Thắp hương nhớ bố mẹ thời 4.0
Những ngày gần kề rằm tháng 7, tại Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình), một số nhân viên đeo khẩu trang, cần mẫn dọn dẹp phần mộ và dâng mâm cỗ, đĩa hoa quả, kính cẩn thắp hương tại phần mộ người quá cố. Chị Thu Lan, nhân viên nghĩa trang cho hay: “Khi dịch Covid bùng phát lần thứ 2 đúng vào dịp Lễ Vu Lan, nhiều gia đình đã không đến trực tiếp, thay vào đó đặt cúng giỗ online, nhân viên chúng tôi phục vụ tận tình”. Bên cạnh chị, một nhân viên nam mặc bộ vest lịch sự trang nghiêm livestream về cho người thân của người quá cố ở xa hay hạn chế dịch bệnh mà không thể tới trực tiếp thắp hương.
Những người thân của người quá cố có thể thăm phần mộ gia tiên thông qua hình ảnh thực tế ảo, sắp mâm cỗ với đầy đủ đồ chay, mặn; nghiệm thu bằng hình ảnh, video, cảnh thắp hương, cúng khấn chu đáo… Ông Trần Tuấn Anh - đại diện Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng Viên cho biết: "Việc làm của chúng ta với tổ tiên đều xuất phát từ lòng thành tâm, hướng tâm và lòng thành với ông bà của mình là việc đáng trân quý. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số người tham gia dịch vụ cúng giỗ, dự lễ Vu Lan online tăng đột biến. Theo đó, người thân người quá cố lên mạng chọn cách cúng giỗ, sẽ có bộ phận chăm sóc, hậu cần, triển khai dịch vụ theo đúng ngày giờ, chuẩn bị đồ lễ đầy đủ như gia chủ mong muốn".
Bà Hoàng Hoa, 60 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Những năm trước, vào dịp lễ Vu Lan, cả gia đình tôi thuê ô tô 16 chỗ đưa tất cả các con cháu đi viếng thăm mộ chồng tôi. Cả nhà cùng sum họp, dâng mâm cỗ chay, khấn lễ tưởng nhớ, đền đáp công ơn người đã khuất. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, gia đình tôi quyết định phương thức cúng giỗ, dự đại lễ Vu Lan online. Tại đây, bất cứ người dân nào cũng có thể truy cập vào để thực hiện các thao tác như: thắp hương, gửi hoa, đặt cỗ thật, tặng hoa, thậm chí gửi lời nhắn… đến người đã khuất. Thậm chí, không gian ảo cũng cho phép người dân hóa vàng, thắp hương, khấn theo những bài có sẵn hoặc gia chủ tự soạn, tự đọc qua… màn hình máy tính. Tôi mong, ông nhà tôi yên lòng, sớm vãn sinh về nơi của Phật”.
Anh Nguyễn Phạm Hùng, 35 tuổi (Việt kiều Pháp) có gửi lời cám ơn tới những nhân viên nghĩa trang đã giúp anh lau chùi, sửa lễ, dâng hương thắp hương bố mẹ mình. “Mùa Vu Lan năm nay, tôi dự định sẽ về thắp hương bố mẹ nhưng vì đại dịch nên tôi khó lòng thực hiện mong ước này. Giờ đây, có cúng lễ online, tôi có thể hướng lòng thành kính đối với bố mẹ. Xa cách ngàn dặm, thấy mộ của bố mẹ sạch sẽ và ấm áp bên mâm cỗ chay đầy đủ các món ăn truyền thống, tôi xúc động lắm!”.
Dự Đại lễ Vu Lan qua “nhấp chuột”
Ngày 11/7 âm lịch, tức ngày 29/8/2020, tại Chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Đại đức Thích Trí Thịnh cùng chư tôn đức tăng ni lập đàn làm lễ. Khóa lễ vẫn bao gồm tất cả các nghi thức của Đại lễ Vu Lan như mọi năm: lễ tiếp linh, khoá lễ cúng phật - quy vong - ra hè, khoá tụng kinh Vu Lan - cầu siêu, cúng chúc thực - cấp mã chư chân linh, khoá lễ thí thực, hoàn mãn. Toàn bộ chương trình đại lễ sẽ được livetream đồng bộ qua qua kênh youtube, fanpage, website...
