Bến Âu Lâu nằm bên tả ngạn Sông Hồng thuộc phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Lịch sử ghi nhận, trước kia Âu Lâu là bến đò nhỏ của người dân ven sông Hồng qua lại giao thương. Tới năm 1953, bến đò Âu Lâu được xây dựng thành bến phà và trở thành vị trí chiến lược, nối liền tuyến giao thông Việt Bắc với Tây Bắc.
Bến phà Âu Lâu lúc đó là nơi duy nhất có thể vận chuyển các loại vũ khí hạng nặng như pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự qua sông Hồng. Tính từ tháng 11/1953 - 5/1954, trong hơn 200 ngày đêm thực dân Pháp trút với 2.700 tấn bom đạn nhằm phá hủy bến phà Âu Lâu. Tuy nhiên, dân quân và bộ đội vẫn quyết tâm vượt sông vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực và hàng trăm tấn đạn dược, vũ khí góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày 30/12/1992, cầu Yên Bái được khánh thành cũng là lúc bến phà Âu Lâu kết thúc sứ mệnh sau gần 60 năm hoạt động. Để lưu dấu giá trị lịch sử, Yên Bái đã xây dựng tượng đài “Bến Âu Lâu” nơi ngã ba đường thuộc phường Nguyễn Phúc. Ngày 07/8/2012 Bến Âu Lâu được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL.
Cụm tượng đài Bến Âu Lâu xây dựng từ năm 1992 tại ngã ba đường được giữ nguyên trạng. Ảnh: Nhật Nguyên. |
Sau gần 30 năm xây dựng và tồn tại, khu di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu bộc lộ sự xuống cấp. Trước thực trạng đó, tỉnh Yên Bái có chủ trương triển khai Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo bến Âu Lâu gắn với chỉnh trang đô thị. Phương án mở rộng không gian Di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu được xây dựng và giao cho UBND thành phố Yên Bái làm chủ đầu tư.
Năm 2020, thành phố Yên Bái đã tiến hành lập kế hoạch tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử quốc gia Bến Âu Lâu. Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm (2021 – 2023) với tổng mức đầu tư xấp xỉ 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách của thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tới nay, phần xây lắp các hạng mục như kè bảo vệ, sân bậc tam cấp, khuôn viên đang được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Đại An thực hiện với mức chi phí hơn 10,3 tỷ đồng.
Các hạng mục xây dựng cơ bản được khởi công từ tháng 2/2023 do Công ty Đại An thực hiện. Ảnh: Nhật Nguyên. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc ban QLDA đầu tư và xây dựng TP. Yên Bái, cho biết: Dự kiến ban đầu sẽ tiến hành di dời tượng đài tại ngã ba đường ra sát bờ sông. Sau khi lắng nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn cũng như các chuyên gia, thành phố đã quyết định giữ nguyên trạng tượng đài hiện có. Riêng hạng mục xây dựng nội dung phù điêu trị giá gần 1,25 tỷ đồng, UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận thành lập Hội đồng nghệ thuật theo nghị định 113/2013/NĐ-CP và sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị thực hiện sau chọn được nội dung phù điêu.
Ông Nguyễn Lâm Tới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đánh giá công trình tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử quốc gia Bến Âu Lâu là dự án có ý nghĩa rất quan trọng. Phía Sở đã phối hợp chặt chẽ với thành phố trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Hy vọng, dự án tôn tạo, tu bổ bến Âu Lâu sẽ về đích trong năm nay để kịp đưa vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/2024.
Tại văn bản số 1608/UBND-XD, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận danh sách thành viên Hội đồng nghệ thuật phù điêu thuộc dự án tu bổ Di tích lịch sử Bến Âu Lâu. Theo đó, Hội đồng dự kiến gồm 13 thành viên do ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái làm Chủ tịch, ông Đặng Hải Sơn – Trưởng phòng Giáo dục lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái làm Phó Chủ tịch, 11 ủy viên là đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học lịch sử, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Kiến trúc sư, Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam và một số phòng ban chức năng của thành phố Yên Bái.