Loay hoay trong thế giới toàn cầu hóa
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, hàng loạt thông tin về các nước trên thế giới nhanh chóng hiện ra. Hay bằng những thủ tục nhanh gọn người Việt Nam dễ dàng mua một tấm vé bay sang nước ngoài học tập, thăm thú, vui chơi. Việc bước ra biển lớn thế giới chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Mở ra hàng loạt cơ hội để người Việt phát triển bản thân, nâng cao kiến thức cống hiến cho quê nhà.
Tuy nhiên, sống trong “đại dương” những luồng thông tin, văn hóa khiến cho một số người Việt Nam dần không thấu đáo về ý thức dân tộc. Lấy ví dụ như vài năm trước đây, trong một chương trình truyền hình thực tế của Việt Nam, cô gái trẻ tên M.A liên tục nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh khiến cộng đồng “ngán ngẩm”. Khi được hỏi lý do, M.A thản nhiên chia sẻ do trình độ IELTS tốt, bạn bè chỉ thích nói chuyện bằng tiếng Anh, nên việc “trộn lẫn” hai thứ tiếng đã trở thành thói quen của cô. Thực tế, M.A là một trong rất nhiều ví dụ về việc tiếng Việt đang bị một số gia đình ở Việt Nam xem nhẹ. Hàng loạt các bậc cha mẹ không ngần ngại đầu tư cho con học tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản từ lúc bập bẹ biết nói. Họ nuôi hy vọng con của mình có một tương lai rộng mở, sớm “xuất ngoại” sang "trời Tây".
Văn hóa nước ngoài không chỉ ảnh hưởng đến ngôn ngữ mà còn chi phối phong cách sống của một bộ phận người Việt Nam. Nhiều người quan niệm phải sống thật “Tây” mới là hợp mốt. Như tài khoản mạng xã hội của P.N.P, cô là một nữ vận động viên thể dục dụng cụ trẻ ở Việt Nam đã giải nghệ không lâu. P.N.P từng được nhiều người yêu mến vì tính cách thẳng thắn và tài năng thể thao. Tuy nhiên, sau khi giải nghệ, cô lại nhiều lần có phát ngôn đề cao cuộc sống ở phương Tây. Thậm chí, cô còn bày tỏ thẳng thắn mong muốn được “Tây hóa” của mình với lời thách thức cộng đồng mạng. Điều này khiến P.N.P nhận được những bình luận tiêu cực và sớm bị khóa các tài khoản mạng xã hội.
|
Thế giới phẳng khiến một bộ phận người Việt Nam thiếu ý thức dân tộc. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Thanh Niên) |
Hiện nay, không chỉ “sính” ngoại (phương Tây, Âu Mỹ), mà nhiều người còn “sính” Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Như một nữ ca sĩ người Việt sau khi tham gia chương trình thực tế ở Trung Quốc, đã sẵn sàng nói tiếng Trung, cổ vũ đội tuyển Olympic Trung Quốc thay vì nước nhà. Những hành động thiếu tinh tế của cô khiến cộng đồng người Việt Nam và Trung Quốc rất bức xúc. Hay phim ảnh, âm nhạc của Hàn Quốc đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích trong nhiều năm trở lại đây. Kèm theo đó, phong cách ăn mặc, nói năng, cư xử, ăn uống ảnh hưởng mạnh từ Hàn Quốc. Nhiều người trẻ cảm thấy phải giống Hàn Quốc mới là đẹp, chuẩn mực.
Chỉ xét riêng về vấn đề ẩm thực, theo một bài nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội cho kết quả: có 180 trên tổng số 240 người yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 75%, đây là một con số lớn. Một số người độ tuổi từ 15 đến 22, mức tiêu dùng cho ẩm thực Hàn Quốc vào khoảng 50.000 đồng đến dưới 400.000 đồng một tháng, chiếm khoảng 1/8 mức lương của họ.
Ngoài một bộ phận người Việt Nam ở quê hương mất đi ý thức dân tộc. Còn những người Việt Nam ở nước ngoài đang lan truyền tư tưởng văn hóa lệch lạc cho giới trẻ. Lấy ví dụ, một cô gái người Việt theo gia đình sang Mỹ được một vài năm, đã lập tức đổi giọng “lơ lớ” giống các Việt kiều khi chia sẻ video trên mạng. Điều này khiến cô nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ người xem.
Cũng ở Mỹ, một tài khoản mạng tên D.N (sinh năm 2003), là Việt kiều, từ nhỏ anh đã sinh ra và lớn lên cùng gia đình ở nước ngoài. Vốn tiếng Việt của D.N tương đối tốt dù anh mới chỉ về Việt Nam đúng một lần. Ban đầu, các video hài hước chia sẻ cuộc sống, tâm sự thường ngày của anh nhận về hàng triệu lượt theo dõi từ những người trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, càng về sau này, các video thường xuyên có những lời nói tục, chửi bậy chỉ trích cha mẹ, nói xấu gia đình, khiến cho rất nhiều người cảm thấy phản cảm với tài khoản của D.N. Không ít phụ huynh đã lo ngại tư tưởng tự do phương Tây của D.N có thể ảnh hưởng xấu đến con trẻ của họ.
