Xuân mới, hãy tặng cho mình một chữ An

(PLVN) - Chúng ta không thể tìm cầu bình an nơi người hay nơi cuộc đời. Chúng ta chỉ có thể có được bình an trong mảnh đất tâm, trong nội tại của tâm hồn mình... Và người ta không thể tìm cầu sự bình an ở nơi cuộc đời này nếu như tâm hồn mình không an yên, tự tại. 
Ảnh minh họa.

Bản chất của sự sống vốn xoay quanh chu kỳ: sinh - trụ - dị - diệt. Tức là mọi người và mọi loài đều không nằm ngoài quy luật đó. Sinh ra, lớn lên, đổi thay (hoặc già đi, yếu đi)... rồi chết. Cuộc đời là vô thường. Nhưng không chỉ có vô thường, Đức Phật dạy, cuộc đời còn là khổ và vô ngã. 

Vô thường, khổ, vô ngã như ba vị thần cai quản sự vận hành của vạn pháp trong nhân gian. Đời sống của con người và muôn loài, thậm chí là cả đời sống của sự vật cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản chất là vô thường, là khổ, vậy thì làm gì có sự ổn định mãi, làm gì có cái gọi là bình an ở nơi ngoài cuộc đời và sự sống. 

Chúng ta không thể tìm cầu bình an nơi người hay nơi cuộc đời. Chúng ta chỉ có thể có được bình an trong mảnh đất tâm, trong nội tại của tâm hồn mình. 

Nếu hôm nay bạn đang ổn định, đang yên ấm, thì ngày nào đó, rồi mọi sự cũng sẽ có đổi thay. Chắc chắn là vậy. Tôi không nói ra những điều này để hù bạn, hay để nhắc nhớ một sự thật khiến bạn bối rối và tiêu cực. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn rằng, ổn định khác với bình an. Và bạn cũng đừng hỏi tôi làm thế nào để có được sự bình an. Đó là một câu hỏi ẩn chứa sự bất an và bản thân nó cũng dẫn đến bất an.

Bình an với người yêu mưa, là khi trời mưa mướt mát cỏ cây. Bình với người yêu nắng, là khi nắng vàng trải xuống mùa, xuống cỏ hoa thơm lành như mật. Bình an với người yêu thiên nhiên là được hòa vào giữa nơi núi rừng suối sông; bình an với người yêu nghiên cứu lại là giữa căn phòng ấm sực đèn vàng với những chồng sách dày bao quanh mình. 


Bình an có phải ở nơi sự vật, ở nơi những điều kiện khách quan “bên ngoài” không? Không phải. Nắng mưa hay mây trời, đồi núi bao la hay căn phòng nhỏ... tất cả vốn dĩ như thế chứ tự thân nó không biểu hiện sự bình an hay bất an nào cả. 

Vậy thì sự bình an, chữ an có phải ở nơi sự thỏa mãn khi tâm ý mong muốn điều gì đó? Không phải! Bình an, khác với sự thỏa mãn những nhu yếu cá nhân. Trong một gia đình, người chồng yêu sự náo nhiệt, người vợ thích được lặng lẽ, yên tĩnh, vậy nếu hai người này muốn được bình an theo ý mình, làm điều mình thích thì xung đột và bất an liền có mặt.

Cho nên, điều tôi muốn nói, chính là sự bình an không thể được tìm cầu ở đối tượng bên ngoài, không thể có mặt ở đời sống. Những ý muốn được bình an đó chính là nguyên nhân dẫn đến bất an, vì bình an không phải là ổn định và an toàn, cũng không phải sự đạt được hay thỏa mãn một điều mà cái tôi của bản ngã mong mỏi. 

Vô thường, khổ, vô ngã được ví như những vị thần đảm nhiệm sự xoay vần của vạn pháp và bể khổ của cuộc đời là vẻ đẹp kỳ diệu, vẻ đẹp màu nhiệm của đời sống. 

Người nấu ăn giỏi là người hiểu được rằng: Chanh chua, muối mặn, gừng cay. Và họ sẽ biến chúng thành những thứ gia vị bổ sung cho nhau, hòa hợp cùng nhau để làm nên những món ăn ngon, chứ không phải tìm cách biến tất cả gia vị ấy thành một vị ngọt. Đường rất ngọt, nhưng chỉ một vị ngọt ấy không thể đủ để làm ra được những món ăn đa dạng, vừa vặn và ngon lành. 

Không thể tìm sự bình an nơi cuộc đời nếu như tâm hồn ta không an yên, tự tại.   

Cuộc đời cũng vậy. Có được, có mất, có hơn, có thua. Cuộc đời cũng có sóng gió, có ghét ghen, có dối trá, có ích kỷ. Đó là cách vận hành của tạo hóa. Vậy thì “An” là an gì? Là an ở trong tâm. Thuận thiên lập mệnh. Nói như thiền sư Viên Minh khi nhắc lại lời dạy của Đức Phật: Sống là “tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha”. Làm được điều đó, bình an có mặt. Tâm biết tùy duyên, ấy là tâm thường an ổn. “An” trong lòng, vững chãi mà không cần xin hay tìm cầu ở đâu nữa. 

Cuộc đời vô thường, vậy cứ để nó vô thường chứ không cần khởi lên ý muốn nó sẽ có gì đó “thường”, sẽ ổn định, yên ấm, yêu thương và đủ đầy mãi. Trong cái vô thường ấy, chỉ cần mình quan sát, hiểu thấu và từ đó thấy ra được những bài học cần thiết cho mình, thì ngay đó, mình có bình an.