Những ngày này, nhiều người dân vào website có chuyên mục “Cúng giỗ và đặt giỗ”, chọn khuôn viên phần mộ, lựa chọn các sản phẩm, lễ vật, thanh bông, hoa quả tưởng niệm online và nhắn tên các phần mộ của ông bà, tổ tiên mình. Mỗi chân linh đang an nghỉ tại Lạc Hồng Viên, được nhà chùa và Lạc Hồng Viên gửi tặng quần áo, đồ mã có ghi tên cụ thể, vị trí phần mộ, ngày giờ mất. Khóa lễ sẽ tổ chức viết sớ, tấu sớ, cầu siêu cho tất cả các hương linh.
Các gia đình sửa soạn bày lễ dâng hương tại nhà, trang phục gọn gàng, trang nghiêm, mở màn hình thiết bị hỗ trợ như: tivi, máy chiếu, ipad… để cùng làm lễ với nhà chùa và các sư thầy cầu an, cầu siêu cho những người thân đang an nghỉ tại Lạc Hồng Viên. Ngoài ra, các gia đình có thể vào mục “Thăm quan thực tế ảo” để ghé thăm toàn bộ khuôn viên gia đình mình.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan hàng năm đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người Việt. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Ngày nay, ngày lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà đã trở nên phổ biến trong xã hội nhờ những ý nghĩa giáo dục tốt đẹp. Lễ Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Đại đức Thích Trí Thịnh nhắn nhủ thêm: “Quan trọng nhất với những người con Phật là chữ Tâm. Vì vậy, dù chúng ta trực tiếp tham dự hay qua các hình thức gián tiếp, mà tâm của chúng ta hướng về tổ tiên ông bà, cha mẹ bằng việc làm, hành động tốt thì đều thể hiện được sự hiếu thảo, trọn vẹn tâm hiếu. Trong mùa Vu Lan năm nay, sống có trách nhiệm với bản thân (giữ sức khỏe, phòng trách dịch bệnh), là có trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Cũng chính là làm tròn chữ “Ân” đầu tiên trong Tứ Trọng Ân mà Đức Phật đã chỉ dạy. Đó là Ân Tổ Quốc. Năm nay, dịch bệnh đã hạn chế đi lại của người dân, chính vì vậy, người dân đón lễ Vu Lan qua hình thức trực tuyến, online. Mọi khâu từ chuẩn bị, lễ vật, đồ cúng, quần áo chúng sinh, khóa lễ tại chùa diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh, đầy đủ và thiêng liêng nhất”.
Dù dịch bệnh Covid đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới thói quen, sinh hoạt, hoạt động của chúng ta, nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nhờ ứng dụng sự văn minh, linh hoạt của internet, mạng xã hội, dường như mọi khoảng cách, trở ngại được xóa nhòa. Dịch vụ cúng giỗ online nói chung và Vu Lan online nói riêng đã phần nào đáp ứng được tâm nguyện của mọi người trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Năm nay, nhiều người dân đã tăng cường các khóa lễ Vu Lan bằng hình thức trực tuyến online, cũng như việc đăng ký cầu siêu cho cửu huyền thất tổ qua các ứng dụng trực tuyến, Phật sự Online, mạng xã hội Phật giáo Butta... của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo kêu gọi các Tăng Ni, Phật tử hãy thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu Lan năm nay bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đại Lễ Vu Lan đặc biệt – không khách thập phương, khán giả
Tối 1/9/2020 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội tổ chức lễ Vu Lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến không khách thập phương, khán giả từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Khách thập phương kể cả Việt kiều có thể dõi theo nghi lễ qua mạng hay truyền hình. Rút kinh nghiệm từ đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan trực tuyến sẽ hiệu quả hơn, đến với đông đảo phật tử và nhân dân. Hơn nữa, Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Giáo hội Phật giáo cũng vậy, đang đi theo lộ trình đó. Xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai. Trong văn bản mới nhất của Ban Thường trực Hội đồng trị sự hướng dẫn thực hiện đại lễ Vu Lan, Giáo hội đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các cấp, tăng ni phật tử các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh an sinh xã hội, tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh. Việc từ thiện vốn làm thường xuyên nhưng thời gian này cần tập trung cao hơn. Đạo Phật có Tứ ân: ơn cha mẹ, ơn Tam Bảo, ơn Tổ quốc, ơn các anh hùng liệt sĩ.