Mặc dù đây là một bộ phận rất nhỏ những người thiếu ý thức dân tộc, nhưng là một bài học cho mỗi người Việt Nam cần phải tự nhìn nhận lại trách nhiệm trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại ngày nay.
Lan tỏa niềm tự hào là người Việt Nam
Tổ chức UNESCO đã từng cảnh báo: “Xu hướng toàn cầu hoá có thể gây phương hại tới tính sáng tạo và đa dạng văn hoá của thế giới, tạo ra sự đồng nhất nghèo nàn về văn hoá”. Thực tế, giá trị văn hoá mỗi dân tộc sẽ trở thành sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.
|
Toàn cầu hóa là cơ hội để người Việt Nam lan tỏa tình yêu nước, bản sắc đẹp của quê nhà. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Tiền Phong). |
Việt Nam là một đất nước đang phát triển dần nhận được sự quan tâm chú ý của bạn bè trên trường quốc tế. Như ẩm thực, du lịch Việt Nam được đánh giá cao nhờ văn hóa bản địa đặc sắc. Hay lịch sử bất khuất, kiên cường Việt Nam vẫn khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ. Vì vậy, mỗi người Việt Nam đều có thể ngẩng cao đầu, tự hào nói nguồn gốc “máu đỏ, da vàng” của mình.
Thế giới phẳng là một cơ hội rất tốt để mỗi người Việt Nam có thể truyền bá vẻ đẹp quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa độc đáo đến toàn thế giới. Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của việc hướng về cội nguồn đất nước, rất nhiều người Việt trong và ngoài nước vẫn tích cực lan tỏa tình yêu nước, nâng cao ý thức dân tộc.
Mới gần đây nhất, trong những ngày Quốc khánh 2/9 ở Việt Nam. Hàng loạt các kênh truyền thông đã tạo nên các xu hướng đẹp như thay ảnh đại diện có hình cờ đỏ sao vàng và hastag liên quan đến Quốc khánh là cách nhiều người trẻ thể hiện lòng yêu nước của mình. Từ những ngày cuối tháng 8, cộng đồng mạng đã bắt đầu rục rịch hưởng ứng phong trào này.
Hay đó là ý tưởng độc đáo xuất phát từ một chàng thanh niên 29 tuổi tên Lê Quang Vũ. Ý tưởng vẽ lá cờ Tổ quốc lên mái nhà xuất hiện trên mạng xã hội từ cuối tháng 7 và sau đó được lan rộng. Nhiều gia đình tận dụng luôn mái tôn màu đỏ sẵn có, dùng thước dây đo và vẽ hình ngôi sao rồi sơn màu vàng kín hình ngôi sao này là hoàn thành Quốc kỳ. Với mái nhà không dùng tôn đỏ, có những gia chủ “chịu chơi” vẽ kín phần mái hình ảnh lá cờ Tổ quốc với nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh.
Người dân khắp nơi đã hưởng ứng trào lưu “biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ Tổ quốc”, thể hiện tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc, chào mừng Quốc khánh. Quốc kỳ trên mái nhiều ngôi nhà Việt những ngày này chính là hình ảnh phản chiếu của Quốc kỳ trong tim mỗi công dân.
Không chỉ có người Việt Nam trong nước, mà ý thức dân tộc cũng được rất nhiều kiều bào ở nước ngoài chú trọng. Nhờ việc luôn giữ được ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước mà những Việt kiều này nhận được những thành công, sự tôn trọng của bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước. Họ đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới.
Như vào tháng 5 vừa qua, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Các tác phẩm do họa sĩ Việt kiều Đào Trọng Lý sáng tác xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương, đất nước. Ông dành gần 7 năm vẽ những bức tranh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng bình dị, chan hòa tình yêu thương dành cho nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới. Ông mong muốn những bức họa xuất phát từ trái tim kính yêu Bác của mình sẽ hun đúc thêm tình yêu Bác Hồ cho không chỉ kiều bào tại Thái Lan mà cho bất cứ ai xem tranh.
Hay như Bà Nhữ - Tarnawska Hoa Kim Ngân là nữ khoa học gốc Việt đầu tiên nhận phong hàm giáo sư tại Ba Lan. Bà đã có khoảng 150 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus và xuất bản sách lịch sử khám phá ra hiệu ứng phân hạch hạt nhân (bằng tiếng Anh, đã được dịch sang tiếng Thụy Điển và tiếng Nhật). Mặc dù đã sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng trong lòng bà vẫn luôn dành tình yêu cho quê hương. Những câu nói của bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ định cư ở bên nước ngoài. Bà từng nói: “Mỗi thành công ở Ba Lan đều gợi nhắc cho tôi nhớ đến quê hương Việt Nam, nhớ rằng mình là người Việt Nam. Tôi thường về Việt Nam dự các hội nghị khoa học quốc tế. Tôi cũng thường đưa chồng đến những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam, giới thiệu với anh ấy quê hương xinh đẹp của tôi. Tôi thích nấu các món ăn mang hương vị quê nhà”.