Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” trong BĐBP, đến nay, các đơn vị BĐBP đã và đang đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh nghèo (mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng) ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha, mẹ, con các gia đình chính sách; các cháu là người dân tộc thiểu số; trong đó có cả các cháu nước bạn Lào, Campuchia ở địa bàn giáp biên giới với Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó đã có 30 cháu được các đơn vị tổ chức nhận và đưa về nuôi tại Đồn Biên phòng.
Sống xa nhà, việc chăm sóc con cái đều “trông cả vào vợ”, nhưng những người lính biên phòng lại đóng vai trò là cha nuôi, anh nuôi của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới.
Từ năm 2009, ĐBP Thu Lũm (Mường Te, Lai Châu) đã nhận chăm sóc, đưa các em Sừng Xú Xá (ở bản Ló Na), em Mạ Mò Hà (bản Còng Khà) về đồn nuôi dưỡng. 10 năm qua, các em không bị “đứt bữa”, không phải đi nương mà chỉ chuyên tâm việc học hành.
Việc được ĐBP nhận làm con nuôi thực sự đã mở ra cho các em một tương lai mới. Thời gian qua, đã có nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, may mắn trở thành “con nuôi ĐBP”.
Bé Nguyễn Văn Vũ (8 tuổi, ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ em là chị Nguyễn Thị Ngân, sinh ra đã bị tật nguyền. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, chị Ngân đã xin chính quyền địa phương một vuông đất dựng một ngôi nhà nhỏ, một mình mở quầy tạp hóa nhỏ, buôn bán lặt vặt để kiếm sống qua ngày. Bé Vũ chào đời, người mẹ đơn thân vượt qua biết bao gian nan, vất vả để nuôi con lớn khôn.
Biết mẹ cháu Vũ không thể nuôi được em đi học, năm 2016, cấp ủy, chỉ huy ĐBP Lý Hòa, BĐBP Quảng Bình đã bàn bạc và đi đến quyết định nhận cháu Vũ làm con nuôi của đơn vị. Vì tương lai của con, sau nhiều trăn trở, nghĩ suy, cuối cùng, chị Ngân đã đồng ý cho Vũ làm con nuôi của đơn vị.
Nhưng việc làm sao để bé Vũ chịu vào đồn để ăn, ở và học cùng với các chú bộ đội không dễ dàng gì. Từ tình cảm của người cha, người chú, người anh ở ĐBP, bé Vũ đã làm quen với cuộc sống mới ở Đồn. Hai năm qua, cháu Nguyễn Văn Vũ đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi xuất sắc.
Thiếu vắng sự đùm bọc, yêu thương của cả cha lẫn mẹ, 3 chị em là Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu và Vàng Thị Chở (dân tộc Mông, ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) may mắn được trở thành con nuôi của ĐBP Phó Bảng, BĐBP Hà Giang. Năm 2014, sau nhiều ngày chống chọi với bệnh tật, cha các em - anh Vàng Mí Na từ giã cõi đời. Không lâu sau ngày bố mất, chị em Chá nhận thêm một một cú sốc nữa, khi người mẹ vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng.
Thương các cháu côi cút, ông Vàng Mí Chờ - bác các em đã đón 3 chị em Chá về nhà mình nuôi. Gia đình ông Chờ thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi 2 con nhỏ và mẹ già nên cuộc sống vô cùng cơ cực. Thấy 3 cháu nhỏ rất đáng thương, cần được giúp đỡ, ĐBP Phó Bảng đã đặt vấn đề với ông Chờ và làm việc với chính quyền địa phương.
Đầu năm 2016, ĐBP Phó Bảng cử cán bộ xuống Sà Phìn đón 3 cháu nhỏ về đơn vị nuôi dưỡng.Ngoài được nuôi dưỡng cho tới năm 18 tuổi, 3 chị em được Đồn lập một sổ tiết kiệm làm vốn khi trưởng thành.
Từ năm 2016, Trung tá Phạm Thái Hòa, Đồn trưởng ĐBP Mường Lạn, BĐBP Sơn La đã cho cải tạo một ngôi nhà cũ của đồn thành một mái nhà ấm áp với tên gọi “Mái ấm nâng bước em tới trường” và bắt đầu nhận các cháu có hoàn cảnh khó khăn về nuôi.
Lúc đầu, Đồn nhận nuôi 5 cháu, nay còn 3 vì 2 cháu lớn đều được học ở trường dân tộc nội trú của tỉnh và huyện. Trong đó, cháu thứ 2-Giàng Bả Hợ (16 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi chưa được 1 tuổi. Bố em bị rắn độc cắn chết. Sau đó 1 tháng, mẹ em tự tử khi buộc phải lấy em chồng, bỏ lại cháu sống với bà nội già yếu hơn 80 tuổi.
Từ 5 đứa trẻ với hoàn cảnh khác nhau, giờ 3 đứa sống trong một mái nhà như anh em ruột. Sáng dậy các em tự vệ sinh cá nhân, tập thể dục và gấp chăn màn nhanh, đẹp như các chú bộ đội, tự tin trong giao tiếp và học tập...
Hưởng ứng Chương trình thiện nguyện vì cộng đồng và thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, ngày 18/6/2019, Cục Chính trị BĐBP đã có hướng dẫn thực hiện Mô hình “Con nuôi ĐBP”.
Theo đó, các đơn vị sẽ nhận nuôi các cháu độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên con em đồng bào dân tộc đặc biệt ít người, như: Chứt, Rục, Đan Lai, La Hủ; các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc mồ côi cha (mẹ) hiện cư trú trên khu vực biên giới thuộc địa bàn ĐBP phụ trách; các cháu là con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa điểm nhận nuôi tại các ĐBP hoặc các tổ, đội công tác Biên phòng gần các điểm trường.
Về số lượng, phấn đấu mỗi ĐBP tuyến biên giới đất liền nhận nuôi từ 1 đến 2 cháu. Các ĐBP tuyến biển, đảo tùy tình hình thực tế ở địa phương để tiến hành nhận nuôi. Thời gian nhận nuôi bắt đầu từ tháng 9/2019 đến khi các cháu học xong lớp 9. Sau đó thì thực hiện theo chương trình “Nâng bước em tới trường”