Mùa xuân là kỷ niệm và mỗi chúng ta có thể trở về với tuổi thơ, về quê nhà. Ý niệm của những cái Tết có thể được bắt đầu từ ký ức về dáng hình tảo tần thương lo, hiền từ mà ấm áp của mẹ. Tết bắt đầu với hình ảnh bếp lửa và cả nhà quây quần trò chuyện bên nồi bánh chưng đêm giao thừa, ba đứng trang nghiêm thánh kính trước mâm cỗ cúng trung thiên...

Mùa xuân cũng có thể là những đoạn hồi ức về sự sum họp gia đình với đủ đầy tiếng cười và không gian đầm ấm. Mùa xuân là những hương trầm và bánh chưng xanh thơm thảo cùng lòng biết ơn tiên tổ. Mỗi một người đều có những đoạn ký ức đầy hạnh phúc, đầy sự êm đềm mà có lẽ, chỉ cần chạm khẽ, tâm hồn lại như sợi dây đàn rung lên những thanh âm tha thiết và ngọt ngào.

Những khoảng thời gian ấy, giờ đây mình phải “trở về” ở một khoảng ký ức mới có được, trở về mới có những khoảnh khắc thiêng liêng đã từng qua, từng được yêu thương, được nâng giấc, được vị tha trong bộn bề muôn nỗi âu lo.

Đôi khi, con người ta cần cảm thấy mình cô đơn như một chiếc lá rơi vào trong thinh lặng. Nhưng, cô đơn ấy cũng như muối mặn gừng cay. Người ta cũng cần đến những ngang trái, mất mát và đổi thay trong đời, như những thanh ngâm bồ hòn... như là thuốc đắng thì dã tật! 

Nỗi cô đơn thinh lặng và sẽ trở nên dịu ngọt nếu mình quan sát và thương nó như thương đứa trẻ ngày nào còn được mẹ dành cho trái bắp đầu mùa nóng hổi. Đứa trẻ ấy ở trong mình, là mình. Những được mất và trắc trở cùng sóng gió trong đời có mặt cũng là để mình học ra những bài học mà trở nên rộng lòng, vị tha và thấu đáo trước khổ đau trong cõi nhân sinh.

Những lòng tốt, những yêu thương có rồi đi qua là để mình chân cứng đá mềm, trưởng thành lên khi rời khỏi sự chở che bảo bọc. Tất thảy mọi nhân duyên đến và đi trong đời giúp mình hiểu, giúp mình có cơ hội học lẽ khiêm cung và lòng biết ơn với cuộc đời.

Tạo hóa sinh ra con người với thân nhiệt cao và trái tim ấm. Càng nhiều tuổi, thân nhiệt càng thấp hơn. Nhưng đó chính là bởi, người ta cần sống bằng lòng nhiệt thành, bằng trải nghiệm, bằng những vững vàng mà giữ lấy ngọn lửa yêu thương trong tâm hồn. Một tâm hồn vô ngã, vị tha, biết thuận pháp mà tùy duyên hành xử. Viết đến đây, tôi lại nhớ tới lời dạy của mẹ chồng đứa cháu gái ruột dặn con dâu mình: “Trong miệng có đức, trong mắt có người, trong tâm có lòng yêu thương và trong hành xử có lương thiện”. 

Cuộc đời vốn là vô thường, khổ và vô ngã. Điều đó là duy nhất không đổi thay. Bởi vậy, không có chữ “An” nào đi xin mà có được. Chỉ có tâm hồn mình, có biết sống tùy duyên mà vị tha, vô ngã hay không thôi.

Quê nhà, tuổi thơ là yêu thương. Yêu thương và tha thiết đến độ không cần học, không cần đọc, không cần nhớ mà cũng thuộc lòng từng lớp khói bếp, từng chén trà và màu không gian của một buổi chiều nơi làng quê... Không cần phải lắng nghe mà nhớ từng tiếng lích chích trên tán bồ đề. Không cần lặng ngắm mà nhớ từng nụ cười trên khóe mắt của mẹ. Từng dáng vẻ, từng cử chỉ thân thương cứ mặc nhiên in dấu vào lòng. 

Mùa xuân năm nay, Tết năm nay, như tôi đã phải “trở về” với hoài niệm để thấy dáng mẹ tôi xưa... Nhưng tôi hiểu rằng, những ngày tháng đã qua là quý giá và mẹ giờ đã biểu hiện dưới muôn hình hài khác. Mẹ giờ có mặt từ nơi nếp nghĩ, cách làm, lời ăn ý ở, mẹ có mặt trong mỗi tế bào, mỗi cánh lá, nụ hoa mình gặp. Mẹ không còn là một dáng vẻ cụ thể mà mẹ giờ là đất, là cây, là quê hương... 

Xin gửi bạn một lời chúc lành cho năm mới tràn đầy an lạc và yêu thương. Và xin chia sẻ với bạn về những được mất, những đắng cay cùng khổ đau từng trải. 

Chỉ có điều, bạn nhớ nhé, chữ “An” là một chữ mà mỗi người có thể tự viết tặng cho những tháng ngày của mình về sau, mà không cần bất kỳ một giấy mực, một thầy đồ nào cả.

Đọc thêm