Xung quanh việc tố giáo viên đánh học sinh ở Phúc Thọ: Thiếu thuyết phục

(PLO) - Một số vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THCS Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) trong năm học 2012-2013 và 2013-2014 đã được phanh phui trước đó. Tuy nhiên, đến nay Ban giám hiệu (BGH) nhà trường tiếp tục bị tố có nhiều khuất tất gây bức xúc cho giáo viên trong trường.
Trường THCS Sen Chiểu, nơi đang xảy ra những lùm xùm

Theo vết xe đổ

Phản ánh tới Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Khuyên (giáo viên Trường THCS Sen Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) cho biết: Vào thời điểm năm 2014-2015 bà đã nhiều lần viết đơn tố cáo ông Hoàng Văn Tiếp (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Sen Chiểu) “mập mờ” thu, chi tài chính trong năm học 2012-2013 và 2013-2014. Theo đó, ông Tiếp đã bị xử lý kỷ luật, cách chức Hiệu trưởng.

UBND huyện Phúc Thọ đã bổ nhiệm ông Lê Văn Đa làm Hiệu trưởng Trường THCS Sen Chiểu. Điều đáng nói là dưới sự điều hành của ông Lê Văn Đa, các khoản thu, chi trong nhà trường cũng đều không minh bạch và rõ ràng. Đơn cử như chi tiền sửa điện ở phòng học bộ môn với số tiền lên đến 88 triệu đồng hay việc chặt một cành cây bóng mát ông Đa cũng chi tới 7 triệu đồng…

Vì vậy, với tư cách Trưởng ban Thanh tra nhân dân, bà Nguyễn Thị Khuyên đã nhiều lần đề nghị ông Đa làm rõ việc thu, chi của Nhà trường, thực hiện quy chế công khai một số khoản mua sắm nhưng đều bị “phớt lờ”.

Trước những thông tin về việc thu, chi không minh bạch trong trường, ông Lê Văn Đa cho biết: “Về việc sửa chữa hệ thống điện ngầm trong phòng học bộ môn tôi cũng đã làm tờ trình với các cơ quan chức năng liên quan, và cũng đã được UBND xã xác nhận nội dung đó. Về việc chi tiền chặt một cành cây là không đúng. Nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu trong mùa mưa bão, tôi đã tiến hành thuê thợ chặt các cành cây to ở trường chứ không phải một cành như chị Khuyên nói”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp việc hạch toán thu, chi cho từng hạng mục thì ông Đa ngập ngừng: “Những cái này phải trên Phòng Tài chính mới có chứ tôi không nắm giữ”?

Gây khó dễ vì muốn làm rõ việc thu, chi?

Ngoài ra, theo bà Khuyên, từ khi về trường, ông Đa luôn gây khó dễ với bà trong mọi công việc. Thậm chí còn vu khống bà đánh học sinh làm mất danh dự, uy tín của bà. “Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh cho rằng tôi đánh học sinh. Tôi cũng đề nghị ông Đa mời công an xã làm rõ, xác minh cho tôi nhưng ông Đa không thực hiện. Mãi đến ngày 19/3/2016 ông Đa mới cho một số học sinh lớp 6A viết bản tường trình. Trong lúc tôi xin nghỉ dạy để đi khám sức khỏe thì ông Đa tổ chức cuộc họp “kín” không có mặt tôi và kết luận tôi đánh học sinh. Vậy căn cứ vào đâu ông Đa khẳng định tôi đánh học sinh?”, bà Khuyên bức xúc.

Được biết, ngày 12/4/2016 Công an huyện Phúc Thọ đã có buổi làm việc và bà Khuyên vẫn khẳng định mình không đánh học sinh. Theo đó, Công an huyện Phúc Thọ đã về trường để điều tra, xác minh.

Theo Báo cáo số 392/CAPT của Công an huyện Phúc Thọ về kết quả xác minh việc bà Khuyên đánh học sinh, có nội dung: “Sáng 4/3/2016 khi đến lớp 6 dạy tiết thứ hai, môn Sinh vật, khi nghe thấy có học sinh trong lớp nói lời xúc phạm mình, bà Khuyên đã không xác minh, làm rõ mà đã vô cớ véo tai, giật tóc, tát liên tiếp vào mặt em Nguyễn Kiều Chí Anh. Khi Chí Anh cho biết mình không phải là người có lời nói xúc phạm thì bà không xin lỗi mà lại tiếp tục đánh, tát em Kiều Duy Phong ngay trong lớp học với sự chứng kiến của 40 học sinh lớp 6A”.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Xuân Thắng- Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra cho biết: “Chúng tôi khẳng định bà Khuyên có đánh học sinh. Bởi chúng tôi căn cứ vào bản tường trình của 40 học sinh lớp 6A đều khai rõ bà Khuyên đánh. Về hành vi của bà Khuyên, mặc dù đã đánh nhưng đều chưa gây ra thương tích nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với bà. Song hành vi vi phạm của bà gây phẫn nộ trong dư luận nên chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét, có hình thức xử lý nghiêm đối và Khuyên. Đối với học sinh có hành vi hỗn láo, xúc phạm danh dự nhân phẩm với bà Khuyên, chúng tôi trao đổi BGH nhà trường có hình thức xử lý thích hợp để giáo dục, làm gương cho các học sinh khác”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại biên bản cuộc họp ngày 31/3/2016 do BGH nhà trường tổ chức họp xác minh sự việc của bà Khuyên. Tại mục 6 của Biên bản thể hiện: “Căn cứ vào bản tường trình có 22 em xác nhận cô Khuyên đánh học trò, 13 em ghi lại là không biết và một em cho rằng không nhớ sự việc xảy ra”.

Như vậy, có thể thấy kết quả xác minh, điều tra của Công an huyện Phúc Thọ đối chiếu với biên bản cuộc họp thì việc lấy lời khai của các cháu học sinh trong lớp là hoàn toàn mâu thuẫn. Liệu kết quả điều tra của Công an huyện Phúc Thọ có đủ căn cứ để kết luận bà Khuyên đánh học sinh hay không và đã khách quan? Câu trả xin gửi đến các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ.