Đó cũng là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo các tín đồ, phật tử. Các đối tượng lừa đảo thường mượn uy tín của các chùa lớn để kêu gọi cúng dường, cầu an online thông qua ví điện tử. Để người dân hiểu rõ vấn đề, mới đây Giáo hội Phật giáo đã có thông tin chính thức về cúng dường online.
Quét mã QR cúng dường
Nhằm đảm phòng chống dịch bệnh, mới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có văn bản hướng dẫn các tăng ni, phật tử, cơ sở tự viện thực hiện lễ cầu an trực tuyến để vừa đảm bảo tinh thần chống dịch đồng thời vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh trong lễ hội xuân. GHPGVN thông qua mạng xã hội (Butta) mở cổng đăng ký cầu an online, tiếp nhận đăng ký của bà con phật tử.
Cùng với lễ cầu an, mọi người thường phát tâm công đức tự nguyện, nhưng vì không thể đến chùa nên nhiều phật tử có nhu cầu áp dụng công nghệ để gửi tiền công đức. Từ nhu cầu này, GHPGVN đã kết hợp với một thương hiệu ví điện tử nhằm tạo điều kiện cho đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức. Việc này được thử nghiệm triển khai ở 12 chùa bao gồm Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An)...
Nói rõ hơn về sự thử nghiệm này, thay mặt GHPGVN, trao đổi với truyền thông ngày 23/2 Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN cho biết, do việc này mới ở giai đoạn thử nghiệm nên với tư cách Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã đích thân trao đổi để triển khai với các trụ trì như Hòa thượng Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh; Hòa thượng Thích Thọ Lạc (Nghệ An)...
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, đây là thử nghiệm để định hướng cho tương lai khi chúng ta ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động xã hội và Phật sự, hưởng ứng chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh sự tích cực thì cũng có không ít dư luận xã hội lo ngại về tình trạng giả mạo các trang thông tin của nhà chùa để trục lợi mà hiện tượng trang mạng xã hội giả mạo chùa Yên Tử để kêu gọi cúng dường online qua ví điện tử là một ví dụ gần đây.
Nói về biện pháp để ngăn chặn của GHPGVN với hiện tượng này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, qua thực tế tại 12 ngôi chùa ứng dụng ví điện tử có thể thấy những ngày đầu tiên áp dụng, lượng người công đức tăng nhanh thông qua mã QR niêm yết tại chùa. Ứng dụng cúng dường online đảm bảo công khai, minh bạch tiền công đức, tiến tới xóa bỏ việc gài tiền lẻ vào tay tượng Phật, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết qua thực tế tại 12 ngôi chùa ứng dụng ví điện tử có thể thấy những ngày đầu tiên.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, sau quá trình thử nghiệm, GHPGVN sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm, các vấn đề phát sinh, hệ quả, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để có cái nhìn tổng quát, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Việc triển khai tiếp hay không phải được Hội đồng thường trực Ban Trị sự, Chư tôn đức lãnh đạo thông qua.
|
Ảnh minh họa. |
Về lâu dài, nếu Giáo hội triển khai đại trà sẽ ký kết với đơn vị cung cấp ứng dụng ví điện tử. Và uy tín của đơn vị này sẽ là thông tin bảo lãnh để tránh giả mạo. Đơn vị cung cấp có thuật toán, giải pháp để loại bỏ các hình thức giả mạo. GHPGVN sẽ có văn bản thông báo cho các ban trị sự và chỉ định một ngân hàng duy nhất để cúng dường online.
Triển khai bài bản để tạo thói quen của đồng bào phật tử
2021 là năm thứ hai GHPGVN phải chuyển hoạt động Phật sự cầu an, Phật đản, đại lễ Vu lan sang hình thức trực tuyến. Đầu năm 2020, GHPGVN cũng đã ra mắt Trung tâm điều hành điện tử, kết hợp với một số trung tâm ở nhiều tỉnh, thành để kết nối trực tuyến.
Chùa Phúc Khánh là địa chỉ thường xuyên quá tải trong mỗi dịp trước rằm tháng Giêng, khi hàng ngàn người dân đổ về tham gia các khóa lễ cầu an, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài hàng km. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch năm nay cảnh tượng đó sẽ không lặp lại. Nhà chùa đăng thông bạch về việc sẽ tổ chức đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến, thời gian vào 20h ngày 25/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Các nghi lễ diễn ra trong khoảng một giờ do các nhà sư cử hành và sẽ được đăng tải trên các kênh Facebook, Youtube để phật tử cả nước tham gia, theo dõi. Hình thức làm lễ trực tuyến cũng đã được nhà chùa thực hiện trong lễ Vu lan báo hiếu năm 2020.
Đánh giá về sự chuyển biến của phật tử và người dân với hình thức thực hành tín ngưỡng, tâm linh trực tuyến, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhận định hình thức cầu an, tụng kinh online thay đổi tích cực rõ rệt. Nếu năm ngoái có ý kiến băn khoăn, năm nay nhiều ngôi chùa, nhất là các đạo tràng và bà con phật tử ủng hộ rất mạnh.
Một số chùa như: Chùa Sủi (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Giác Ngộ (TP Hồ Chí Minh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Hoàng Phúc (Đồng Nai) thực hiện tốt cầu an và các khóa lễ trực tuyến. Nhiều nơi làm rất tốt, mọi người hiểu được việc thực hành nghi lễ cốt ở cái tâm, dù làm trực tuyến nhưng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh.
“Có ý kiến cho rằng nếu Giáo hội đẩy mạnh trực tuyến thì sau này phật tử không tới chùa nữa. Tôi cho rằng đến chùa là nhu cầu của người dân, cho nên chỉ cần hết dịch bệnh, người ta lại đến chùa. Nếu chúng ta tổ chức tốt các khóa tu tập, đem lại lợi ích về tâm linh thì sẽ thu hút người dân tới chùa” – theo Thượng tọa Thích Đức Thiện.
Được biết, một trong những mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ VIII của GHPGVN chính là ứng dụng công nghệ thông tin. Đại lễ Vesak là một minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành tín ngưỡng tâm linh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao. Trong thời gian tới, GHPGVN sẽ triển khai bài bản hơn nữa để tạo thành thói quen của đồng bào phật tử.