Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: “Chất keo” gia tăng sự gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có tầm quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Phương Thanh)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Phương Thanh)

PGS. TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã dành cho phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam một cuộc trò chuyện về vấn đề này. Theo PGS. TS Vũ Trọng Lâm, đối với dân tộc Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện qua ba ý nghĩa lớn và mang tính bao quát nhất. Đó là việc thờ cúng Hùng Vương đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tâm linh, sinh hoạt văn hóa của Nhân dân; Thờ cúng Hùng Vương mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, bảo tồn tín ngưỡng truyền thống; Thờ cúng Hùng Vương có vai trò củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc coi Hùng Vương là ông tổ chung có tác dụng liên kết các lực lượng xã hội, gia tăng sự gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức dân tộc, do đó tạo nên sức mạnh đặc biệt, quy tụ các tầng lớp Nhân dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, từ mọi vùng, miền đất nước, kể cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc.

Như đã biết, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng đặc biệt trong sự hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Xin ông có thể nói rõ hơn

- Từ bao đời nay, với mỗi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài đều thuộc lòng câu ca dao “Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”, bởi nó thể hiện bản sắc văn hoá, đạo lý truyền thống tôn kính, biết ơn tiên tổ của người Việt Nam. Và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đại diện tiêu biểu minh chứng cho truyền thống văn hoá này, bởi đó không chỉ là hình thức tín ngưỡng của một tộc người, một địa phương, một vùng, miền, mà là văn hoá tâm linh chung của toàn dân tộc Việt Nam.

Sở dĩ tín ngưỡng này được gìn giữ, bảo tồn và phát huy suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử dân tộc ta vì đó là chuẩn mực của “hiếu đạo”, góp phần làm cho tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, tình đoàn kết gắn bó toàn dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn, bền chặt hơn bởi chúng ta không chỉ cùng là con Lạc, cháu Hồng, mà còn được bao bọc, kết nối do cùng sinh ra từ “một bọc trăm trứng”. Truyền thuyết Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm con, rồi Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, lấy danh hiệu Hùng Vương dù có tính huyền thoại, thần tích thì cũng phản ánh khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, trở thành mạch nguồn kết nối, tập hợp muôn triệu đồng bào Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Vậy theo ông, cần làm gì để bảo tồn và phát huy hệ giá trị thiêng liêng này?

- Ngay khi Di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6/12/2012), các chủ trương, định hướng, kế hoạch và chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được xây dựng nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị đặc sắc của Tín ngưỡng này đến với đông đảo người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số việc như: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa và các giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình tín ngưỡng này để mọi người có ý thức tìm hiểu, gìn giữ các giá trị; Có cơ chế đặc thù về tài chính và nguồn lực để tạo điều kiện cho các hoạt động phục dựng, bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cụ thể như, hỗ trợ phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số địa điểm; Xây dựng các chương trình hoạt động văn hóa, giáo dục và truyền thông đa dạng để giới thiệu, quảng bá những ý nghĩa độc đáo và các giá trị đặc sắc của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị cũng như lan toả tín ngưỡng này.

Cùng với đó cần tiếp tục triển khai kiểm kê, điều tra, khảo sát các di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cũng như trên phạm vi cả nước và một số cộng đồng người Việt Nam thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài. Nâng cao năng lực quản lý văn hóa, quản lý các di sản văn hóa đối với những người làm công tác văn hóa cơ sở ở làng, xã để cùng cộng đồng lập kế hoạch phục hồi, bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; củng cố, nâng cấp, đổi mới hoạt động của Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo hướng nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng. Sự kết hợp sự đầu tư của Nhà nước với việc tăng cường huy động các nguồn lực để bảo tồn các tập quán xã hội, nghi lễ và các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng rất cần được quan tâm.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”, với tư cách là đồng chủ biên, PGS. TS Vũ Trọng Lâm cho biết, trong nhịp hối hả của cuộc sống hiện đại, khi bản sắc văn hoá, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp ở một số nơi phôi phai, mai một, thì việc tôn vinh giá trị của văn hoá cũng như khẳng định sự trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Nhóm tác giả, người tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách, giống như đông đảo người dân Việt Nam dù đang sinh sống trên mọi vùng, miền của mảnh đất hình chữ S hay đang sống tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới luôn tự hào với nguồn cội con Rồng, cháu Tiên, luôn mong muốn góp phần gìn giữ, phát huy và lan toả sâu rộng các giá trị của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng xây dựng và thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam; hun đúc tinh thần gắn kết cộng đồng, phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là tâm huyết của nhóm tác giả khi tổ chức biên soạn và xuất bản ấn phẩm này.

Đọc thêm