhưng, việc xử lý những hành vi vi phạm này dường như còn rất nhẹ tay, thậm chí thiên lệch.
Sandy Bích Ngọc và cuộc nói chuyện tai tiếng, được cho là phóng đại thông tin để “câu view”, lấy danh tiếng cho mình
Sandy Bích Ngọc và cuộc nói chuyện tai tiếng, được cho là phóng đại thông tin để “câu view”, lấy danh tiếng cho mình

Tưởng thật mà giả

Vụ việc gây bức xúc và hoang mang dư luận gần đây nhất xoay quanh những câu chuyện về nhân vật đình đám mang tên Sandy Bích Ngọc. Sandy Bích Ngọc là tác giả của quyển tự truyện khá nổi tiếng “Cát hay là ngọc”, thể hiện quãng đời bị đầy ải của một cô bé bị lạm dụng tình dục từ nhỏ, bị thiếu tình thương, bị đẩy ra ngoài xã hội.

Bích Ngọc còn là một thanh niên tham gia nhiều hoạt động xã hội, khá có tiếng nói, được nhiều bạn trẻ mến mộ. Mọi việc thay đổi từ khi Sandy Bích Ngọc tham gia vào một chương trình talk show online, trong đó, cô kể về câu chuyện một bạn nữ từng nhắn tin cho Bích Ngọc kể về quá trình mình bị chính cha ruột lạm dụng tình dục với những chi tiết ghê rợn, khiến đông đảo công chúng phẫn nộ. 

Thế nhưng, khi bức xúc đi qua, nhiều người đào sâu vào vấn đề để thấy nhiều tình tiết vô lý từ câu chuyện. Những người liên quan đã cung cấp nhiều thông tin cho thấy câu chuyện đã bị Sandy Bích Ngọc bịa đặt, phóng đại thêm, làm nghiêm trọng và ghê rợn hơn nhiều so với sự thực lời tâm sự kia. Để rồi từ đó, hàng loạt bạn bè, người quen cho đến người trong gia đình lên tiếng cho thấy, cả những tình tiết về cuộc đời mà Bích Ngọc thường tâm sự trên báo lẫn viết trong tự truyện, rất nhiều là bịa đặt. Thậm chí đại diện gia đình Bích Ngọc còn cho biết, gia đình từng có ý định kiện cô vì bôi nhọ, vu khống gia đình.

Đến thời điểm này, dư luận hoàn toàn hoang mang không biết đâu thật đâu giả, còn nhân vật chính đã khoá các kênh liên lạc và im hơi lặng tiếng. Câu hỏi đặt ra, nếu thực sự có chứng cứ những gì Sandy Bích Ngọc nói là bịa đặt, thì liệu hành vi dựng chuyện, bịa đặt vu khống và gây hoang mang dư luận như trên sẽ bị xử lý như thế nào. Và cả các đơn vị đã chung tay cùng Bích Ngọc để đưa những thông tin sai lệch ra công chúng nữa? 

Bên sốt sắng, bên bỏ lơ

Câu chuyện này làm người ta nhớ đến sự cố xảy ra tại chương trình Sau ánh hào quang gần đây, khi Lê Giang, vợ cũ diễn viên hài Duy Phương ngay trên sóng truyền hình tố chồng cũ bạo hành mình suốt thời gian sống chung. Thông tin đưa ra chưa được kiểm chứng từ một chương trình giải trí đã khiến nghệ sĩ Duy Phương lao đao vì bạn bè quay mặt, công việc làm ăn xuống dốc, gia đình mới bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng... Hiện, nghệ sĩ Duy Phương đang khởi kiện công ty sản xuất chương trình truyền hình giải trí nói trên nhằm lấy lại công bằng cho mình.

Đó là những sự việc mang tính chất “câu view” cho các chương trình ở quy mô lớn. Còn hàng ngày, trên mạng xã hội, những hành vi tung tin nhảm nhằm thu hút dư luận thì nhan nhản. Một bà cụ nghèo sống trong gian nhà lá “bỗng dưng” bị bị một tài khoản đăng ảnh lên facebook, “thương vay khóc mướn” giùm cụ, kêu gọi like, chia sẻ hình ảnh và cầu phúc cho cụ, khiến các con cụ bỗng dưng bị điều tiếng vì bỏ bê mẹ già, trong khi sự thật hoàn toàn khác.

Những em bé tật nguyền, bệnh tật khốn khổ bị đăng ảnh lên mạng với lời kêu gọi vào bình luận lời cầu nguyện cho bé, kéo theo lượt chia sẻ chóng mặt, đâu biết đằng sau gia đình em bé đau lòng vì không hiểu sao hình ảnh đáng thương của con mình bị lan truyền khắp mạng xã hội. Chưa kể đến việc nhiều trang mạng xuyên tạc các thông tin về người nổi tiếng, đăng tin họ chết hoặc nhiều chuyện bịa đặt khác. Thậm chí, có những người một hôm “tá hoả” vì hình mình bị nhiều trang không rõ nguồn gốc lấy minh hoạ cho các tin éo le, giật gân như ngoại tình, đánh ghen, giết người...

Ngoài những cá nhân “rảnh việc”, thích gây chú ý thì đa phần các thông tin “câu view” thường được đứng sau bởi các công ty, đơn vị làm marketing online hoặc các trang bán hàng online. Giật tít “câu view” chính là con đường nhanh chóng nhất để họ thu hút sự chú ý của công chúng, đạt mục tiêu về lượng người xem, về doanh thu. 

Điều đáng nói là đến nay, tuy gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, gây hoang mang xã hội nhưng số vụ việc bị xử lý khá hiếm. Các vụ việc cơ quan quản lý có động thái xử lý thời gian qua có thể kể đến việc thanh niên tung tin vỡ thuỷ điện sông Tranh, tin Đà Lạt có tuyết rơi, người đăng ảnh cổng chào xuân của thành phố Cần Thơ cạnh nội y phụ nữ, người tung tin bịa đặt bêu xấu cảnh sát giao thông... Và mới đây nhất là người tung tin đồn gãy cầu Rồng Đà Nẵng. Ngoài ra, một số người lên facebook nói xấu cán bộ các địa phương, ban ngành cũng được nhà quản lý sốt sắng xử lý.

Chính cách xử lý “bên sốt sắng, bên bỏ lơ” này đã đặt cho người dân câu hỏi, phải chăng, các cơ quan chức năng có khả năng “làm tới cùng” để dẹp nạn “câu view” phản cảm, vô bổ, gây hại cho người dân, nhưng vẫn thờ ơ, chỉ đến khi có những sự việc đụng chạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan nhà nước, địa phương thì mới làm mạnh tay?.

Đọc thêm